Để người dân “tự hào” nộp thuế TNCN, cần giảm bậc thuế và tăng mức giảm trừ gia cảnh

Bộ Tài chính hiện đang tiến hành rà soát và đánh giá toàn diện luật Thuế thu nhập cá nhân, bao gồm cả vấn đề về mức giảm trừ gia cảnh, nhằm báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung.

Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.

PV: Quan điểm của ông thế nào về sự bức thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Nói đến thuế thu nhập cá nhân đã được ban hành từ năm 2007, đến nay đã khá lâu rồi. Chúng ta vẫn chỉnh sửa gần nhất đến năm 2020. Rõ ràng, rất cần thay đổi, thời gian thay đổi chúng tôi cho rằng cần thay đổi lâu rồi.

Trước thu nhập của người dân, các chi phí thực hiện trong xã hội, nhu cầu thay đổi luật về thuế, đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh và mức chi phí cho người phụ thuộc càng bức xúc, khi mức này quá thấp.

Khi thay đổi luật, chúng ta cần thay đổi từ tư duy làm thuế, không phải chỉ sửa đổi một số điều. Có nghĩa chúng ta làm lại toàn bộ từ đầu. Đầu tiên là ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân, cần xem xét toàn diện từ mức sống trung bình khá từng thời điểm người dân đang sống mới tính thuế.

Ảnh nh họa: Thư viện Pháp luật

Thứ hai là những chi phí hợp lý hợp lệ như khám chữa bệnh, đóng góp phong trào từ thiện, phong trào xã hội, thì nó không còn nằm trong thu nhập của người đóng góp, nên trừ ra. Thứ ba, cần tính mức bào mòn thu nhập của lạm phát. Như thế mới xây dựng được ngưỡng chịu thuế phù hợp thực tiễn.

Ngoài ra, hiện mức thuế có 7 bậc, quá nhiều, lắt nhắt, gần nhau, vừa gây phức tạp cho việc tính toán, vừa gây việc chuyển bậc quá gần. Nên giãn ra 4-5 bậc thôi. Và trong xu thế chung của thế giới hiện nay, mức thuế suất cao nhất đang có vấn đề.

Các quốc gia xung quanh chúng ta hiện nay chỉ khoảng 22-25%. Còn chúng ta là 35%. Bên cạnh đó là chi phí vãng lai, chi phí dịch vụ không còn phù hợp nữa. Chúng ta nên cân nhắc cho thỏa đáng.

PV: Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại là 11 triệu đồng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc, người lao động có lương từ mức 17 triệu đồng/tháng (với 1 người phụ thuộc), sau khi trừ các khoản BHXH và y tế, vẫn chưa phải nộp thuế TNCN. Theo ông, cần thay đổi ngưỡng này ra sao, có nên tính cố định ngưỡng chịu thuế ở tất cả các vùng?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta biết rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay, tính cụ thể, chi tiết nên tính theo vùng (vùng 1-4 cũng đang là căn cứ tính lương). Mức chi phí ở các vùng khác nhau, đặc biệt đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, mức chi phí rất cao.

Ảnh nh họa: Thư viện Pháp luật

Ví dụ ở Hà Nội, TP.HCM, mức lương phải 18 triệu mới đủ sống, mức người phụ thuộc cũng đâu đó khoảng 10 triệu đồng thì mới phù hợp. Với kinh tế số như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh ngưỡng giảm trừ gia cảnh, mức người phụ thuộc theo thời gian thực từng năm, hoặc hai năm.

Tư duy làm thuế cần thay đổi, để Luật thuế thu nhập cá nhân đáp ứng yêu cầu: Những người có thu nhập cần đóng góp cho xã hội, nhưng trước hết phải đảm bảo được cuộc sống bình thường. Họ cảm thấy tự hào khi được đóng thuế thu nhập cá nhân cho nhà nước, sẵn sàng tính đúng, tính đủ, không trốn tránh nghĩa vụ thuế. Đây là yêu cầu chúng ta cần hướng đến.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo lộ trình, Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội sửa vào tháng 10/2025, đến tháng 5/2026 sẽ thông qua, thực hiện từ năm 2027.