Cửu vạn

Ở thành phố, có rất nhiều nghề để kiếm sống. Những người tha hương, ở quê ra thành phố, không có tay nghề thường phải chọn cho mình những công việc thiên về tay chân. Từ bốc vác hàng hoá ở chợ, tới dọn dẹp nhà cửa, làm phụ hồ… Ngày trước, người ta gọi chung là nghề cửu vạn…

Tôi gặp Quang đang đứng cùng một nhóm người chờ việc trên cầu Mai Động. Ban đầu cũng là do thuê hắn làm giúp một vài việc ở nhà. Mấy lần rồi thành quen, và nghe được những tâm sự sâu kín trong lòng của hắn.

Quang quê Thanh Hoá. Trước đây ở quê hắn làm ăn khá lắm. Nhà hắn mở dịch vụ xay xát gạo cho cả làng. Cám gạo hắn nuôi lợn. Lợn nhà hắn nuôi đến mấy chục con, năm bán mấy lứa cũng được chục triệu. Hắn còn nuôi cá, uỷ ban cho hắn thuê một mảnh đất bỏ hoang cuối làng, hắn đào ao nuôi cá.

Dân quanh vùng về nhà hắn mua cá đem lên tỉnh bán ầm ầm. Hắn đã từng được phong là hộ gia đình làm kinh tế điển hình của cả xã. Vợ và ba đứa con ở nhà chẳng phải làm gì, ngày ba bữa cơm, “quần áo mặc cả ngày” - hắn nói vui thế. Nhờ cái tiếng ấy, rồi cũng có uy tín với làng nước, hắn được bầu làm trưởng thôn.

Ban đầu hắn cũng ngại, nhưng nghĩ chức đấy cũng “oách”, thêm nữa lại giúp được bà con hàng xóm. Vậy là hắn làm. Thế rồi cơn lốc số đề tràn về cái ền quê lam lũ của hắn.

Hắn, bạn bè hắn, hàng xóm của hắn, những người nông dân thật thà, chất phác cả đời chỉ biết giống má, ruộng đồng, ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho giời cũng muốn thử cho biết cái “văn nh” của thành phố - ấy là theo lão chủ đề nói thế. Rồi tất cả nghiện lúc nào không hay.

Của cải bao năm tích cóp, mua sắm cứ lũ lượt kéo nhau ra đi. Nó ra đi “êm” lắm, “êm” đến mức khi chỉ còn mỗi cái khung nhà, hắn, vợ hắn, và ba đứa con trơ khấc ngồi giữa cái nền nhà xi măng đen bóng, lạnh lẽo thì hắn mới sực tỉnh.

Tiền mất, uy tín mất, chức quyền mất. Hắn đã mất tất cả chỉ vì cờ bạc...

Bán nhà, trả nợ, cả nhà hắn phải sang nhà cậu em ở nhờ. Cũng may, cậu em thương tình xây cho một căn nhà be bé ngoài mảnh đất trống trong vườn cho cả nhà hắn tá túc… Vợ đói, con kêu. Nhìn cảnh ấy, hắn khóc! Rồi hắn quyết định làm lại cuộc đời.

Nhưng chẳng ai muốn làm ăn với một kẻ mang tiếng cờ bạc như hắn. Vậy là hắn thất nghiệp, đói thì đầu gối phải bò. Hắn lang thang làm thuê hết chỗ này đến chỗ khác, rồi không biết lúc nào hắn dạt ra tận Hà Nội, nhập với đám “chợ người” ngày ngày ngồi chờ người ta đến thuê gì thì làm nấy.

Mỗi ngày đút túi ba bốn chục sau khi trừ tiền ăn uống. Vậy là mỗi tháng cũng có ngót triệu gửi về nuôi vợ con. Nhưng đấy là những ngày bình thường, còn khi ế ẩm không có ai thuê làm gì thì cả ngày chỉ ngồi ngáp vặt và uống nước lã cầm hơi... Nhưng dù sao, với công việc này hắn vẫn có thể nuôi sống được bản thân, nuôi được vợ con...

 

Những “cửu vạn” nam như Quang tuy vậy nhưng vẫn còn khá. Chứ những chị em ở quê lên thành phố làm nghề này mới thực sự vất vả. Là phụ nữ lại làm cái nghề vẫn bị xem là “mạt” nhất này, để tồn tại được ở chốn đô thành, họ phải hy sinh rất nhiều. Từ chuyện phải sống xa gia đình, chồng con, đến sức khỏe ngày càng đi xuống, nhân phẩm bị chà đạp, v.v và v.v...

5 giờ sáng, từng tốp phụ nữ dáng vẻ lam lũ đã đứng chật cả đoạn đường từ chân cầu Long Biên đến tận cổng chợ Long Biên, phía bên chợ Đồng Xuân cũng đông không kém. Họ cứ đứng chờ theo thứ tự, lặng lẽ, nghển cổ và chờ được gọi...

Công việc của những người phụ nữ này quả thực là cực nhọc, thậm chí cực nhọc với ngay cả đàn ông. Hàng hóa của những chủ hàng ở chợ đầu mối Long Biên hầu hết toàn là các loại hoa quả và thuỷ sản.

Tôi bắt chuyện với chị Thoa khi chị vừa bốc xong một xe cá biển đang ngồi bệt xuống vỉa hè nghỉ lấy sức. Trời buổi sáng, sương xuống khá lạnh mà mặt mũi chị đầm đìa mồ hôi. Chị bảo, hôm nay nhận được mối hàng này vất quá vì chỉ có bốn chị em mà phải khuân cả một xe tải to cá đông lạnh.

Quê ở Hưng Yên, chị Thoa ra đây làm nghề này cũng được vài năm. Ở quê gia đình chị cũng có ruộng, nhưng làm không đủ ăn, lại chẳng có nghề gì phụ. Hai đứa con đều đến tuổi đi học, tốn kém rất nhiều, thế là chị ra Hà Nội làm thuê. Cứ một tuần anh chồng lại ra Hà Nội một lần để lấy tiền chị gửi về nuôi con ăn học. Cũng vất vả lắm, nhưng biết làm sao?...

Chợt nghe tiếng chửi the thé rất tục tĩu vọng vào tai chúng tôi, thì ra có một chị nhận lời bốc hàng hoa quả cho một chủ hàng chẳng may lỡ tay làm rơi bao tải hàng xuống đất, chắc là do nặng quá, lại phải làm quá sức nên để rơi. Chị Thoa bảo tôi: “Đấy, công việc của bọn chị là thế, gặp phải chủ hàng tử tế thì không sao, nhưng lỡ gặp phải người khó tính thì vừa bị chửi, vừa bị trừ tiền công, thậm chí có người còn bị đánh. Thân cô, thế cô, cũng phải chịu chứ chẳng nhờ được ai”.

Chị nói về chuyện bị chửi, bị đánh, rồi bị lạm dụng thể xác cứ như chuyện ở chốn này đương nhiên nó phải thế. Hôm trước như thế, hôm sau vẫn phải đến làm, tất cả cũng vì cái cuộc mưu sinh đầy gian khó nơi thị thành để cho con cái ăn học, để nuôi sống gia đình.

Chẳng ai muốn vất vả, chẳng ai muốn bị chà đạp, nhưng có mấy ai sinh ra đã được sung sướng nhàn hạ?...