Đâu rồi mùa trâu cộ lúa...

Ở thôn quê Nam Bộ ngày trước, nhà nông có hai thời vụ bận rộn nhất cho một mùa lúa, đó là lúc nhổ mạ đi cấy và cắt lúa đập bồ. Cả hai thời vụ này đều không thể thiếu một phương tiện vận chuyển trên ruộng dù đồng no hay đồng cạn, đó là chiếc cộ trâu.

Rồi khoa học kỹ thuật như một cơn gió thổi vào đồng đất, đánh tan sự chậm chạp, thiếu thốn của làng quê, con trâu mất dần vai trò. Tuy nhiên, bao thế hệ ngày nay vẫn nhớ về những mùa trâu cộ lúa như một phần quá khứ nhọc nhằn mà đầy ắp tiếng cười và đoàn kết của những ngày đầu đi mở đất.

Trâu cộ lúa trên cánh đồng xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa

Cái thuở sơ khai, khi chiếc máy cày còn xa tít ở trời Tây thì việc cày bừa vẫn trông cậy lũ trâu vạm vỡ. Trâu mộng, đen mun, chẳng sợ đồng no, đồng lầy hay ruộng rộc, hiền lành, chịu thương, chịu khó làm bạn với nhà nông. Là con vật “lĩnh ấn tiên phong” trong nhiều công đoạn làm ruộng. Trâu vừa cày, vừa bừa, vừa trục… làm cho đất tơi xốp để hạt lúa nhọc nhằn nảy mầm.

Đến khi thu hoạch, trâu cộ lúa vào bờ, đạp lúa. Sau những lúc “nông vụ chí kì”, trâu đủng đỉnh gặm cỏ, trên lưng vắt vẻo mục đồng thổi sáo. Trong số những nhiệm vụ mà trâu từng làm thì cộ lúa là một ký ức không thể nào nên, bởi cực mà vui.

Ông Lâm Văn Cảnh (54 tuổi) ở TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, người cưỡi trâu cộ lúa từ năm 15 tuổi, nhớ lại: “Vui nhất là thành quả, mình cộ lúa xong thì chủ ruộng trả công cho mình. Trong lúc cộ lúa phát hiện chuột, rắn, cá… mình dí bắt mang về. Thậm chí có những cánh đồng mình vừa cộ lúa trong khi bà con đang hồ hỡi cắt lúa không kịp cho mình cộ. Cả đồng vang tiếng cười nói, chọc ghẹo nhau”.

Hình ảnh trâu cộ lúa là biểu tượng của làng quê Nam Bộ

Theo lời ông Lâm Văn Cảnh, ền Tây trước đây chủ yếu nuôi trâu là để lấy sức kéo, sức cày nên nông dân chăm sóc trâu rất kỹ. Con trâu phải được nuôi đến 3 tuổi mới cho tập kéo, nhưng tốt nhất là 5 tuổi mới cho đi cộ, đi cày. Chiếc cộ trâu được đóng bằng tre hoặc ván gỗ, hình chữ nhật, ngang 1m, dài 1,5m.

Đầu cộ có một cái “ngàm” để móc một thanh trục bằng gỗ tròn vào “ách” đôi trâu cày kéo đi. Điểm đặc biệt của chiếc cộ trâu, khi đi luôn để lại hai vết hằn sâu trên đất. Cứ như thế qua bao mùa mưa nắng, cộ trâu dùng để chở mạ cấy, chở lúa gặt tới chỗ đập bồ, chở rơm về ụ.

Năm 1985 là thời điểm “huy hoàng” của nghề cộ trâu bởi cứ cộ xong một công đất là được trả công ngay bằng táo lúa chín: “Kéo một công đất được trả công bằng 1 táo lúa (20 lít). 4h sáng thức dậy lùa cho trâu đi ăn, 7h mình bắt trâu cho mang ách vào cộ. Kéo lúa cực khổ lắm, đi theo từng luống để sắp lúa vào cộ. Xưa kéo bằng cộ lếch nặng nề lắm, lực ma sát nặng mà gặp ruộng nước là đi nặng nề lắm. 2 con vô 1 cộ, mỗi người 1 cộ, cứ 4 cộ là xong một công đất. 4 cặp trâu mỗi ngày cộ được 10 công đất”.

Đến khi thu hoạch, trâu cộ lúa vào bờ, đạp lúa

Vào mùa, con trâu hầu như chẳng mấy khi được nghỉ ngơi. Hết tròng vào ách cày thì chuyển sang ách bừa. Hết ruộng nhà làm sang ruộng người. Ngày xưa, chỉ những hộ phú nông mới có đủ khả năng sắm được cặp trâu cày.

Chúng là những cái “máy in tiền” cho chủ. Thế rồi sự chậm chạp của rùa thi sao được với thỏ, nghề cộ trâu bắt đầu “xuống chó” khi xe ba bánh ra đời. Trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, những chiếc máy cày tiếp tục “lấn sân” đã đẩy những con trâu ra khỏi sự “sủng ái” của nhà nông.

