Dấu xưa Rạch Giá

Nói về tỉnh Kiên Giang sẽ có nhiều người nghĩ ngay đến hòn đảo ngọc Phú Quốc xinh đẹp ngoài khơi và Rạch Giá một thành phố hiện đại ở cuối trời tây nam đất nước.

Qua 3 thế kỷ hình thành phát triển, Rạch Giá ngày nay khoác lên mình “màu áo” mới với vẽ đẹp văn nh, nghĩa tình cùng nhiều công trình ấn tượng. Đan xen trong bức tranh hiện đại ấy là những màu sắc xưa cũ vẫn còn đó với thời gian. 

Cảng Rạch Giá xưa

Theo tương truyền, vốn dĩ có tên Rạch Giá là vì khi xưa dọc ven bờ biển có rừng Giá mọc dày đặc. Với bề dày lịch sử hơn 300 năm hình thành phát triển, qua biết bao thăng trầm, đổi thay, thành phố Rạch Giá ngày nay đóng vai trò là một trong 4 khu vực kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trở thành một đô thị hiện đại, đáng sống và là điểm dừng chân trong hành trình khám phá du lịch của nhiều du khách trong, ngoài nước.

Trong không gian của một đô thị hiện đại, trẻ trung đâu đó vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ niệm xưa cũ, nhiều công trình là chứng nhân lịch sử đối với sự phát triển của thành phố, gắn liền với đời sống văn hoá của người dân.

Cảng Rạch Giá nay

Khi đến Rạch Giá và di chuyển trên trục đường chính Nguyễn Trung Trực để vào trung tâm thành phố, sẽ khó có thể bỏ qua cổng Tam Quan – một công trình được xây dựng   năm 1955 vào thời kỳ pháp thuộc.

Cổng Tam Quan có kiến trúc hình vòng cung với 3 lối đi, lối đi ở giữa sẽ có diện tích lớn nhất và 2 lối đi còn lại có kích thước tương đồng. Trên mỗi vòm cổng được thiết kế thêm hai tầng mái và chạm khắc nhiều hình tượng độc đáo khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Bửu, một người dân sinh sống lâu năm tại gần khu vực cổng Tam Quan cho biết, khi xưa Rạch Giá là cơ quan đầu não, thế nên chình quyền ngày ấy xây dựng cổng tam quan là để đặt cột mốc nhằm phân biệt lối vào trung tâm thành phố. Sở dĩ cổng Tam Quan có 3 ô cửa vì mang ý nghĩa tượng trưng cho hữu quan, không quan và trung quan. Đây là 3 cách nhìn của nhà Phật nhằm thể hiện sự vô thường trong cuộc sống.

Cổng Tam Quan xưa

Trước đây cổng Tam Quan có ghi chữ “Châu Thành Rạch Giá” không dấu, tuy nhiên qua nhiều lần tu sửa, sơn mới cổng đã không còn dòng chữ này. Đối với người dân Rạch Giá cổng Tam Quan là một công trình đầy tự hào, lặng lẽ chứng kiến bao đổi thay của vùng đất nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Bửu chia sẻ: “Cổng Tam Quan có từ rất lâu rồi. Qua thời gian cổng chỉ sơn lại cho mới thôi chứ kiến trúc vẫn như vậy. Cổng này nổi tiếng ở Kiên Giang lắm, nhiều người ở các tỉnh khác nghe cổng Tam Quan tưởng điểm du lịch khi lại thì mới biết chỉ có cái cổng vậy thôi. Thấy vậy chứ cổng Tam Quan này chứng kiến nhiều đổi thay của Rạch Giá lắm, từ ngày xưa hai bên cây cối hoang sơ cho đến bây giờ phát triển nhà cao tầng như bây giờ.”

Cổng Tam Quan ngày nay

Rạch Giá ngày nay còn được nhiều người biết đến với du lịch tâm linh, nơi có nhiều ngôi chùa lâu đời cùng kiến trúc độc đáo, đặc biệt là đình thờ vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Ông Nguyễn Phước Hoa – Cán bộ lâu năm tại Di tích lịch sử đình Nguyễn Trung Trực cho biết, anh hùng Nguyễn Trung Trực là một nhân vật lịch sử trong thời kháng chiến chống Pháp tại ền Nam vào nửa cuối thế kỷ 19. Năm 1868, cụ Nguyễn bị thực dân pháp bắt và xử tử tại chợ Rạch Giá. Vì thương và cảm kích khí phái, phẩm chất kiên trung của cụ Nguyễn Trung Trực, người dân Rạch Giá đã bí mật thờ cúng ông trong Đền Nam Hải Đại tướng quân hay còn gọi là Đền Cá Ông.

