Đào phố hay đào rừng

Người Hà Nội cứ tết đến là trong nhà phải có một cành đào. Có cành đào trong nhà mới đúng là tết. Và cành đào ấy, phải là đào trồng ở Nhật Tân mới đúng… Thế nhưng những năm gần đây, thấy người ta chuộng trưng đào rừng, và thậm chí là cả những cành hoa lê trắng muốt.

Chẳng biết thú chơi đào tết có từ bao giờ, nhưng cũng giống như người ền Nam, phải có chậu mai vàng bày trong nhà thì người Hà Nội dù giàu, dù nghèo, ngày tết cũng nhất định có một cành đào, bích đào để ăn tết mới trọn vẹn.

Vườn đào Nhật Tân từ lâu đã được chuyển ra ngoài đê, nơi bãi sông Hồng để nhường chỗ cho việc xây dựng khu đô thị mới. Cũng may là đất ấy vẫn hợp với việc trồng đào Nhật Tân. Người Hà Nội chỉ thích đào Nhật Tân, bởi lẽ đó là loại hoa cho sắc tươi thắm, cánh kép, dày lá, nụ hoa rất lớn và khi nở ra thì đúng là tưng bừng sắc xuân.

Khoảng hơn chục năm trở lại đây, dân ở Thường Tín và một vài nơi khác cũng trồng đào và mỗi dịp chợ hoa Hàng Lược, chợ hoa Quảng Bá họp tết là người ta ùn ùn mang ra bày bán, với lời khẳng định đó là đào Nhật Tân. Nhưng nếu là người chơi và am hiểu thì ai nhìn cũng biết, đó không thể là đào Nhật Tân được. Khác nhau nhiều lắm!

Hơn nữa, dân trồng đào ở Nhật Tân bây giờ rất ít mang hoa ra chợ bán, họ chủ yếu bán ngay tại vườn, và người mua hoa bây giờ cũng cẩn thận, ra tận vườn để mua. Tiện cả việc đi chơi vườn hoa, vì nó cũng là một cái thú vui ngày xuân của người Hà Nội.

Vườn hoa đào Nhật Tân

Đào Nhật Tân, thực chất không phải được trồng và gây giống ở đất này, mà những nghệ nhân làng hoa đào lấy mầm, cành đào vườn ghép với gốc đào rừng lâu năm. Khi cành đào ghép phát triển thì lựa uốn theo hình dáng mong muốn. Không hiểu sao bây giờ người ta cứ thích cái dáng cành đào lùm lùm giống như cái nơm bắt cá. Trăm nhà trồng thì cả trăm nhà đều uốn cành đào theo dáng ấy.

Chỉ có vài nhà là có những cành đào để tự nhiên, hoặc tạo dáng khác biệt. Nhưng những cành đào như thế thường đắt hơn rất nhiều so với loại đào tạo kiểu hàng loạt kia…

Ngoài chơi đào kiểu dáng nơm bắt cá ra thì người Hà Nội bây giờ còn thích chơi đào rừng. Những cành đào rừng to tướng, thân vỏ xù xì, phủ đầy địa y, rêu mốc… Hoa cánh đơn, lạ mắt. Có dạo, dân buôn đào rừng mỗi dịp tết túa lên các tỉnh vùng cao để săn lùng đào rừng về bán. Người ền núi cũng nhanh nhạy với thị trường nên cũng gây giống, trồng để bán cho dân dưới xuôi…

Cũng có người phản đối việc chơi đào rừng vì sợ dân dưới xuôi lên tận thu, phá hoại hết cảnh đẹp núi rừng. Nhưng thực ra những cành đào rừng ấy cũng là do người ta trồng thôi, chứ lấy đâu ra lắm đào rừng cho dân Hà Nội chặt chơi như thế?

Sau có lẽ thấy việc chở đào rừng về phố bán tốn nhiều công sức và nguồn hàng dần khan hiếm. Những người trồng đào ở Nhật Tân cũng đã tự trồng đào rừng trong vườn của mình để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Bây giờ thì đào rừng trồng ở phố là phổ biến. Vẫn là giống đào rừng ấy thôi, nhưng để cho ra dáng và đúng phong cách đào rừng thì những nghệ nhân trồng đào cũng phải dụng công khá nhiều. Từ việc tạo mắt xù xì cho thân đào, đến việc nuôi cấy cả rêu, địa y lên thân sao cho giống.

Gần đây, người Hà Nội còn thích chơi hoa lê trong ngày tết

Rồi người ta còn thích chơi cả hoa lê. Ngay từ bây giờ, trước tết âm lịch cả tháng, ra chợ Quảng Bá đã thấy bày bán những cành hoa lê, nom như đống củi khô. Nhưng kỳ lạ là những cành củi ấy mang về, cắm nước một thời gian là hoa lá nở tưng bừng.

Cũng đẹp. Nhưng có vẻ không đúng với phong tục từ xưa lắm. Là ngày tết phải có cành bích đào, đỏ thắm mới là không khí tết.

Nhưng kệ, có người thích chơi thì người ta vẫn bán. Và những cành lê này thậm chí còn đắt tiền hơn rất nhiều so với đào Nhật Tân. Lâu dần, cũng tạo thành một phong trào và có vẻ ngày càng nhiều người thích chơi hoa lê ngày tết.

Chợ hoa Quảng Bá, người ta bán hoa lê kéo dài qua Tết âm lịch đến tận rằm tháng 2, tháng 3…

Với một người bảo thủ như tôi, có lẽ một cành bích đào nho nhỏ mang từ vườn đào Nhật Tân về vẫn mang lại cảm giác ấm cúng trong 3 ngày Tết.