Đàn chim không bay đi

Sự cổ kính của một đô thị, không chỉ ở những dấu tích đền đài, những đền chùa miếu mạo, những cổ thụ gốc xù xì nhiều cánh tay ôm, mà còn ở những đàn chim trong phố.

Hà Nội là một nơi như thế. Giữa dòng người và xe tấp nập ngược xuôi, bên hè một ngã tư nào đó, bạn có thể bắt gặp những đàn chim quấn quýt chân người. Đó như một chỉ dấu của mảnh đất rất lành, và lòng người rất rộng.

Sớm giữa tuần, trời không mưa, chỉ se se lạnh đủ vừa cho một ngày cận Tết. Thúng xôi trên hè đối diện chùa Quán Sứ vắng hơn mọi khi, chỉ dăm bảy khách quen, là mấy anh chị nhân viên văn phòng mua mang đi, và vài cụ già ngồi ăn tại chỗ. Nhưng chị xôi không buồn. Chị không rảnh để buồn, bởi còn bận rộn với lũ bồ câu rộn rã.

- Chim ở đây dạn chị nhỉ?

- Ừ, người ta cho ăn nên nó quen.

- Chim nhà chùa nuôi hay nó tự đến ở đó?

- Chim phóng sinh, nhưng nó không đi, ở lại đây luôn.

- Chị bán xôi ở đây lâu chưa?

- Mình bán hai ba năm. Trước bà bán

- Hồi bà bán đã có chim ở đây chưa?

- Có rồi, lâu lắm rồi.

- Bà chuyển cho chị bán có dặn phải cho chim ăn không?

- Không, nhưng không cho không được, nó cứ xúm vào đây này. Ngày nào em cũng cho ăn đấy!

Chỉ có bộ hành tránh chim, ít khi chim phải tránh người (Ảnh: Kiều Tuyết)

Đó là những chú bồ câu được thả phóng sinh, nhưng không bay đi, mà chọn ở lại phố này, bên mái chùa cổ kính, dưới những tàng cây cổ thụ.

Đàn chim hàng chục con, cứ sớm sớm lại sà xuống vỉa hè, ríu rít bám theo bước chân chị hàng xôi, từ lúc chị vừa dừng xe, cho đến khi đặt hẳn thúng xôi yên vị.

Chúng sẽ quanh quẩn ở đó, mắt tròn xoe, nghiêng nghiêng nhìn chị, nghiêng nhìn khách ngồi ăn, như trẻ con nhìn mồm mà không tiện cất lời xin xỏ.

Vừa gói xôi cho khách, chị bán hàng vừa rẩy rẩy những hạt ngô, hạt vừng ra xa. Mùi thơm dậy lên, lũ chim ào tới, chỉ một loáng đã nhặt sạch bong không sót hạt nào.

Bà Thu, người Đan Phượng, lên phố từ tim mơ để lấy số, ngồi ăn nắm xôi trong khi chờ tới lượt vào khám bệnh:

- Bà hay ăn xôi ở đây không?

- Có, thỉnh thoảng

- Vì xôi ngon hay vì bà thích ngắm đàn chim này?

- Vừa ăn vừa thích ngắm (cười). Lũ này đẻ nhanh lắm! Trông vui mắt!

Ngắm chúng, bà thấy phố không xa lạ. Phố cũng gần gụi như quê mình.

Đàn chim trở thành bạn thân với gánh xôi và người qua lại (Ảnh: Kiều Tuyết)

Góc phố với đàn chim, cũng là bạn của người đàn bà đánh giày, trước kia từng bán báo dạo. Từ xứ Thanh ra đây, mấy chục năm mưu sinh ở phố, bà đã thuộc lắm đàn chim này. Bà bảo, chim sống được, mình cũng sống được, thành phố này rộng rãi.

…..

Mỗi bước chân bộ hành đi qua, đàn chim chỉ ngó nghiêng và né sang một chút, còn lại bộ hành phải lựa chim mà đi, nhưng không ai khó chịu. Dù là những đôi giày tây bóng lộn, những đôi guốc nhọn, hay những đôi dép tổ ong cũ rách, ai đi qua cũng khẽ khàng chân bước, để tránh làm kinh động lũ chim.

- Người ta cho bồ câu ăn, rồi cả chim sẻ cũng xuống ăn ké chị nhỉ?

- Ừ, đông lắm. Rồi cả đàn sóc chuột, chỗ này nhiều cây, nhiều chim, nên sóc nó chạy rầm rầm trên kia kìa!

Phố rất chật, nhưng lòng người rất rộng… (Ảnh: Kiều Tuyết/VOVGT)

Đàn chim không bay đi khi được phóng sinh. Đàn chim ở lại phố, gọi lũ sẻ về làm tổ trên mái nhà, gọi bầy sóc chuyền cành. Phố thêm vui nhờ những tiếng gù của bồ câu, tiếng chim sẻ lích chích.

Cả một vòm xanh trên đầu, rợp cánh chim bay.

Mái chùa che chở cánh chim. Cánh chim nghiêng che con phố, che lấy những vỉa hè để xe cộ đỡ leo lên. Còn vòm cây ôm trọn lấy cả không gian sinh động mà yên ả này.

Bộ hành qua đó, ngay trong giờ cao điểm, bạn vẫn thấy, đúng như lời người đàn bà đánh giày, đường chật xe đông, nhưng thành phố vẫn rộng.

Cái rộng lượng trong tâm bồ đề của người đến, người qua. Cái rộng lượng hào phóng của thiên nhiên. Những điều rộng rãi ấy, khắc họa nên từ cánh chim bé nhỏ….