Cổng trường an toàn: Phụ huynh ủng hộ, mong tối ưu hơn

Những ngày qua, có một số điểm trường ở Hà Nội thí điểm cách tổ chức giao thông mới trước cổng trường: Cắm cọc tiêu, kẻ vạch, gờ giảm gốc, bố trí nơi đỗ xe riêng cho phụ huynh dưới lòng đường, tạo làn đi bộ cho học sinh trên vỉa hè.

Hiệu quả và đánh giá ban đầu về phương án này ra sao? Mời các bạn cùng VOV Giao thông đến với không khí của khung giờ cao điểm đầu tuần khu vực trước cổng trường tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông, Hà Nội), qua những cuộc trò chuyện ngẫu nhiên tại đây.

Bên cạnh tôi là chị Đỗ Phương Thanh, đang đứng đợi con trai học lớp 1. Chị đã đỗ xe gọn gàng vào khu vực kẻ vạch và cắm cọc tiêu. Khu vực này nằm dưới lòng đường và có chiều dài bằng 1 thân xe máy.

Chào chị, chị thấy sự thay đổi này có ưu điểm và hạn chế nào?

Ưu điểm là không gian vỉa hè được giải phóng, lấy chỗ đi lại cho học sinh, phụ huynh đưa đón con. Tôi thấy rất hợp lý. Trước đây, xe để hết ở trên đó, không có lối đi lại.

Nhưng việc đóng cọc tiêu, phải nói là nó có ưu điểm, nhưng cũng có nhược điểm. Lòng đường ở đây thì khá là nhỏ. Mà buổi sáng, lượng xe cộ lưu thông rất lớn, xe to vẫn đi vào đây.

Mà đóng cọc tiêu như thế để dành chỗ để xe, nhưng không gian xe di chuyển qua thì cũng hẹp hơn. Nên sự đông đúc ở đây là khó tránh.

Đường 19.5 qua cổng trường tiểu học Nguyễn Du (Hà Đông) có mật độ phương tiện lớn, thường xuyên ùn ứ giờ cao điểm

Thế còn việc ra vào nơi đỗ xe?

Chính xác, bạn có thể nhìn ngay đây, lấy xe ra tương đối khó, chứ không phải dễ. Buổi sáng bây giờ, hình như chiều xe ô tô từ 19/5 bên kia qua đây thì có biển cấm giờ cao điểm rồi, thì tôi thấy như thế nó còn đỡ một chút.

Trước đây thì sao, chị tạt vào vỉa hè rồi đón các con luôn?

Không, với các con nhỏ thì nhà trường không cho ra đứng ở vỉa hè, mà phụ huynh buộc phải để xe ở cổng rồi mới vào đón con được. Mình thấy bố trí như thế này thì tạm ổn.

Các bạn lớn thì có thể ra đây, dừng xe một tí rồi đi luôn, còn các bạn nhỏ phải đỗ xe.

Cảm ơn chị.

Phương án tổ chức mới bao gồm việc việc bố trí 2 làn để xe máy ở hai bên đường, mỗi làn dài bằng thân xe nằm gần như vuông góc với đường

Theo quan sát, một nữ phụ huynh khác là chị Nguyễn Bích Ngọc, có con học lớp 3, cũng khá loay hoay để dắt xe khỏi khu vực cắm cọc tiêu.

Có vẻ chị đang gặp khó khăn với tổ chức giao thông mới ở đây?

Mình thấy nhiều cái chưa được. Rất bất cập. Nếu như trước đây chưa để rào chắn, tỉ lệ xếp xe không được nhiều hơn, còn bây giờ cảm giác bị vướng, số lượng xe ra bất tiện hơn rất nhiều.

Mà công dân ở đây là đều đã biết là đi đón con phải để xe đúng quy định rồi, không cần thiết phải tạo ra những cái, nói thật là hơi rườm rà.

