Để không bị “chặt chém” khi đi sửa xe máy

Trên một diễn đàn giao thông, chỉ một lời phàn nàn về việc bị “chặt chém” chi phí sửa chữa xe máy tại Hà Nội, nhưng đã thực sự thổi bùng lên rất nhiều sự đồng cảm, bức xúc của những người cùng cảnh ngộ.

Có người xe bị một lỗi, nhưng được thợ sửa xe “vẽ” ra 5-6 lỗi; có người tưởng chỉ bị hỏng lỗi vặt thông thường, nhưng tái mặt khi nhận chi phí dự tính sửa và thay thế linh kiện hàng triệu đồng; người lại lâm vào tình cảnh bị “bổ máy”, chữa lợn làng thành lợn què…

Thực hư điều tiếng về đạo đức nghề nghiệp trong giới sửa xe như thế nào, những lời khuyên dành cho chủ các phương tiện khi đưa tới tiệm sửa chữa ra sao?

PV: Tôi đang có mặt tại một tiệm sửa chữa xe máy ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, và bên cạnh là anh Nguyễn Văn Sơn, chủ cơ sở.

Anh suy nghĩ thế nào trước những lời phàn nàn của khách hàng về hiện tượng ngày một phổ biến là bị “chặt chém” giá cả khi đi sửa xe?

Anh Nguyễn Văn Sơn: Cái đấy thì chắc cũng có. Một số trung tâm lớn thì họ làm vậy. Như tôi thì ở đây chúng tôi mở 10 năm rồi, người thật việc thật. Quan trọng là các anh chủ cần quán triệt thợ là làm có cái tâm nghề nghiệp.

Còn xu hướng chạy theo lợi nhuận thì cũng khó nói, tùy từng cửa hàng áp dụng. Cái gì đáng sửa thì sửa, cái gì không cần thiết thì có những chi tiết có thể tái sử dụng được. Nó phụ thuộc vào đạo đức của thợ.

Không ít người đi xe máy ở Hà Nội bức xúc trước hiện tượng ngày một phổ biến là 'chặt chém' giá sửa chữa xe. Ảnh nh họa khách hàng ngồi chờ tại 1 tiệm sửa xe trên địa bàn quận Hoàng Mai.

PV: Theo tôi biết thì ở một số cửa hàng có bộ phận giám sát thợ, hoặc đích thân chủ cơ sở kiểm tra quá trình sửa chữa…

Anh Nguyễn Văn Sơn: Ở chỗ khác thì tôi không dám nói. Nhưng chỗ tôi, tôi có phương châm quán triệt anh em là người thật việc thật, chỉ rõ cho khách hàng, cái gì kém, khách đồng ý thì mới sửa chữa, thay thế. Còn ở chỗ tôi không có hiện tượng “bánh vẽ” bao giờ.

PV: Một câu hỏi mà rất nhiều người muốn biết, anh có thể ví dụ một vài lỗi phổ biến hay bị “bánh vẽ” như anh nói?

Anh Nguyễn Văn Sơn: Cái lỗi thì nó muôn hình muôn vẻ. Ví dụ thường thường như xe điện tử mới bây giờ, thì các ông hay nêu quan trọng hóa quá mức. Chạy lại phần mềm, reset thì phải có, nhưng lấy vừa phải thôi, đừng nên vẽ nhiều quá. Vì một cái máy chạy phần mềm chúng tôi đầu tư cũng gần 20 triệu rồi.

PV: Vâng, tôi xin bổ sung thêm một số lỗi hay bị kê vống lên, ví dụ như: Mòn nhông xích, xe khó nổ máy, trục trặc lọc gió, bướm ga, ắc quy… Đây đều là những lỗi vặt, phương án xử lý khá đơn giản, nhưng qua tay người thợ không có tâm lại thành nghiêm trọng.

Vậy có cách nào để khách hàng có thể phòng tránh được những tình huống này?

Anh Nguyễn Văn Sơn: Cũng tùy từng khách hàng. Anh nào cẩn thận thì đứng trực tiếp xem. Có khách hàng thanh niên thì cũng không để ý lắm, báo sao thì làm vậy. Họ nên giám sát anh em thợ làm, hỏng cái gì, kém chi tiết nào mà tận mắt mình nhìn thấy thì mình thay thôi.

PV: Không ít người đi xe máy ở Hà Nội hiện có một nỗi ấm ức khi đi sửa xe, sợ bị “chặt chém”, “chữa lợn lành thành lợn què”, mà như anh nói, nó phụ thuộc phần lớn vào cái tâm của người thợ sửa xe. Anh có chia sẻ gì đối với các đồng nghiệp trước những điều tiếng ấy?

Anh Nguyễn Văn Sơn: Anh em trong nghề thì mỗi người một tính. Quan điểm của tôi vẫn như ban đầu ấy, đó là quan trọng phải làm bằng cái tâm. Làm sao để khách quay lại. Chứ làm ẩu một lần thì mất khách và họ cũng chẳng quay lại nữa.

PV: Xin cảm ơn anh!

Trong quá trình trao đổi, anh Sơn cùng vợ đứng bên cạnh tỏ ra khá dè dặt trong việc đưa ra quan điểm. Có thể hiểu được phần nào tâm lý đó, khi họ đang nói về một hiện tượng tiêu cực trong ngành nghề của mình, mà không thể phủ nhận, nó đang xảy ra khá phổ biến.

Theo chia sẻ của những người có kinh nghiệm, trước khi mang xe đi sửa, chủ phương tiện nên tìm hiểu, tra cứu trước biểu hiện bệnh của xe liên quan tới nội dung nào và thường sẽ sửa hạng mục gì, để nắm được cơ bản vấn đề. Tiếp theo, cần lựa chọn cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng uy tín.

Trường hợp bị hỏng xe giữa đường, phải vào một tiệm bất kỳ, nên đứng hoặc ngồi ở vị trí có thể quan sát dễ dàng các hoạt động của kỹ thuật viên, khi chi phí dự kiến bị đội lên quá cao, hãy thận trọng trước những đề nghị, gợi ý thay thế các chi tiết, linh kiện.

Nếu là người ít tìm hiểu về xe cộ, đặc biệt là phụ nữ, tốt nhất nên gọi điện cho một người tin cậy, có kinh nghiệm để nhờ tư vấn.

Còn về phía các tiệm sửa chữa xe máy, các thợ sửa xe, rất cần nâng cao sự chất lượng phục vụ và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp để hạn chế những điều tiếng.

Uy tín có thể xây dựng trong hàng thập kỷ, nhưng có thể bị hủy hoại trong 1 thời khắc một cá nhân nào đó làm ẩu, làm bậy khiến thương hiệu cửa hàng sụp đổ trong mắt khách hàng.