Cứu một cái cây

Trong số hàng chục nghìn cây xanh bị ngã đổ sau bão số 3 và những cơn dông trước đó, nhiều cây không qua khỏi vì vết thương quá nặng, nhưng cũng có những cây đã được cứu sống kịp thời, nhờ sự tận tâm. Rất nhiều cảm xúc lắng đọng trong mắt bộ hành, khi ngắm nhìn một cái cây được cứu.

Cây đa trước cửa đình Chu Văn An, sau cơn dông hồi tháng 6

Tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện về một cái cây được cứu sống, không phải trong cơn bão này. Đó là một trong hai cây đa lông rất to, bên phải cửa đình Chu Văn An, trên con đường qua xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Trận dông nhiệt dữ dội một chiều tháng sáu đã xoáy bật gốc nó lên và khiến nó ngã nhào vào ngôi nhà cao tầng bên cạnh. Bộ gốc và rễ khổng lồ choán hết cả một khoảng hè rộng lớn. Người ta những tưởng phải chia tay cây đa. Nhưng cuối cùng, nó đã được cứu sống.

"Cái cây đấy to lắm, to hơn cả cây trên kia!"

"Nó đổ, xong người ta phải cắt hết cành đi. Phải thuê 2 cái cẩu loại 30 tấn đến, phải rào toàn bộ đường lại, cẩu dựng nó lên, đặt lại vào hố, rồi trồng lại nó. Cẩu đứt cả cáp, lại phải điều thêm cẩu nữa".

"Ngoài chuyện xã thuê công ty cây xanh, còn bà con nhân dân xúm vào, mấy ngày trời, cả vài chục người làm mới xong".

Để có thể dựng lại cội cây này, hàng chục công nhân và người dân và nhiều xe cẩu cỡ lớn đã được huy động

Sau bão, những người đàn ông thôn Văn ngồi hong nắng ngoài hè, và nhìn về phía cây đa. Từ cái gốc to lớn xù xì, rất nhiều cành nhỏ đã bắt đầu nhú lên, bật ra những chiếc lá mỡ màng tươi tốt. Một sự hồi sinh diệu kỳ! Cái cây vừa kịp bén rễ vào đất, trước khi siêu bão hoành hành.

Hà Nội, gần một tuần sau bão, nhiều tuyến đường hãy còn ngổn ngang. Bão qua lũ tới, thành phố căng mình chống chọi, nên việc dọn cây cũng muôn vàn khó khăn.

Dù vậy, với tinh thần: cây nào có thể cứu được thì cố gắng trồng lại, các công nhân đã ra sức “cấp cứu” cho cây khi bão vừa tan. Người dân cũng rất đồng tình với việc cố gắng cứu chữa cây xanh:

"Những cây vẫn còn ít tuổi, đủ sức trồng lại được thì nên trồng lại. Cây độ tầm 20-25 phân là trồng lại thoải mái. Đỡ tốn kém nhiều chứ! Trồng cái cây tối thiểu cũng phải 10 triệu , mà trồng cái cây bằng cổ tay thì bao giờ mới lên được như thế!"

Những người dân thôn Văn đã cùng công nhân cây xanh thu dọn cành, khiêng vác, hỗ trợ để dựng lại cái cây

Khi một cái cây ngã đổ được dựng lại, người dân xung quanh thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Nhìn sự hồi sinh của nó, lại càng thấy sự hiện diện nhiệm màu của sức sống mãnh liệt: “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

Nhìn cái cách người dân chung tay cứu một cái cây, bạn thấy ở đó lòng mến yêu và nâng niu sự sống.

Tuy vậy, có quá nhiều “bệnh nhân” đang chờ, mà “bác sĩ” cây xanh thì mỏng quá, nên dù cố hết sức, cũng chỉ cứu được phần nào.

Sau 3 tháng được cứu chữa, những cành nhỏ đã bắt đầu đâm chồi mơn mởn, sự sống đã hồi sinh
---

Bộ hành qua phố những ngày sau bão, ngửi mùi lá cây và gỗ tươi còn ngai ngái, nhiều người không khỏi chạnh lòng thương cảm.

Người ta cứu cái cây vì tiếc nuối, vì nhận ra nó quan trọng với mình, nó cho bóng mát, nó chắn gió che mưa, nó là chứng nhân, nó là di sản.

Người ta cứu cái cây, vì xót xa công sức ươm trồng, chăm sóc hàng năm, thậm chí hàng chục năm.

Nhưng cũng có rất nhiều cây xanh đã không thể cứu sống, bởi vỉa hè quá hẹp để trồng lại, hoặc vì bộ rễ đã bị....bủa vây
---

Nhưng, người ta cứu cái cây không chỉ vì nó mang lại lợi lạc cho mình, mà trước tiên, bởi vì nó là một cái cây – một cái cây đang sống. Bởi mọi sự sống đều đáng quý, đáng được nâng niu, bởi mọi sinh linh đều nương tựa vào nhau trong một mối liên hệ mật thiết không thể tách rời.

Và như vậy, bạn sẽ cảm thấy yêu thương thấm đẫm ở thành phố này, khi ngắm nhìn một cái cây được cứu.