Đẩy ruốc mùa gió chướng

Cứ mỗi độ cuối năm, khi con gió chướng lồng lộng thổi, những cơn sóng dữ tạm rời xa những bãi bồi phẳng tắp của vùng biển cát Gò Công, người dân xứ biển lại bắt đầu bước vào mùa ruốc.

Không biết nghề đẩy ruốc có từ bao giờ trên vùng đất này, nhưng những người con ven biển Gò Công bao đời nay vẫn thế, vẫn thiết tha gắn bó bãi bồi, vẫn cùng chung một khát vọng mưu sinh nơi cát đen, biển bùn xứ sở.

Gò Công, xưa là một tỉnh cũ ở ền Tây Nam Bộ. Tháng 2/1976, tỉnh Gò Công hợp nhất với tỉnh Mỹ Tho và thành phố Mỹ Tho thành tỉnh Tiền Giang. Theo nhiều tài liệu ghi chép: Cuối thế kỷ 19, Gò Công còn hoang vu, nhiều lùm bụi, chưa khai phá. Dọc theo bờ biển từ Vàm Láng xuống Tân Thành, Cửa Tiểu, là những rừng cây ngập mặn như đước, vẹt, sú, lá dừa đầy đặc, che khuất, kín đáo:

 “Anh đi ghe lúa Gò Công

Vô vàm Bao Ngược, bị giông đứt buồm”

Ruốc biển tập kết lên cảng cá để chờ thương lái thu mua - Ảnh: TTXVN

Câu hát lưu truyền trong dân gian một dạo đã cho thấy sự khắt nghiệt của sóng nước Gò Công. Ấy vậy mà, cũng từ nơi đây, dòng người lưu dân từ thuở đặt chân đến vùng đất này khai phá đã biết dựa vào sông nước, dựa vào biển mà mưu sinh. Họ lập làng, lập ấp, dựng nghề, truyền nghề. Trong đó, có nghề đẩy ruốc.

Khác với ngư dân nhiều nơi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngư dân vùng biển Gò Công có nhiều cách đánh bắt ruốc. Trong đó, chủ yếu là đánh bắt bằng nghề đóng đáy ven bờ và nghề đẩy lưới cầm tay. Phần lớn ngư dân là người dân ở các xã, thị trấn như Tân Thành, Tân Điền. Tất cả ruốc của ngư dân đánh bắt được đều đem về khu vực cảng Vàm Láng, một trong những cảng cá lớn nhất khu vực ền Tây để tiêu thụ.

Nhắc đến Vàm Láng, những cư dân cố cựu đất Gò Công lý giải rằng: Phía ngoài con rạch Cần Lộc đổ ra sông lớn Soài Rạp rồi thông ra biển có một phần nước rộng và sâu gọi là vàm, cách họng vàm một khoảng có một hà lãng (chỗ nước rộng mênh mông) với nhiều rừng cây dày đặc hai bên bờ, nên có nhiều nai đến uống nước, vì thế hồi xưa chỗ này còn gọi “láng lộc”, dân địa phương gọi trại thành là Vàm Láng.

"Một ngày làm có khi được cả tấn ruốc, tôi thì làm cũng được 3-4 năm".

"Ngày nhiều gia đình tôi đánh được 2 tấn ruốc tươi. Phơi được ít, còn lại bán tươi. Những con nước trước người ta thu mua 8 – 10 ngàn đồng/kg. Gía cả hay dao động thất thường lắm".

Ruốc của ngư dân khi cập cảng Vàm Láng đều được thương lái mua hết ngay tại cảng để sơ chế làm ruốc khô hoặc mắm ruốc. Ngay khi mua ruốc, thương lái bắt đầu phân ruốc làm 2 loại. Loại 1 là ruốc lớn, thường đưa đi phơi khô để đem về thành phố tiêu thụ. Ruốc nhỏ hơn, thường dùng làm mắm. Có dịp về chợ thị xã Gò Công, du khách thử dò hỏi mười người rằng, mắm ruốc lò nào ngon. Bảo đảm, sẽ có chín người đáp: mắm Bà Hai.

