Dân xóm đường tàu mở cafe: Chúng tôi không thích sự mập mờ...

Mới đây, một video dạng ngắn đã lên xu hướng mạng xã hội, khi quay một cô gái nước ngoài ngồi nhắm mắt hồi hộp bên bàn cafe, trong lúc tàu hỏa chạy qua cách người vài gang tay. Dư luận lại nóng lên, chính quyền sở tại ở Hà Nội lại ra quân để ngăn chặn người ra vào khu vực “xóm đường tàu”

Dường như, cứ có thông tin tương tự nổi lên lại có một đợt ra quân. Rồi sau đó, mọi chuyện nguội bớt, không cấm nổi, cũng chẳng thấy di dời dân ra khỏi khu vực đường tàu. Vậy người trong cuộc có suy nghĩ và mong muốn gì?

PV VOV Giao thông đã có dịp trò chuyện với anh Lê Tuấn Anh, cư dân ở số nhà 121 “xóm đường tàu” số 5 Trần Phú. Anh có mẹ từng là công nhân đường sắt, bố từng làm trưởng tàu Thống Nhất chạy tuyến Bắc - Nam. Hiện tại, anh đang kinh doanh mở quán cafe tại nhà.

PV: Theo góc nhìn của anh, việc mở quán café đường tàu có lợi ích và hạn chế như thế nào?

Anh Lê Tuấn Anh: Nếu nhìn ở vĩ mô, Việt Nam có nhiều điểm du lịch để tới. Nhưng ở đây có sự đặc biệt là nhân sinh, có yếu tố con người. Cũng như mình đến quán café ngon, tiếp xúc với dân bản địa, được ăn món ăn nhà nấu, được nghe những câu chuyện, mình giúp đỡ, là hướng dẫn viên ễn phí cho người ta.

Có cái tình, có sự kết nối. Du khách rất thoải mái, rất thích. Khi mình hút khách, Việt Nam có sản phẩm độc đáo, top thế giới. Đương nhiên, người dân có thêm thu nhập.

Anh Lê Tuấn Anh, cư dân ở số nhà 121 'xóm đường tàu' Trần Phú, Hà Nội cho rằng, có một sự nửa vời trong cách nhìn nhận vấn đề an toàn mô hình cafe đường tàu

PV: Tôi hỏi thẳng, có du khách đam mê cuồng nhiệt, yêu mạo hiểm rất thích café đường tàu Hà Nội. Nhưng một bộ phận cộng đồng nhìn với ánh mắt tiêu cực. Anh nghĩ thế nào về sự mạo hiểm của café đường tàu?

Anh Lê Tuấn Anh: Nó có hai mặt của một vấn đề. Bất cứ điểm du lịch nào cũng có sự nguy hiểm và không nguy hiểm. Ra biển có nguy hiểm không? Lên Hà Giang có thống kê có bao nhiêu người chết khi leo núi? Và người ta đều cảnh báo, không có nghĩa là nguy hiểm thì đóng cửa hết. Nếu có tai nạn thì bộ môn leo núi không phát triển nữa hay sao.

Tất nhiên, cách mọi người nhìn nhận vấn đề sẽ có hai luồng. Bảo ở đây có nguy hiểm không? Tất nhiên là nguy hiểm rồi. Lộn lại vấn đề, gia đình tôi được phân về đây, nhà xây năm 1959, ở đây từ 1965, từng đấy năm, nếu không an toàn thì đừng xây nhà, đừng phân chúng tôi ở đây.

PV: Đây cũng là câu hỏi mà tôi thắc mắc. Tại sao khi du khách tới đưa hình ảnh rất nguy hiểm đó, chúng ta mới nghĩ đến an toàn, còn người dân đã ở đây hàng thập kỷ rồi…

Anh Lê Tuấn Anh: Mình hay nói đùa, giống như khôn nhà dại chợ. Hóa ra tính mạng khách du lịch lại quan trọng hơn. Nghe có gì đó sai sai. Trước nay, dân sống ở đây, mặc dù ở ngay trung tâm, nhưng cứ như vùng sâu vùng xa, bị bỏ quên.

Đến bây giờ, tàu đi qua đây vẫn xả phân, xả nước tiểu thẳng ra xóm. Chúng tôi phải tự lắp điện, ống nước, tự làm đường đi. Người dân tự bỏ ra mới sạch đẹp như hiện nay.

Phố cafe đường tàu phía quận Hoàn Kiếm bị cấm tuyệt đối người lai vãng...

PV: Theo quan sát của tôi, có vẻ mỗi địa bàn các phường và quận lại có sự giám sát khác nhau. Ví dụ nơi đây thì không một bóng người được lai vãng, còn phía bên kia hướng về phố Điện Biên Phủ lại rất nhộn nhịp người ra vào uống café?