Ban đầu nơi thờ tự cụ Nguyễn Trung Trực chỉ được dựng đơn sơ bằng mái lá cạnh sông Kiên và cách bờ biển Đông khoảng chừng một trăm mét, nay là bến tàu Phú Quốc. Đến 1970 đình cụ Nguyễn Trung Trực được xây dựng khang trang hơn cho đến ngày nay.

Công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực

Hàng năm, cứ từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 8 âm lịch, người dân Rạch Giá lại tổ chức Lễ hội đình Nguyễn Trung Trực với sự tề tụ của người dân khắp cả nước nhằm bày tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ đến cụ. Qua thời gian lễ hội đình Nguyễn Trung Trực trở thành sự kiện định kỳ, đi sâu vào nếp sống của người dân. Mới đây, nhân ngày tưởng niệm 155 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868 - 2023), Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội đình Nguyễn Trung Trực là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong niềm tự hào của người dân Kiên Giang.

Ông Nguyễn Phước Hoa cho biết: “Lễ hội truyền thống anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực mỗi năm càng có thêm đông người dân. Năm 2023 thì lượng người đến đã vượt trên 1,2 triệu người. Lễ hội truyền thống của cụ Nguyễn được ghi nhận vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là niềm tự hào của người dân Kiên Giang. Rất là mừng khi cụ Nguyễn đã đi vào lòng dân, một số người hỏi tôi là tại sao gọi là anh hùng dân tộc, danh hiệu này ai phong. Tôi mới nói là dân phong, bởi vì đức tính Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa của cụ quá lớn nên đã đi vào lòng dân. Người dân nam bộ coi cụ Nguyễn như người cha chung nên khi đến ngày lễ hội đình Nguyễn Trung Trực hàng năm giống như một ngày giỗ ở Nam bộ, ai có gì đem đến cái đấy để cúng, mọi người gom góp lại về đây cùng tổ chức, cùng cúng, cùng ăn và hưởng lộc của cụ …”

Đình thờ vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Ông Nguyễn Phước Hoa cho biết thêm, Rạch Giá ngoài những công trình và di tích lịch sử lâu đời còn là nơi có nền văn hoá đa dạng của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Cùng với đó, bởi có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi nên từ thuở xưa Rạch Giá đã là điểm tập trung của các thương lái trong và ngoài nước buôn bán, trao đổi hàng hoá tấp nập: “Ngày xưa Rạch Giá có số người dân Khmer đông, người Việt ít và người Hoa thì theo bước chân Mạc Cửu vào đây. Người Việt, người Hoa thì ở dọc bờ biển, các cửa sông còn người Khmer thì ở sâu bên trong ruộng lúa và dần dà tất cả trở thành người dân của Rạch Giá cho đến nay. Rạch Giá ngày xưa vùng chợ chủ yếu người dân tập trung buôn bán và có vài xóm chài làm nghề biển, còn sâu bên trong thì trồng lúa. Do có vị trí thuận lợi nên người Malaysia và người Thái Lan cũng thường đi thuyền đến để trao đổi hàng hoá.”

Đình thờ vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Trong ký ức của tôi vẫn còn cất giữ hình ảnh Rạch Giá những ngày hoang sơ. Ngày mà xe đạp, xe máy chẳng nhiều như ô tô bây giờ. Thuở mà trên đường Ba Tháng Hai chỉ toàn là cây dương và cỏ lau mọc phủ dọc bờ biển, thi thoảng lại có vài bãi đất trống – nơi mà lũ trẻ chúng tôi đến chơi vào mỗi buổi chiều.

Nhìn lại hôm nay, Rạch Giá từ một vùng đất sình lầy ven đô thị trở thành một nơi đẹp, đáng sống với những khu đô thị hiện đại trên diện tích lấn biển quy mô lớn và trong tương lai sẽ ngày càng phát triển rộng hơn nữa.

Khu đô thị lấn biển hiện đại với những dãy nhà sang trọng

Bức tranh phát triển của Rạch Giá ngày nay mang nhiều màu sắc hài hoà khi không chỉ theo hướng hiện đại mà còn có những vệt màu cũ kỹ được lưu giữ qua các công trình, sự kiện đậm giá trị về lịch sử. Để rồi mọi thứ có đổi thay thì cảnh xưa vẫn còn đó với thời gian chờ những ai tìm về.