Đâu phải bởi mùa Xuân

Mai đào và muôn sắc hoa làm nên phố Tết, và dậy hương xuân theo mỗi bước chân người. Nhưng ở Hà Nội, có những con phố gần như không có hoa, trơ trọi dãy nhà hình ống. Ấy vậy mà, phố vẫn rạng ngời màu Tết.

Hãy cùng Bộ hành qua phố hôm nay, cảm nhận nét riêng có này, để thấy, Tết bởi lòng người, đâu phải bởi mùa xuân…

Nếu đã dạo chơi những con phố đậm sắc xuân ở mạn Nhật Tân, Tây Hồ hay 36 phố hàng, bạn sẽ ngạc nhiên khi qua một nơi ít hoa như phố Trịnh Đình Cửu, dọc sông Lừ, phía làng Định Công Thượng. Bởi nhà ống bên sông, lại sát mặt đường, gần như không có chỗ cho hoa. Phố không hoa, gọi gì là Tết?

Nhưng Tết lại rất đượm trong sắc đỏ vàng của những lá cờ rợp trên ô cửa, trên những mái hiên dọc con phố này.

"Cứ có sự kiện hay tết nhất, là cả khu lại treo cờ. Tổ dân phố thông báo, rồi bà con nhà nào nhà ấy tự giác ra treo thôi. Nó thành cái nếp".

Không hoa, không cây cảnh, phố rợp bóng cờ đỏ sao vàng

Trong câu chuyện đầu năm của các bà các mẹ, chuyện treo cờ được nhắc đến bình thường như thể Tết phải có bánh chưng, giò chả. Với họ, trang trí gì thì trang trí, trước Tết phải treo lá cờ thật mới, phẳng phiu, đến tận ra giêng hết mùng mới hạ. Phố rợp cờ, từ ngoài đường vào tít ngõ sâu.

Tại một ngôi nhà khác ở gần cầu Định Công, cửa hàng cửa hiệu hãy còn nghỉ Tết. Một phụ nữ trung tuổi vận áo dài, ra mở cửa. Ngước nhìn lá cờ phấp phới bay, chị nở nụ cười lâng lâng, nhận ra trời lộng gió.

"Tết có hoa, nhưng cũng phải có cờ. Treo lá cờ lên, thấy nó trang trọng, lịch sự, nó đẹp hẳn nhà cửa và phố phường lên!"

Người dân treo cờ từ mặt phố vào tận ngõ sâu vào dịp Tết, đương nhiên như thể Tết phải có bánh chưng.

Phố Trịnh Đình Cửu chỉ dài hơn 2 cây số, uốn lượn bên sông Lừ, từ nút giao cầu Đặng Xuân Bảng- Trần Hòa, men theo Hồ Rùa, qua làng Định Công, nối vào ngã tư Nguyễn Lân – Lê Trọng Tấn.

Phố gần như không có vỉa hè. Đoạn nào có hè thì hoặc rất bé, hoặc sẽ mọc ra tủ điện, gốc cây, bục bệ. Mạn có nhà dân thì thế, mé bờ sông, lối đi rộng chỉ vài gang tay, lại sát bên lan can rỉ sét, liêu xiêu, như muốn ngã nhào xuống nước.

Là một phân đoạn của Kim Ngưu, sông Lừ chảy qua đây vẫn một màu huyền, trước khi về Bắc Linh Đàm hợp lưu cùng Tô Lịch. Nhờ được nạo vét, vớt rác thường xuyên, gần đây nước đã loãng hơn, đủ soi bóng nhà cửa đôi bờ.

Ngửa lên trời hay nhìn xuống nước, bạn đều thấy rợp bóng cờ, nơi mỗi ô cửa chung cư.

Một góc cầu Định Công, hồng kỳ trên cầu và quốc kỳ trên những ô cửa chung cư
Cầu thượng lưu sông Lừ, đoạn qua tòa CT36, thấy màu cờ là thấy…Tết.

Hồng kỳ phấp phới ở cầu Định Công. Cờ đỏ sao vàng thắm tươi trước mỗi ngôi nhà. Những lá cờ còn nguyên nếp gấp, được treo lên với tất cả trân trọng, nâng niu. Và những lá cờ tung bay trên tầng cao căn hộ.

Đi bộ trên con phố chẳng có gì nổi bật này vào ngày xuân, hẳn là một trải nghiệm lạ lẫm.

Bạn sẽ thấy, gương mặt mỗi người dường như cũng hồng lên, khi được phản chiếu.

Trong sự ngỡ ngàng về cách trang trí Tết có sự ưu tiên rất rõ này, bạn sẽ thấy, hình như mùa xuân chỉ là cái cớ, là điểm hẹn, để người ta nhớ về những mùa xuân nào đó, và những con người đã đi qua mùa xuân.

Bộ hành qua phố Trịnh Đình Cửu, đi dưới màu cờ, để thấy Tết bởi lòng người, đâu phải bởi mùa xuân!

Dọc dài quá khứ, đã có những mùa xuân héo úa, đã có những mùa xuân rực lửa. Có bao con người dâng tặng cả mùa xuân đời mình. Để mùa xuân nay, phố thênh thang và những môi cười tỏa nắng.

Đi bộ ở đây, bạn có thể không thấy Tết qua những sắc hoa, nhưng nhất định cảm thấy cái gì đó thật sâu lắng. Đó là xuân, là sự khởi đầu đầy biết ơn và đượm màu nhiệt huyết.

Và bạn sẽ thấy, dẫu không hoa, không đào quất, nhưng phố thật đẹp bởi màu cờ. Phố đẹp bởi lòng người, đâu phải bởi mùa xuân…