Xét về mặt nhân lực, vẫn là từng ấy nhân lực phải điều tiết giao thông, lãng phí rất nhiều. Mà đã hình thành ý thức thì có thể tuyên truyền với các con, gia đình, phụ huynh, không cần phải rào chắn thế này rất tốn diện tích.

Do vướng cọc tiêu cố định, việc dắt xe ra vào không dễ dàng. Theo chị Nguyễn Bích Ngọc, cọc tiêu đặt cả hai phía lòng đường là hơi... rườm rà vì vướng víu hơn trước

Tôi nhận thấy phía đối diện bên kia là vỉa hè công viên tương đối rộng, nhưng lòng đường phía bên đó cũng được cắm cọc tiêu, rào chắn…

Đó, nguyên tắc giao thông là đỗ cả 2 bên như này thì có phải vướng không? Trong khi trước đây bên kia chỉ lên vỉa hè, bên này để một chút dưới lòng đường thì nó so le, chứ không song song như thế này.

Mà tôi thấy tất cả phụ huynh đều ý thức để xe đúng chỗ, không lấn chiếm lòng đường, để ở cổng, cản trở giao thông tí nào. Phụ huynh đều có ý thức mà.

Còn việc giải phóng vỉa hè?

Mình rất ủng hộ. Mình chưa bao giờ xâm lấn vỉa hè của các con sát tường nhà trường, vì mình biết các con cần an toàn từ cổng trường đi ra, tránh trường hợp bỏng bô hay các va chạm xảy ra.

Xin cảm ơn chị.

Nhiều bậc phụ huynh cần nhờ tới lực lượng chức năng (Thanh tra GTVT) hỗ trợ mới có thể ra vào được thành công khu vực để xe

Lẽ ra những cuộc trò chuyện này đã khép lại, nhưng VOVGT muốn hỏi chuyện thêm 1 người nữa khá đặc biệt. Anh vừa là phụ huynh chờ đón con ở trường Nguyễn Du, vừa là người đóng vai trò phân luồng, hướng dẫn giao thông trước cổng trường. Đó là anh Lê Tuấn Anh, Thanh tra viên Đội Thanh tra GTVT quận Hà Đông.

Chào anh, có vẻ mọi người chưa quen với việc tổ chức giao thông ở đây?

Một số trường hợp đúng là chưa quen với hệ thống rào mới. Ưu điểm rất thuận lợi, so với trước kia, ùn tắc giảm đáng kể.

Nhiều phụ huynh nói với tôi rằng, lòng đường bị mất tới chiều dài 2 thân xe máy, còn lại hẹp quá.

Việc đấy thì đúng. Khi mình thu hẹp lòng đường lại thì tất nhiên áp lực giao thông tăng cao. Nhưng khi có gờ giảm tốc lớn, đường hẹp thì sẽ giảm tốc độ, tránh nguy hiểm cho các cháu nhỏ. Sau khi lắp, hiện tượng va chạm giao thông nhẹ với các cháu không còn xảy ra nữa.

Cơ bản là các lực lượng chức năng nhàn hơn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành họp, lấy ý kiến các lực lượng, đại diện nhà trường, ban phụ huynh để thống nhất một số nội dung và điều chỉnh trong thời gian tới.

Xin cảm ơn anh!

Ưu điểm của phương án mới là giải phóng hoàn toàn vỉa hè cho học sinh, phụ huynh đi bộ, đồng thời đảm bảo an toàn tốt hơn về giao thông trước cổng trường.

Theo các bậc phụ huynh, cách tổ chức giao thông mới trước cổng trường tiểu học Nguyễn Du mặc dù bước đầu đã đạt mục tiêu: Giảm ách tắc, đảm bảo an toàn hơn cho học sinh, song vẫn còn một số điểm cần cải thiện theo hướng thuận tiện cho việc ra vào khu vực đỗ xe.

Bên cạnh đó, như các phụ huynh đã chia sẻ, các bác tài cần để ý hướng ô tô bị cấm từ ngã tư Dương Lâm đi 19/5 về phía Nguyễn Khuyến trong khung giờ 7h-8h30 và từ 16h-17h30.