Đề xuất giảm các cấp trung gian, không tổ chức HĐND cấp quận, phường trên cả nước

Không tổ chức HĐND cấp quận, phường để giảm đầu mối trung gian, tiết kiệm ngân sách, bảo đảm các chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính được thông suốt. Đó là đề xuất của Bộ Nội vụ trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, đang được Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ.

Theo đơn vị đề xuất, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện hành chưa thực sự phù hợp với đặc thù của đô thị, dẫn đến việc Quốc hội phải ban hành các nghị quyết riêng biệt để quy định tổ chức chính quyền đô thị cho Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng. Một điểm chung trong các nghị quyết này là đều quy định không tổ chức HĐND cấp quận, phường.

Xung quanh nội dung đề xuất này cùng các đề xuất giảm đầu mối trung gian, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia chính sách Ngô Vĩnh Bạch Dương.

 

Điểm chung trong các nghị quyết là đều quy định không tổ chức HĐND cấp quận, phường - Ảnh nh họa VOV

PV: Thưa ông, việc thí điểm bỏ HĐND ở một số cấp tại các đô thị đặc thù đã được thực hiện và cho hiệu quả tốt, tinh gọn, nâng cao hiệu lực hoạt động. Ông đánh giá thế nào về việc áp dụng không tổ chức HĐND cấp quận, phường trên địa bàn cả nước?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Bỏ HĐND ở một số cấp trung gian ở một số địa bàn đặc biệt là câu chuyện được nghiên cứu nhiều trong lý thuyết. Phương Tây đã có, còn chúng ta thử nghiệm ở một số chính quyền đô thị. Bước đầu có dấu hiệu tích cực. Ý kiến cần triển khai, dừng thí điểm và nhân rộng việc này dựa trên kết quả thử nghiệm nếu thỏa mãn các tiêu chí thì hoàn toàn hợp lý.

Chi tiết hiệu quả chỗ nào, cơ quan ban hành đã có các tiêu chí. Khi nó đáp ứng được các yêu cầu cải cách, đặc biệt là số lượng công việc, không gây ùn tắc trong giải quyết dịch vụ công, đảm bảo được mô hình hoạt động ở môi trường đô thị, tôi nghĩ là hợp lý.

Ảnh nh họa: VOV

 PV: Không chỉ HĐND, UBND ở địa phương, trong bộ máy các bộ ngành cũng đã và đang đề xuất giảm đầu mối cấp trung gian, như Tổng cục, Vụ, Cục, Công an cấp quận, huyện. Việc này nhằm giúp các chỉ đạo điều hành của cơ quan cấp trên và cấp dưới được thông suốt, hoạt động có hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn. Động thái này nên được nhìn nhận thế nào trong cuộc cách mạng tinh gọn hiện nay, thưa ông?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Những đơn vị quản lý cấp trung gian, người ta thấy rằng vẫn có thể sắp xếp được bằng cách đưa phần điều hành lên cấp cao hơn. Cấp thực hiện thì chỉ là những người tác nghiệp kỹ thuật thôi, không cần một cấp quản lý nữa. Tôi cho rằng, đây là chủ trương hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của đất nước cũng như xu thế chung của thời đại.

Đó là một bộ máy có năng lực cung cấp dịch vụ công hoàn hảo, thông suốt. Nó không đơn thuần là cấp phép, các thủ tục hành chính cho người dân, còn là vấn đề chấp hành, điều hành, phạm vi trách nhiệm liên quan nhiều địa phương. Phạm vi chỉ đạo có thể ở cấp cao hơn vẫn có thể thông suốt xuống cấp thực hiện mà không thông qua trug gian.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, một mô hình tồn tại khá lâu rồi, chuyển sang mô hình mới, chắc chắn đâu đó cũng trục trặc. Ví dụ, thủ tục hành chính đang dang dở, người ta có thể theo dõi kết quả thủ tục đó ở đâu bây giờ? Quá trình chuyển đổi này cần có khâu chuẩn bị kỹ, lường trước các khả năng.

Trước mắt, bộ phận hồ sơ đang thực hiện thủ tục hành chính nào thì vẫn tiếp tục, kể cả bộ phận được chuyển sang cấp cao hơn thì vẫn tiếp tục thực hiện các dịch vụ công đó.

Nếu tiếp tục thế này, tôi nghĩ chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý nhà nước sẽ tốt hơn nhiều. Người hưởng lợi cuối cùng sẽ là người dân. Có thể thời gian đầu còn bỡ ngỡ, nhưng chuẩn bị kỹ, hướng dẫn đầy đủ thì các dịch vụ sẽ được cung cấp thông suốt, thực hiện bởi các cơ quan đa nhiệm các mảng lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

PV: Cảm ơn chia sẻ của ông.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp bất thường tháng 2 tới.