Những chiếc cộ dần bị xếp xó vườn, số phận con trâu bị đưa về lò mỗ. Từ năm 2000, ền Tây nuôi trâu chủ yếu để bán thịt thương phẩm với các món ăn như: trâu kho rim, trâu kho bầu, khô trâu, trâu kho nước dừa.             

Đến năm 2007, mấy loại xe ba gác bị cấm lưu hành. Trong khi đó nhu cầu vận chuyển ở các vùng nông thôn ngày càng tăng cao, người ta lập tức nghĩ ngay đến những chiếc cộ trâu thuở nào. Vậy là những phần việc của xe công nông ngày trước đang trở thành công việc kiếm tiền của những chiếc cộ trâu.

Giá trâu lên vùn vụt, đời trâu cộ lúa lại “lên voi”. Hiện nay, các cánh đồng lúa ở vùng biên giới huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nở rộ dịch vụ kéo lúa bằng xe trâu. Mỗi xe trâu có thể chở trung bình 15 - 18 bao lúa/chuyến (tương đương khoảng 1 tấn).

Trâu mộng, đen mun, chẳng sợ đồng no, đồng lầy hay ruộng rộc. Hiền lành, chịu thương, chịu khó làm bạn với nhà nông

Tùy vào chiều dài quãng đường, tiền công vận chuyển mỗi bao lúa từ đồng ruộng đến điểm tập kết từ 6.000 - 10.000 đồng. Kéo lúa bằng xe trâu là nghề thời vụ, thường kéo dài khoảng 20 ngày/vụ lúa. Mỗi năm, người hành nghề này chỉ hoạt động từ 2 đến 3 vụ.

Trung bình mỗi ngày, 1 xe trâu kéo lúa được ít nhất 7 chuyến, thu nhập trên dưới 1 triệu đồng. Kết thúc mùa vụ, với 1 xe trâu giúp người dân có thêm nguồn thu hơn 12 triệu đồng.

Anh Lê Văn Giang ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp hành nghề kéo xe trâu cho biết: “Anh em xúm xích nhau làm thuê kéo xe trâu mỗi ngày chia nhau được 800.000 đồng/người. Mình chăm sóc trâu chu đáo cho ăn rồi nằm nước. Trâu cũng như mình, cho ăn no mới có sức lao động”.

Những năm qua, ĐBSCL đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, từ khâu gieo sạ đến thu hoạch đều sử dụng máy móc nhằm nâng cao năng suất làm việc, giải phóng sức lao động. Xe chở lúa bằng động cơ có gắn bánh xích cũng không hiếm.

Tuy nhiên, nhiều nông dân ở huyện Hồng Ngự vẫn giữ thói quen sử dụng dịch vụ kéo lúa bằng xe trâu như mấy chục năm qua vì lợi thế của xe trâu là ít gây ảnh hưởng tới mặt bằng của đồng ruộng trong quá trình di chuyển vì thường chỉ đi trên một lối chung.

Ngày nay, những cánh đồng cỏ hoang, những vạt đồng ngập nước, những bờ đìa cao rộng tại ĐBSCL không còn nhiều, vì người dân đã tận dụng đất đai để đưa vào sản xuất. “Cánh đồng chó ngáp”, vùng đất “cầm trâu” giờ đây là những cánh đồng lúa – tôm cho thu nhập cao. Cho nên vai trò của con trâu cũng bị liệt vào thế “lực bất đồng tâm”.

"Hiện tai bây giờ một số gia đình nuôi trâu bán thịt rồi họ tân dụng sức trâu để kiếm thêm thu nhập vào mùa lúa thôi. Lấy công làm lời, đến thời điểm nào đó họ cũng bán trâu đi để lấy một số tiền"

"Mình nuôi trâu cho sinh sản, bán nghé. Trâu thịt thì bán giá thấp nhất 15 triệu/con, còn trâu tốt là hơn 20 triệu/con. Lâu lâu cho nó đi làm mướn khi cần"

"Ngày xưa mình nuôi trâu bầy thì dưỡng năm này cho năm sau nữa. Còn bây giờ người ta tận dụng sức trâu mà thấy nó kiệt sức là người ta bán để mua trâu khác về nuôi"

Con Trâu ngày nay chủ yếu nuôi để bán thịt thương phẩm. Đến mùa vụ nông dân tận dụng sức trâu cho kéo lúa để tăng thêm thu nhập

Hiện đại hóa nông nghiệp là định hướng nhất quán, chẳng còn ai muốn gian lưng phơi nắng dầm sương để canh tác ruộng đồng như thuở nào. Tất cả đã có máy móc, thiết bị chu đáo. Việc một vài địa phương ở ền Tây đưa trâu vào cộ lúa, cộ rơm cũng chẳng biết có kéo dài được đến chừng nào. Nhưng, hình ảnh đôi trâu cùng chủ khổ cực ra đồng vẫn là một nét đẹp dân dã, biểu tượng của làng quê yên ả Việt Nam.

Dù trâu cộ lúa đã lùi xa và thu hẹp môi trường lao động nhưng mãi về sau này, người ta vẫn nhắc đến mùa trâu cộ lúa như một phần của quá khứ khai phá một vùng đất mới đầy gian truân, rồi dần ấm no lập thành cơ nghiệp.