Cộng sinh

Ở thành phố, cuộc sống hoàn toàn khác xa với nông thôn, khi mà không gian sinh hoạt bị bao quanh bởi bốn bức tường cùng không gian chật hẹp khiến mọi mối quan hệ trở nên bó hẹp hơn.

Nhưng cũng chính vì đặc thù đó lại sinh ra những mối quan hệ xã hội mang tính “cộng sinh” – dựa vào nhau cùng phát triển. Và dần bồi đắp thành một nét riêng – có thể gọi là cuộc sống đô thị…\

 

Nói tới Hà Nội, tất nhiên, phải nhắc tới các phố Hàng, gắn liền với những nghề thủ công truyền thống. Nơi đây, trải qua hàng trăm năm bồi đắp, phát triển, đã tạo nên nét đặc trưng, mang bề dày lịch sử, văn hóa của đất Thăng Long, ngàn năm văn hiến.

Những phố nghề xưa, và ngày nay, nhiều nơi vẫn còn giữ lại được nghề truyền thống cha ông, là nh chứng rõ nét nhất cho mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ lẫn nhau, giúp đỡ nhau cùng phát triển:

"36 phố phường còn lại thì được bao nhiêu phố có tên là Hàng như Hàng Thiếc? Phố này đã khẳng định được là không thể mất được".

"Nghề chì thiếc ấy sẽ tồn tại mãi vì có những sản phẩm thủ công mà máy không thể làm được, có những dụng cụ và những đồ đặc biệt mà chỉ có tay nghề của người thợ thiếc mới có thể làm ra được…"

"Con cháu bây giờ vẫn tiếp thu nghề đó và nghề không thể mất được".

Nói tới Hà Nội, tất nhiên, phải nhắc tới các phố Hàng, gắn liền với những nghề thủ công truyền thống

Mỗi thế hệ, mỗi giai đoạn lịch sử lại có những sự chuyển biến phù hợp với nhu cầu của xã hội. Ngày nay, các phố Hàng hầu như không còn giữ lại những nghề cũ vốn là gốc để đặt tên cho phố, như phố Hàng Giấy lại chuyên bán bánh kẹo, phố Hàng Đồng hầu hết chỉ kinh doanh các mặt hàng cơ khí, Hàng Ngang - Hàng Đào là phố chuyên về thời trang, quần áo, Hàng Buồm chia ra từng phần con phố mà các nhà cùng nhau gộp lại buôn bán một thứ hàng nhất định, như các chi tiết may mặc, bánh kẹo, thời trang, ăn uống… Hàng Gai bây giờ toàn bán lụa tơ tằm, hay cạnh đó phố Tố Tịch có ai còn bán chiếu trắng?

Nhưng dù thay đổi thế nào, người ta vẫn dễ dàng nhận ra được một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là “Buôn có bạn, Bán có phường”.

Có những phố hàng khi xưa nghề cũng mất, tên không còn, như phố Hàng Tàn hay còn gọi là Hàng Lọng, bây giờ là đường Lê Duẩn, lại có nghề làm đồ mộc thờ cúng rất phát triển. Hay Hàng Bừa, Hàng Cuốc – bây giờ mấy ai ở đô thị làm nông nghiệp nên cũng dần mất nghề và tên phố phải thay đổi.

Những năm gần đây, Hà Nội có nhiều phố mới, theo một cách nào đó, cũng có thể gọi là phố Hàng, nơi mà người ta tập trung buôn bán, kinh doanh một loại hàng hóa.

Và dần trở thành một địa điểm hấp dẫn không chỉ với người Hà Nội mà cả với khách du lịch, như phố ẩm thực Tống Duy Tân, với hàng chục,hàng trăm hộ kinh doanh ăn uống và cũng là một điểm thu hút du khách…

Ở thành phố, một mét vuông vỉa hè cũng đủ nuôi sống cả một gia đình

Những phố Hàng tất nhiên là đặc trưng lối sống cộng sinh của người Hà Nội. Nhưng có khi, những mối liên kết nhỏ hơn, thậm chí chỉ mang tính xóm giềng, cũng đem lại cái nhìn thú vị về cách người ở đô thị hỗ trợ lẫn nhau.

Ở thành phố, nơi mà ở đó, một mét vuông vỉa hè cũng đủ nuôi sống cả một gia đình. Từ những gánh hàng rong, quán trà đá, hàng ăn vặt, ăn chính, thời trang… đều dựa vào vỉa hè để kiếm sống.

Đó là những mô hình kinh doanh thoạt nhìn rất kỳ lạ, nhưng lại có mối liên kết chặt chẽ chẳng cần một thứ giấy tờ pháp lý, hay thậm chí thỏa thuận ệng nào, hoàn toàn chỉ dựa vào mối quan hệ hàng xóm láng giềng.

Lâu dần, mối quan hệ vô hình ấy trở nên gắn kết, dường như không thể tách rời. Và cũng nhờ vậy mà tình làng nghĩa xóm, thực ra là hàng phố, cũng trở nên thân thiết hơn.

Một nhà bán phở, thậm chí sẽ có tới cả chục nhà hàng xóm mở hàng trà chén, giải khát xung quanh, nhiều người gọi là kinh doanh kiểu “ăn theo”, nhưng có lẽ đó cũng là một cách phát triển theo lối “cộng sinh”.

Đi trên phố, nhìn vào cách sống, lối sinh hoạt của thị dân, sẽ thấy rằng, lối sống “cộng sinh” ấy đã làm nên một đô thị với những mối dây liên hệ giống như những mạch máu, vận động liên tục để nuôi sống cơ thể, tạo nên sinh khí và sự đa dạng, mang bản sắc riêng, lối sống riêng của người Hà Nội.