Đánh bóng lư đồng ăn Tết

Cùng với việc trang hoàng nhà cửa, mua sắm Tết thì tân trang lư đồng là việc làm không thể thiếu của các gia đình mỗi dịp cuối năm.

Những chiếc lư đồng sau một năm ngự nơi bàn thờ gia tiên, nhuốm bụi thời gian được đem đi chùi thật kỹ. Độ sáng của bộ lư vừa thể hiện tấm lòng hiếu kính của con cháu với ông bà tổ tiên, vừa có ý nghĩa quan trọng trong những ngày đầu năm mới.

Ở vùng sông nước ệt vườn, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh bộ lư được các gia đình đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà, đó là bàn thờ gia tiên. Ngoài lư đồng, một số gia đình còn sử dụng bộ lư bằng thau cũng không kém phần trang nhã. Tùy vào kinh tế mỗi nhà mà kích thước, chất liệu bộ lư khác nhau nhưng điểm chung là đều thể hiện lòng thành kính của con cháu với người đi trước.

Bộ lư đồng được các nghệ nhân xưa chế tác rất tinh xảo. Tùy nơi sẽ có những hoạ tiết khác nhau nhưng thường thấy là chiếc nắp có đúc một con lân rất oai vệ. Mỗi bên thân chiếc lư là hai trái cau được chế tác tinh xảo, có thể tháo rời. Bộ lư còn có hai cặp chân đèn bằng đồng. Có nơi còn kèm theo một lư hương nhỏ.

Ở vùng sông nước này, bộ lư thờ là vật dụng vô cùng thiêng liêng, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nên gia đình nào sở hữu nó phải hết sức cẩn trọng, giữ gìn cẩn thận.

Nghề đánh bóng lư đồng đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, cẩn thận - Ảnh: Vietnamnet

Soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng chia sẻ: "Lau chùi bộ lư, đó là vật thiêng trên bàn thờ, bộ lư có nguyên bộ để 2 bên là 2 bánh xe đèn, giữa là bộ lư đồng có khi kèm theo lư hương. Nhà giàu để nhang trầm, để trầm thì phải đánh bóng lại cho nó đẹp nhìn lên nó bóng. Bộ lư đồng tượng trưng cho tâm linh. Bộ lư là cao quý nhất, tinh khiết nhất và cái đạo lý nhất nằm ở bộ lư cho nên bộ lư bị hư hao hay bị mất thì gia chủ buồn lắm, điều xui rủi. Sau này người bình dân chút người ta có bộ lư bằng gốm, nhà giàu chừng nào thì người ta sắm bộ lư càng đắt tiền".

Ngày Tết dù bận rộn đến đâu thì việc chùi rửa, đánh bóng lư đồng đều được bà con đặt ưu tiên hàng đầu. Cứ vào khoảng 20 tháng Chạp đổ lên là các gia đình rục rịch chùi lư. Để bộ lư đồng sáng đẹp như mới thì mỗi thời, người ta có bí quyết riêng. Ông Trần Văn Lộc, ở Hậu Giang kể: "Từ 23-24-25 là chùi lư, nhiều người chùi nhiều cách, tro trấu, xà bông, sau này có nước rửa chén xài nước rửa chén. Lúc trước mấy ông già hồi xưa thì người ta chùi bằng lá khóm sau này mới cải tiến lại chà chanh với trấu, nước rửa chén. Con cháu quây quần chùi, chứ 1 mình chùi 1 ngày sau rồi, lư với bánh xe đèn bằng đồng cho nó sáng, bóng, đẹp thôi để nó đóng teng đen thui ai mà coi"

Còn bây giờ, mọi thứ tiện hơn rất nhiều, nếu muốn chùi thủ công tại nhà thì chỉ cần chạy ù ra chợ, hỏi mua cục đá chùi lư rồi đem về trộn với dầu lửa là có hỗn hợp chùi lư. Chà tới đâu sáng màu tới đó. Lúc chùi lư, con cháu trong nhà được huy động tối đa. Tuy nhiên, những ai có vết thương, đang đau ốm thì không được làm việc này bởi người xưa quan niệm sẽ ảnh hưởng tới hậu khí của cả nhà. Người lo phần bộ lư, người nhận phần cặp đèn. Người lo trải chiếu, chuẩn bị đồ lau. Lư đồng được đặt trên bàn thờ tổ tiên, mang ý nghĩa tâm linh rất cao. Do vậy, phải luôn dùng vải sạch, khăn mới để đánh bóng lư đồng.

Thời điểm nhà nhà chùi lư thì cũng là lúc những người thợ chuyên đánh bóng lư đồng vào mùa làm ăn. Thường có hai dịch vụ đánh bóng phổ biến. Một là các điểm đánh bóng cố định ở các chợ, các khu đông dân cư, …Hai là các dịch vụ lưu động len lỏi vào tận xóm ấp, các con hẻm. Tùy vào độ lớn và phức tạp của các chi tiết, một bộ lư đồng cần thời gian từ 1-2 tiếng hoặc lâu hơn. Giá tiền theo đó cũng dao động từ vài chục, vài trăm, thậm chí là vài triệu đồng cho mỗi bộ lư.

Ảnh nh họa vietnamnet

Những người thợ chia sẻ, để đánh một bộ lư đồng phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó làm bóng là khó nhất, vì chỉ cần một chút sơ suất có thể làm hư cả bộ lư. Với những bộ lư lớn, chạm trổ tinh xảo, gia chủ xem như bảo vật gia truyền, người thợ càng phải cần thận nếu sơ sảy là đền như chơi. Sau khi trải qua quá trình tân trang, bộ lư như được làm mới, thậm chí có thể soi gương.

Nói về ý nghĩa của hoạt động chùi lư mỗi dịp cuối năm, Soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, nói: "Đầu tiên người ta làm bằng tay thôi, rồi từ từ nâng lên có máy, nhưng mà lau chùi bộ lư bằng tay nó nói lên con cháu hiếu để đối với ông bà, ngồi đó làm cho kỹ, chẳng những sạch bùi mà còn bóng lên. Ngày xưa đâu có dầu bóng, lau riết nó bóng sau này có hỗ trợ có dầu bóng lại có máy đánh bóng cho nên đơ vất vả, có những gia đình giàu có nhưng vẫn để con cháu ôm bộ lư xuống ngồi làm thủ công vừa làm vừa nhơ ông bà, làm bộ lư như trả hiếu, có sự lo lắng chứ không phải thông qua công nghệ, nói lên tính nhân văn, nét văn hóa thờ cúng"

Những cái lư đồng là vật linh thiêng, báu vật riêng của từng dòng họ. Tùy vào điều kiện và sở thích của mỗi nhà mà người ta chọn cách đánh bóng khác nhau. Người thì chọn tự làm tại nhà vì như vậy thì bộ lư ít hao mòn, sáng bóng lâu hơn, và cũng thể hiện được tấm lòng của mình với tổ tiên. Còn với những ai bận rộn hoặc chưa có kinh nghiệm thì việc tìm đến thợ có kinh nghiệm là cách họ gìn giữ kỷ vật cha ông.

Dù là cách này đi nữa thì chùi lư ăn Tết luôn mang một ý nghĩa thiêng liêng mỗi mùa xuân, nó không chỉ là giúp nhà cửa thêm phần tươm tất, mà còn là giữ truyền thống lâu đời nơi đất phương Nam.