Con trâu và một thời khẩn hoang

Từ bao đời nay, con trâu không chỉ là vật nuôi mà còn là người bạn thân thiết, thậm chí có gia đình còn coi nó như thành viên trong nhà.

Con trâu vất vả cùng người nông dân mưa nắng trên đồng, cáng đáng mọi việc nặng nhọc từ cày bừa, kéo mạ, cộ lúa, rồi đạp lúa bó ra lúa hột, là đầu cơ nghiệp của bà con ền Tây, giúp nhiều gia đình ăn nên làm ra. Con trâu là một phần trong văn hóa lúa nước của cư dân ền sông nước. 

 Có lẽ với nhiều bà con ền Tây, âm thanh vừa rồi đã gợi lại thật nhiều kỷ niệm.

Trong các loài vật gần gũi với người, con trâu hiền lành, chịu thương chịu khó. Đi suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, con trâu cặm cụi cùng nhà nông trở thành một hình ảnh gắn bó thân thiết với làng mạc, ruộng đồng.

Ảnh nh họa: VOV

Ở thời hoàng kim, con trâu đứng đầu trong giá trị thước đo tài sản của nhà nông. Nhìn vào số trâu trong gia đình, người ta dễ dàng xác lập địa vị của gia đình đó trong quan hệ cộng đồng. Ông Trương Văn Tốt, tỉnh Hậu Giang nhớ lại: "Trâu nhiều lắm. Nhà nào khá thì phải có trâu tại vì đâu có máy cày đâu. Thí dụ nhà có ruộng đất thì phải có trâu hoặc bò, nhưng đa số là trâu để cày chứ mình làm sao làm nổi. Mình làm ở nhà rồi làm kế bên xung quanh đó làm mướn người ta. Nói chung nhà khá mới có trâu, nhà nghèo thì không có trâu".

Trong tín ngưỡng văn hóa, hình ảnh con trâu thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm - biểu tượng của nước trong tín ngưỡng nông nghiệp. Những bậc cao niên kể, vào lúc giao thừa, người ta thường ra xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó gia chủ làm ăn có thuận lợi hay không.

Dù được thuần dưỡng từ lâu nhưng con trâu vẫn còn giữ được nhiều nét hoang dã trong tập tính sống. Nuôi nhốt trong nhà lâu ngày, dù được cho ăn uống đầy đủ, trâu vẫn không chịu được, có con “cuồng chân” quậy phá, rồi trở nên hung dữ, có con buồn rầu tới mức sanh bệnh…Bởi vậy, nuôi trâu dù ít dù nhiều cũng phải có những cánh đồng hoang hóa hoặc bán hoang hóa rộng lớn để chăn thả thì trâu mới mạnh mẽ, sanh sôi, phát triển. Và công việc của những em bé chăn trâu, mà người ta hay gọi là mục đồng cũng bắt đầu dần trở nên quen thuộc.

Ông Phan Văn Đức, tỉnh Hậu Giang nhớ lại: "Trâu cũng nhiều người nuôi lắm, điều kiện phải có người giữ, ruộng nhiều chứ đâu phải ruộng nhiều chứ đâu phải người nào cũng nuôi được đâu. Người nào mà vừa có con lớn, giữ được. Nếu ruộng ít, con gái không thì đâu sắm trâu làm chi. Hồi đó thì đâu sắm trâu vàng đâu, sắm trâu lúa không hà. Ba tôi mua một cặp trâu 300 giạ lúa. Trâu thì xuất công ra làm lời, trâu ăn cỏ. Cỏ ngoài đồng thì thiếu gì, lấy vốn thì nói chung cũng hơi lâu à".

Nhắc đến con trâu thì không thể nào quên được hình ảnh mùa len trâu, nét đặc thù của nghề chăn trâu ở ền Tây Nam Bộ. Mối gắn bó giữa người và trâu là quan hệ cộng hưởng, bình đẳng và cảm thông như câu ca dao “Trâu ơi ta bảo trâu này...” quen thuộc. Con trâu âm thầm bên con người ngày mưa, tháng nắng, mang cho con người hạt gạo dẻo thơm, còn phần mình nhận về cỏ dại.

Con trâu có một hàm răng

Ăn cỏ đồng bằng uống nước bờ ao

Không chỉ song hành cùng nông dân từ thời khẩn hoang, lập ấp, con trâu bên người dân khi đất nước bị xâm lăng. Từng bước đi chậm rãi, vững chắc trâu cùng người dân xới đất trên đồng, bắt đầu cho một mùa vụ mới. Rồi hạt lúa nẩy mầm, vươn xanh, chín vàng trải dài hút tầm mắt cũng là lúc con trâu bắt tay vào công việc mới. Lúa mùa được nông dân gặt rồi bó thành bó, phơi cho khô ráo, chuyển về sân nhà, dùng sức trâu đạp ra lúa hột. Tùy theo nhà ruộng ít hay nhiều mà thời gian đạp lúa kéo dài từ năm bảy bữa tới trọn tháng. Ăn Tết, người nghỉ ngơi thì trâu cũng được nghỉ ngơi; người ăn uống no đủ thì trâu cũng được ăn uống no đủ.