Anh Lê Tuấn Anh: Bên Trần Phú này hoàn toàn bị cấm từ 8h sáng đến 9h tối, ngày xưa đến 10h tối, nhưng chắc không đủ nhân lực. Nhưng cách đây có vài bước chân, cũng là một tuyến đường sắt, nhưng thuộc phường khác, quận khác thì người ta lại tạo điều kiện cho người dân kinh doanh như anh đang thấy. Tôi không hiểu cách hành xử, tại sao và như thế nào.

Dân du lịch họ cũng rất thắc mắc mà tôi không trả lời được, chỉ nói đùa: Bên kia tàu chỉ chạm vào thì nó chỉ ôm hôn bạn thôi, còn bên phía khu tôi thì tàu chạm chắc chắn tai nạn, nguy hiểm tính mạng.

Mình đặt dấu hỏi không chỉ cho du khách, dân xóm đường tàu, mà cho cả các nhà quản lý sao lại có cách ứng xử như thế.

PV: Vậy giải pháp nào giải quyết vấn đề thấu đáo mà anh và các hộ trong xóm đường tàu mong muốn?

Anh Lê Tuấn Anh: Mình phải nói thẳng bây giờ không có tai nạn, không có nghĩa là tương lai sẽ không có. Người dân ở đây đã từng gửi đơn đến các cấp từ Trung ương tới địa phương. Chúng tôi đã làm một bài toán kinh tế, những giải pháp an toàn nhưng dường như không có giải pháp thỏa đáng.

PV: Anh chia sẻ rõ hơn giải pháp người dân đề xuất?

Anh Lê Tuấn Anh: Có nhiều. Thời điểm trước không có tàu ban ngày, mình đã đề xuất các ban ngành du lịch, đường sắt làm một vài toa tàu cho khách du lịch trải nghiệm từ đây sang ga Long Biên, để du khách checkin. Hoặc làm chốt chặn để có điểm du lịch, vừa có thu nhập cho người dân, vừa có thêm lực lượng bảo vệ an toàn.

Người dân ở đây có cam kết lắp barie an toàn ở quán, hoặc ở ngoài kia bán vé kiểm soát số lượng.

Nhưng phía địa phận quận bên cạnh, dường như là một thế giới khác. Ảnh ghi nhận vào 13h ngày 12.11.2023 đoạn đướng sắt Trần Phú-Điện Biên Phủ.

PV: Còn giải pháp lâu dài về hành lang an toàn?

Anh Lê Tuấn Anh: Thực ra câu chuyện đó nó hơi dài. Trước khi gia đình mình được phân về đây, có luật khác, khoảng cách từ tim đường ra nó khác. Sau này luật sửa đổi, tự nhiên nhà mình lại vào hành lang. Nó khó. Tôi chỉ muốn làm sao cân bằng các giải pháp.

Các cơ quan chuyên môn họ cần ngồi lại với nhau để tìm  giải pháp thiết kế sao cho phát triển du lịch, quan trọng hơn nữa là đảm bảo an toàn.

PV: Có ý kiến cho rằng, muốn xử lý dứt điểm, trong khi không thể di dời người dân đi nơi khác, thì nên di dời tuyến đường sắt ra khỏi khu dân cư, và chuyển đổi nó thành phố đi bộ du lịch…

Anh Lê Tuấn Anh: Đúng rồi, nếu tuyến đường sắt kinh doanh không hiệu quả thì nên dẹp. Chuyển thành phố đi bộ du lịch thì cực kỳ văn nh, hút khách rất nhiều. Nhưng không làm, tất cả chỉ bỏ ngỏ. Cá nhân tôi, thích một là một. Có hay không. Đen và trắng.

Tôi không thích kiểu mập mờ. Không an toàn đúng không, di dời chúng tôi đi, hoặc dẹp đường tàu, tốt nhất là dẹp đường tàu. Còn di dời các gia đình đi chỗ khác an toàn hơn, có thể mưu sinh thì phải tạo đồng thuận với người dân. Còn thứ ba, nếu cấm, tạm thời không kinh doanh thì phải cấm tất.

PV: Xin cảm ơn anh!

Người dân xóm đường tàu bị mắc kẹt trong hành lang an toàn đường sắt (sau khi các quy định được sửa đổi), họ mong di dời tuyến đường sắt khỏi khu dân cư để được làm du lịch đàng hoàng

Các bạn thân mến. “Đã cấm thì nên cấm tất, để tạo công bằng” – Đó là mong mỏi trước mắt của người dân xóm đường tàu ở Hà Nội, cho đến khi xác định một hướng giải quyết rõ ràng cho câu chuyện ứng xử thế nào với phố cafe đường tàu. Vì an toàn của người dân và du khách đều quan trọng như nhau.

---

Các bạn có thể nghe lại Chuyên mục Chuyện trò trên phố trên trang vovgiaothong.vn, hoặc các ứng dụng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcasts và Google Podcasts.