Ruốc biển Gò Công của tỉnh Tiền Giang nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon và được người tiêu dùng ưa chuộng - Ảnh: TTXVN

Nhiều lão niên ở gần chợ này kể, trước năm 1975, Bà Hai đã đều đặn ủ mắm mang ra ngồi bán, ở một góc chợ thị xã Gò Công Đông mỗi sáng. Cả huyện hiện có ít nhất bốn lò làm mắm ruốc chuyên nghiệp, nhưng mắm Bà Năm, Chị Tám... màu sắc không ửng hồng, độ mặn – ngọt – cay vừa phải, cũng như mùi thơm không đặc trưng lắm.

Nay Bà Hai đã mất, nhưng cháu ngoại bà còn giữ nghiệp. Ruốc nước lợ thì nhiều tỉnh lân cận cũng có, như Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Nhưng mắm ruốc đặc sắc thì phải kể đến Gò Công: "Mắm ruốc Gò Công thì gia đình tôi dùng từ trước giờ, phải nói là ngon số 1. Dùng để kho thịt, hay chấm xoài non, cóc non là không chê vào đâu được. Mỗi lần về quê lên tôi cũng hay mang theo vài hủ mắm ruốc để làm quà tặng bạn bè. Hồi nhỏ thì thấy bà ngoại tôi cũng biết làm mắm ruốc, cách mà bà tôi làm là trộn đều ít rượu với muối, ớt giã vào ruốc rồi quết sơ, sau đó đem phơi. Quết lại cho thật nhuyễn, nêm thêm gia vị cho thật vừa ăn rồi nhận vào cái tỉn, phía trên ệng tỉn thì đậy lại bằng lá chuối, dằn thêm cái nắp bằng gáo dừa".

Nhiều năm qua, nghề đáy khai thác ruốc ở ngoài khơi biển Cửa Tiểu, Cửa Đại của ngư dân Gò Công đã mang lại nguồn thu nhập ổn định. Sản phẩm của nghề đáy ở đây chủ yếu là ruốc. Theo các ngư dân, dù ruốc có quanh năm nhưng dịp cuối năm, sản lượng ruốc nhiều hơn mà chất lượng cũng tốt hơn. Còn ở Vàm Láng chủ yếu là ruốc lớn, có chất lượng tốt. Mỗi ngày, có từ 10-15 ghe làm nghề ruốc cập cảng với sản lượng lên đến vài tấn ruốc.

Hầu hết ngư dân làm nghề khai thác ruốc là ngư dân nghèo bởi nghề ruốc vất vả, giá trị kinh tế thấp hơn nhiều loại hải sản khác. Tuy nhiên, lợi thế là ruốc xuất hiện ở ven bờ biển nên chi phí đánh bắt không lớn. Ngay cả ghe nhỏ, hoặc sử dụng lưới đẩy thủ công bằng tay cũng có thể khai thác được ruốc. Thời điểm sau tết Nguyên Đán, khi ruốc rộ quá nhiều, loại nhỏ cũng có thể được sử dụng chế biến làm thức ăn gia súc, gia cầm.

Tại cảng Vàm Láng những ngày này luôn tấp nập những chuyến ruốc đến và đi. Nhiều thương lái còn phơi ruốc ngay tại khu vực cảng trước khi đưa đi tiêu thụ. Đối với chị em phụ nữ ở ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành mỗi khi vào mùa ruốc, họ lại có công ăn việc làm sau những ngàn nhàn rỗi.

Bà Lê Thị Vui, ngụ Gò Công cho biết: "Thương lái lại tới nhà mua 23 – 24 ngàn đồng/kg. Năm trước lại mua ba mươi, ba mấy ngàn đồng mỗi kg. Ruốc trúng hơn năm rồi nhưng giá cả rẻ hơn. Nói chung nó cũng lên xuống lắm. Tính ra, những ngày trúng trừ chi phí rồi cũng được 5 – 7 triệu đồng vậy đó".

Không phải chùm khế ngọt sau hè, hay con đò nhỏ trước bến sông mà chính những con ruốc thân bằng cây tăm, trắng tươi, dập dìu trên đầu con sóng, bám víu cồn bãi nước lợ gần cuối mùa gió chướng đã nhen nhúm trong tim những người Gò Công một tình yêu quê nhà tha thiết. Những chuyến hàng chở ruốc đến và đi cập bến hàng giờ trên cửa biển đã trở thành nguồn sinh kế cho biết bao gia đình ở Tân Điền, Vàm Láng để mỗi khi mùa gió chướng về - đi, người ta lại khắc khoải nhớ thương nghề đẩy ruốc.