“Cô tiên” vẫn còn trong ký ức?

Trên các phương tiện truyền thông, câu chuyện về “người tốt, việc tốt”, những tấm gương sáng, hành động thiện nguyện truyền cảm hứng luôn được ngợi ca và lan toả rộng rãi. Tuy nhiên, không ít những góc khuất liên quan đến đạo đức sau đó khiến cho dư luận ngỡ ngàng.

Nguyễn Đỗ Trúc Phương - từng được truyền thông ca ngợi là “cô tiên” của Sài Gòn trở thành tâm điểm vì có liên quan đến đường dây ma tuý

Hai ngày qua, Nguyễn Đỗ Trúc Phương - từng được truyền thông ca ngợi là “cô tiên” của Sài Gòn trở thành tâm điểm vì có liên quan đến đường dây ma tuý.

Từ một hình mẫu nhân ái trong các hoạt động thiện nguyện, thông tin về Trúc Phương nhiều giờ vừa qua đã giáng một đòn mạnh vào niềm tin của công chúng.

Tôi đã có thời gian tiếp xúc với Trúc Phương trong các chuyến đi từ thiện. Trái ngược với hình ảnh một “tiểu thư” khá giả trên mạng xã hội, Phương giản dị, khiêm tốn, kiệm lời và dễ xúc động trước những hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2020, Trúc Phương đăng một bài viết trên mạng xã hội kêu gọi giúp đỡ hoàn cảnh ông Hải xe ôm, ngày ba bữa ăn bánh mì. Chỉ sau một đêm, mạnh thường quân trên cả nước ủng hộ số tiền gần 40 triệu đồng.

Không lâu sau đó, Phương đăng kêu gọi giúp anh Phạm Văn Tâm ở Tây Ninh bị rắn hổ mang chúa cắn vì liều mình đi bắt rắn kiếm tiền đóng học cho con. Nhờ sự hỗ trợ đó, cuộc đời anh Tâm đã bước sang một trang mới.

Chiếc bánh kem sinh nhật đầu tiên ở tuổi 80....

Trong đại dịch COVID-19, Phương cũng quyên góp được hàng tỉ đồng hỗ trợ lương thực cho bà con. “Có những thứ là đơn giản với mình, nhưng với nhiều người, cả đời cũng không dám mơ ước” - Phương chia sẻ ở thời điểm đạt dấu mốc 5 năm làm thiện nguyện, giúp đỡ cho hơn 200 hoàn cảnh.

Công chúng không quên hình ảnh của một cụ ông 80 tuổi bán vé số khóc như một đứa trẻ khi lần đầu được biết thế nào là sinh nhật. Trong ngôi nhà tuyềnh toàng ngập nước, ông cũng lần đầu được chạm đến chiếc đài radio mà Phương tận tay trao cùng số tiền hỗ trợ đủ để ông rời xa cuộc sống khổ cực, về ền Tây an dưỡng tuổi già.

Tiếng lành đồn xa, biệt danh “cô tiên” được truyền thông, báo chí đặt cho Trúc Phương. Tôi tin rằng, bản thân cô gái trẻ 30 tuổi ấy chưa chắc đã muốn nhận danh xưng này. Trúc Phương luôn tự nhận mình chỉ là người “gieo duyên”.

Khi được ca ngợi, hình ảnh một cá nhân nhanh chóng trở thành thần tượng, được ngưỡng mộ. Nhưng khi một “cuộc sống khác” của họ được hé lộ, đã gây ra làn sóng tranh luận trái chiều trên mạng xã hội. Nhiều người cảm thấy thất vọng; trong khi không ít người tỏ ra thông cảm. 

Tại sao một người từng được ngưỡng mộ lại có thể sa ngã? Áp lực về sự hoàn hảo, danh tiếng, về những cám dỗ có thể là nguyên nhân dẫn đến những hành vi sai trái. Có lẽ với Trúc Phương, việc luôn được đặt vào vị trí là một “người tốt”, là một “cô tiên” cũng tạo ra một áp lực vô hình.

Bên cạnh những cụ già có hoàn cảnh khó khăn...

Trúc Phương đã bị thu hồi giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” của Uỷ ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam trao tặng vào năm 2020 do vi phạm pháp luật. Hiển nhiên, việc chấp nhận rằng ngay cả những người từng được xã hội tôn vinh trong quá khứ, cũng có thể mắc sai lầm trong hiện tại, là điều không dễ dàng.

Nhưng một vận động viên vi phạm luật chống doping, ta không thể xoá bỏ những kỷ lục họ đã lập nên, chỉ vì một sai lầm.

Bởi vậy, danh hiệu chỉ nên là sự ghi nhận, tôn vinh, khuyến khích cho hành động đẹp và đóng góp tích cực cho một cá nhân trong một giai đoạn nhất định. Nó không định nghĩa một con người mãi mãi. Đặc biệt, khi mọi thông tin được khuếch đại bởi mạng xã hội, danh hiệu, danh tiếng cũng rất mong manh.

Câu chuyện của Trúc Phương cũng vậy. “Cô tiên” trong ký ức, vẫn còn đó.

Và một tội phạm ma tuý là bài học đắt giá của ngày hôm nay!