Dấu xưa đình Đại Điền

Về huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, ngoài được rảo bước trên những con đường trải nhựa thẳng tắp, thưởng thức bánh dừa Giồng Luông, mang đậm nghĩa tình bà con xứ dừa, tham quan nhà cổ Huỳnh Phủ tuổi đời hơn trăm năm, du khách còn được giới thiệu về đình Đại Điền.

Đây là công trình gắn liền với quần thể di tích Quốc gia Nhà cổ Huỳnh Phủ, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân 2 xã Tân Phong và Đại Điền; nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử trong việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng của địa phương.

Tiếp tục hành trình khám phá xứ dừa Bến Tre, chúng tôi về tại xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú khi trời đã xế chiều. Bước vào sân đình, chúng tôi được xem tận mắt, được nghe kể về lịch sử hình thành của đình Đại Điền, nơi mang ý nghĩa lớn đối với người dân địa phương.

Dù không còn giữ được nguyên vẹn dáng dấp như xưa, nhưng với những gì còn tồn tại, đình Đại Điền vẫn mang trong nó sự kỳ công của các bậc tiền nhân cũng như kiến trúc đặc trưng của đình làng Nam Bộ ngày trước.

Đình Đại Điền gắn liền với tên tuổi của ông Huỳnh Ngọc Khiêm, chủ nhân của ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ (Nguồn: Nguyễn Huế)

Các vị cao niên trong vùng và các thành viên ban khánh tiết không ai biết chính xác nguồn gốc và thời gian cụ thể xây dựng ngôi đình, chỉ biết rằng ngôi đình này được xây dựng gắn liền với tên tuổi của ông Hương Liêm, tên thật là Huỳnh Ngọc Khiêm, chủ nhân của ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ, cách đó không xa. Theo lời kể của các cụ, ông Hương Liêm luôn tin rằng, cơ ngơi giàu có cùng với việc làm ăn luôn gặp thuận lợi và ngày càng phát triển, ngoài sự cố gắng của bản thân, ông còn được sự trợ giúp của các vị thần, thánh trong làng. Chính vì lẽ đó, ông đã tiếp tục trùng tu ngôi đình ngày càng khang trang.

Bà Lê Thị Hai, cháu dâu đời thứ 6 của chủ nhân ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ cho biết thêm: "Khi mà ông đang cất ngôi nhà thì ông cũng cho nguyên kíp gỗ cất cái đình Đại Điền. Cái đình Đại Điền là ông đã góp công xây dựng ngôi đình đó cho nên bây giờ mỗi năm cúng đình, 2 vị thầy cũng có ra đây cúng ông một mâm cỗ nhớ ông ngày xưa góp công xây dựng".

Các thành viên ban khánh tiết kể, tổng thể ngôi đình Đại Điền ban đầu gồm: Võ ca, võ quy, chính điện, nhà đãi và nhà khối. Công trình tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 7.000m2. Tuy nhiên vào năm 1980, tại đây xảy ra một trận hỏa hoạn lớn làm cho toàn bộ chính điện và giang võ quy bị cháy hoàn toàn. Hiện tại, đình chỉ còn lại giang võ ca là giữ được kiến trúc truyền thống của đình với những cây cột gỗ, mái lợp ngói âm dương.

Ông Nguyễn Văn Á, Trưởng Ban khánh tiết đình Đại Điền cho biết thêm: "Năm 1980 lấy nơi đây làm trường Đảng, đình bắt đầu cháy năm 1980 luôn. Anh em chúng tôi trong Ban Khánh tiết mới đi quyên góp tiền từ Cà Mau đến thành phố về đây mới cất được lại cái chánh điện. Hiện giờ ở đằng sau còn 1 toàn nữa gọi là tòa thính. Anh em chúng tôi gom lại làm lại như vậy á là cái tòa này. Rồi sau này, bắt đầu anh em mới quyên góp vô này kia, sắm sửa lại tàng lộng. Anh em chúng tôi mới sửa lại mấy cái tủ, cháy hết toàn bộ luôn. Bởi vì vách ở đây coi như 8 phước và 3 vọng cửa. Đình này được thành lập, khi phong sắc thần năm 1852 tới nay. Tôi thì bắt đầu vô đây làm từ nào giờ tới đây là 7 đời chánh bái đã qua đời rồi cho đến giờ này".

Theo ông Á, đình Đại Điền được sắc phong vào thời Tự Đức ngũ niên, tức năm 1852. Với niên đại hàng trăm năm, đây cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện kịch sử quan trọng của địa phương. Sau ngày Bến Tre đồng khởi 1960, đình Đại Điền là nơi che giấu và cưu mang cán bộ, chiến sĩ của ta.

Đình Đại Điền được nhiều du khách ghé thăm khi đến du lịch Bến Tre (Nguồn: Nguyễn Huế)

Hàng năm, tại đình Đại Điền diễn ra lễ cúng kỳ yên, hạ điền và thượng điền để cầu quốc thái dân an, bá tánh an cư, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, trao truyền văn hóa truyền thống của thế hệ trước cho thế hệ sau. Vào ngày 12-13/4 là cúng hạ điền, dịp lễ lớn, bà con nông dân trong vùng đến dự lễ rất đông. Còn lễ cúng thượng điền vào ngày 12-13/10, bà con khắp nơi, hay bà con địa phương làm ăn xa cũng nhắc nhau tề tựu cầu mong bình an, làm ăn thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn Á, Trưởng Ban khánh tiết đình Đại Điền kể: "Hồi xưa mỗi lệ cúng là có hát bội, múa lân. Sau này, cái ngân sách của đình không được nhiều thành ra múa lân với hát thôi đi. Đến đây mà hát bội với múa lân thì anh em cực dữ lắm".

Trải qua nhiều giai đoạn, đình Đại Điền vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và là điểm đến, tham quan của người dân khắp nơi như một nét đặc trưng của vùng đất xứ dừa.  Hiện nay, ngoài các hạng mục chính, đình còn có hạng mục phụ gồm cổng, bình phong và bàn thờ thần nông, ếu hội đồng, đền thờ chiến sĩ trận vong, thờ ông hổ. Đặc biệt, đình còn lưu lại bức hoành phi “Minh chiêu thịnh đức” có nghĩa là “Thần soi sáng mang bình anh, thịnh thế cho nhân dân”. Đây là một trong những hiện vật cổ còn được lưu giữ từ ngày đình Đại Điền được xây dựng. Đình Đại Điền được UBND tỉnh Bến Tre công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Bến Tre từng là vùng đất “mở” đón nhiều thế hệ cư dân đến sinh sống, làng quê đã hình thành nên phố thị nhưng dấu ấn của thời khai khẩn vẫn còn đó. Nhà văn Sơn Nam đã từng nói “Có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ". Về thăm Bến Tre, tìm hiểu những giá trị về văn hoá nơi đình cổ, góp phần hiểu thêm về những giá trị lịch sử của dân tộc, ở đó, có những câu chuyện xưa về lịch sử đấu tranh giành độc lập, những con người mở đất, những công trình nghệ thuật kiến trúc đậm văn hóa Nam Bộ và nhiều câu chuyện truyền kỳ hé mở tính cách người phương Nam một thời hào hoa quá vãng.