Ông Phan Văn Đức, tỉnh Hậu Giang, bồi hồi chia sẻ: "Làm cái sân để bắt con trâu. Giậm khoảng 3 giờ chiều tới 6 giờ sáng là một mẻ là 5 công đất".

Ảnh nh họa: NLĐ

Hồi ấy, nhiều gia đình vẫn còn giữ tục lệ “ăn tết trâu”. Sau khi trang hoàng nhà cửa, người ta dọn dẹp chuồng trâu sạch sẽ, tắm rửa cho trâu, rồi dán những mảnh giấy hồng đơn hình vuông vào “cổng trâu”, sừng trâu và trong “máng trâu” bao giờ cũng đầy cỏ tươi, nước ngọt.

Tết Nguyên đán và “tết trâu” xong xuôi, thường vào ngày hạ nêu, chủ trâu tiến hành nghi thức thả trâu về với những cánh đồng. Sáng sớm, chủ trâu mang lễ vật ra chuồng trâu van vái “ông chuồng, bà chuồng” phò hộ cho bầy trâu ra đi không gặp điều xui rủi, an toàn, mạnh khỏe, sanh thêm nhiều nghé. Sau đó, người chủ và đứa bé thường ngày chăn trâu đưa bầy trâu từ chuồng ra đồng. Tới đây, người chủ lần lượt rút dây dàm ra khỏi mũi cho từng con trâu, theo thứ tự nhỏ trước lớn sau, cái trước đực sau, với lý do là con đực cổ hay con cái già cầm bầy mà cất vó trước thì khó lòng kềm giữ những con còn lại. Trước khi rút dàm con cầm bầy, người và trâu vẫn còn quấn quýt, bịn rịn, người chủ nhẹ tay xoa lưng, xoa đầu, vuốt sừng từng con cầu chúc sức khỏe, khi đi có bầy, khi về có đàn.

Trâu là loài vật tuy được thuần dưỡng nhiều đời nhưng ít nhiều vẫn còn những tập tính hoang dã, lại thêm trời cho sức mạnh phi thường nên không phải lúc nào con người cũng điều khiển được. Không còn cách nào khác, người chủ dùng sợi dây xỏ qua ếng thịt giữa hai lỗ mũi trâu, cột vòng lên phía đầu, gọi là dây dàm. Mỗi lần dây dàm bị giựt, mũi trâu đau nhói, đành cúi đầu tuân theo ý chủ.

“Rút dàm” có nghĩa là rút bỏ sợi dây dàm trả trâu về với đời sống hoang dã; “thả lang” là cứ để mặc trâu tự do, không cần phải chăn giữ. Không “rút dàm” mà “thả lang” là điều tối kỵ, vì có khi dây dàm con này mắc vào sừng con kia hay mắc vào nhánh cây hoặc một chướng ngại vật nào đó, rất dễ nguy hiểm đến tính mạng những con trâu.

Trời vừa ra Giêng, lúa mùa vừa thu hoạch xong, rơm rạ đôi chỗ còn xanh tươi, chen lẫn với nhiều loại cỏ khắp nơi dưới ruộng, trên bờ. Từng đàn trâu cứ tha thẩn gặm cỏ từ đồng này sang đồng khác, có khi chúng đi xa hơn chục cây số.

Thế rồi, việc gì đến phải đến. Một cuộc chia tay giữa trâu với người diễn ra âm thầm mà con trâu không hề hay biết. "Trâu sắt" thay thế "trâu đen" trên những cánh đồng, con trâu gần như đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Số lượng trâu ở ền Tây Nam Bộ cũng giảm dần.

Có người cho rằng, con trâu đã mất vị thế trong đời sống nhưng có lẽ không phải như vậy. Nó chỉ giảm nhiệm vụ, chức năng cày kéo nhưng vẫn là con vật mang lại nhiều giá trị kinh tế trong đời sống của người dân hiện nay.

Trên đồng ruộng chúng ta giờ đây, hình ảnh con trâu đi từng bầy gặm cỏ nhởn nhơ hay con trâu kéo lúa, cày bừa, giậm lúa chỉ còn là ký ức. Vậy nhưng, bao giờ ngọn lúa còn bông thì người ta vẫn nhớ hoài ở từng góc lúa đã từng có dấu chân trâu âm thầm dưỡng nuôi hạt ngọc trời, mang lại bữa cơm ấm no cho người dân xứ mình.