Cụ bà trong khung cửa sổ

Những ngôi biệt thự nằm rải rác trên phố cổ, đã trở thành một biểu tượng để nhận biết và tạo nên nét đẹp của Hà Nội. Những hình ảnh ấy, xét về khía cạnh tinh thần, là “sở hữu” của tất cả người Hà Nội...

Mỗi lần tôi đi qua con phố ấy lại thấy bà cụ đứng bên trong ngôi biệt thự cổ, im lìm nhìn ra phố qua những song sắt uốn hoa gỉ sét của cái cửa sổ màu xanh.

Ngôi biệt thự hai tầng, trên phố Đinh Liệt, nhìn từ bên ngoài khá bề thế. Nhưng cũng giống như bao biệt thự phố cổ khác, đã xuống cấp nghiêm trọng. Những bức tường bong vữa lộ phần gạch đỏ bên trong, theo năm tháng cũng đã mủn tơi, tưởng như mỗi lần mưa là lại bị nước rửa trôi đi, khiến có những viên gạch tường đã mất hẳn một phần, bị khoét sâu vào bên trong.

Căn phòng, nơi bà cụ đứng, tối om, không ánh đèn, khiến cho người ta có cảm giác bà đứng trước một cái phông vải màu đen, nhờ có ánh sáng mặt trời bên ngoài chiếu vào nên người ta mới nhìn thấy bà cụ, nhưng cũng chỉ đủ chiếu lên khuôn mặt như bất động ấy.

Những tưởng như bà không bao giờ di chuyển khỏi khung hình ấy, nhưng khi thấy kẻ lạ mặt, là tôi, đứng nhìn mãi, bà cụ liền quay người chìm vào trong bóng tối của ngôi nhà. Rất khó để tiếp cận, những người sống trong căn biệt thự trên phố như thế, cũng bí ẩn, như chính ngôi nhà của họ vậy.

Với người qua đường, những ngôi biệt thự trên phố luôn toát ra một vẻ sang trọng, cho dù đã cũ nát, xuống cấp, xiêu vẹo... Người ta chỉ có cảm giác khi nhìn vào nó, là những người ở trong biệt thự ấy, chắc chắn là người Hà Nội, hoặc ít nhất, cũng sống ở Hà Nội lâu lắm rồi. Rất ít người biết được cuộc sống bên trong những ngôi biệt thự cũ kỹ ấy như thế nào.

Trải qua hàng chục năm, mỗi lần đi qua, tôi vẫn thấy bà cụ im lìm bên khung cửa sổ. Nó khiến cho tôi có cảm giác hình ảnh ấy đã và sẽ tồn tại mãi mãi, giống như tất cả các thực thể đã rất đỗi quen thuộc ở phố cổ, qua mỗi bước chân.

Thế rồi một ngày, bỗng không thấy bà cụ ấy đâu nữa. Có rất đông người ra vào, rồi có một đám thợ vác búa, xẻng, dụng cụ đi vào ngôi nhà… Hơn một tháng sau, nơi đó bỗng trở thành một quán cà phê sang trọng, lấp lánh. Nam thanh nữ tú dập dìu ra vào tấp nập.

Ngôi biệt thự trở nên đẹp đẽ hơn, không còn thấy những vết tường loang lổ, không còn thấy cánh cửa xanh gỉ sét cũ kỹ, không còn thấy bà cụ ngồi bên khung cửa sổ. Không biết, bà cụ giờ ở đâu?

Ở Hà Nội, có rất nhiều ngôi biệt thự cổ như thế. Và như chỉ sau một cái chớp mắt, đã biến mất, thay vào đó là một diện mạo mới toanh. Với cửa kính, tường sơn xanh đỏ, đèn trang trí lấp lánh. Lạ lẫm. Dân hay chụp ảnh phố cổ vẫn còn nhớ ngôi biệt thự cổ trên ngã tư Hàng Điếu, trước cửa có cây bàng lá đỏ mỗi mùa đông về, đã là cảm hứng cho bao nhiêu anh thợ ảnh và cả hoạ sĩ Hà Nội, bởi hình ảnh rất đỗi Hà Nội, giống như trong tranh của hoạ sĩ nổi danh Bùi Xuân Phái.

Câu chuyện đằng sau ngôi nhà ấy thì bây giờ đã ngã ngũ. Nhưng giờ đây, cũng giống như ngôi biệt thự với bà cụ bên cửa sổ kia, đã trở thành một quán cà phê sang trọng, lấp lánh giữa trung tâm phố cổ…

Rất nhiều biệt thự cũ trên phố bây giờ, phía dưới đã trở thành những nhà hàng, cửa hàng sang trọng, đối lập với bên trên mái ngói, tường gạch loang lổ, cũ kỹ rêu phong. Nhìn vào có cảm giác giống như một cô gái vốn hiền lành, dịu dàng nhưng hôm nay bạn trai mới quen lại rủ đi chơi ở vũ trường, nên cô đang đắn đo trong việc giữ gìn hình ảnh cũ, hay chiều lòng bạn trai thay một bộ váy áo mới hợp mốt.

Đắn đo quá, thành ra cứ dở dang giữa thuỳ mị và nổi loạn, rồi chẳng biết làm thế nào nên giữ cả hai để ra đường...

Cùng với thời gian, và nhu cầu phát triển, phố cổ Hà Nội đang mỗi ngày một thay đổi. Những ngôi nhà cũ kỹ, giống như một biểu tượng để nhận biết, đã dần biến mất, thay vào đó là những hình ảnh khang trang, diện mạo mới.

Đẹp hơn thì chưa biết, nhưng với những người yêu sự cổ kính của phố cổ Hà Nội bỗng như mất mát trong lòng.