Nhiều du khách trong nước và ngoài nước đều ấn tượng với một hành trình bộ hành rực rỡ và đáng nhớ qua trang phục truyền thống của các triều đại nước Việt xưa…
Bách Hoa Bộ Hành 2024 – Ngày hội cổ phục Việt Nam là sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, được tổ chức tại phố đi bộ Hồ Gươm vào ngày 17/11 vừa qua. Sự kiện đã thu hút gần 500 người mẫu với hàng trăm bộ cổ phục được đem ra trình diễn.
Cổ phục Việt vẫn còn là cái tên xa lạ với nhiều người. Dù là người Việt nhưng không phải ai cũng có cơ hội nhìn thấy hình ảnh áo Nhật Bình, Giao lĩnh. Chính vì vậy những du khách ở phố đi bộ không khỏi thấy bất ngờ trước vẻ đẹp của cổ phục Việt và không khỏi tò mò mà muốn tìm hiểu sâu hơn về những thời kỳ đã qua của dân tộc.
Giống với rất nhiều bạn trẻ khác tham gia đoàn diễu hành đặc biệt ấy, Ngô Trung Nguyên chọn cách gắn bó với cổ phục Việt và mong muốn lan tỏa trang phục cổ của người Việt, để trang phục truyền thống này ngày càng được nhiều người biết đến và lan rộng hơn nữa:
"Trước đấy là mình có được nhờ đi chụp mẫu cho chương trình, sau đó thì mình cũng được mời đi. Nói chung là mình cũng thích tham gia chương trình này vì mình cũng muốn biết thêm về Việt phục này hoặc là cũng có thêm trải nghiệm. Đi bộ hành thì rất là tuyệt và đây là một cái chương trình khá là lớn".
Từ áo Nhật Bình, áo tấc, giao lĩnh, đến cả áo tứ thân, nón quai thao cũng được các bạn trẻ mang đến. Hình ảnh người con gái Việt trong bộ cổ phục truyền thống níu giữ ánh mắt của biết bao khách bộ hành. Ai cũng xúng xính váy áo rực rỡ, đầu đội mấn, cài trâm, tay cầm quạt, chân đi hài, guốc mộc. Khiến cho bộ hành tưởng như đang quay ngược thời gian trở về hàng ngàn năm trước.
Cứ mỗi triều đại đi qua, trang phục lại được thay đổi, cải tiến sao cho phù hợp. Một bộ trang phục mà lại chứa đựng những nét văn hóa của cả một thời kỳ của dân tộc. Nhìn vào hoa văn, cách thiết kế của từng bộ cổ phục có thể thấy được sự cầu kỳ, tỉ mẩn của từng đường kim mũi chỉ, thấy được sự trân trọng giá trị truyền thống của những người thợ may. Không chỉ tái hiện, cổ phục còn được cách tân, đưa vào những dấu ấn hiện đại để có thể đến gần hơn với thế hệ trẻ.
Có những bạn trẻ từ ền Nam ra, lại có những em bé mặc áo dài cách tân đi theo mẹ, cũng có những người già tóc đã bạc…. Cổ phục Việt như một sợi dây kết nối vô hình mà bền chặt giữa nhiều con người, nhiều thế hệ với nhau.
Và có lẽ, dư âm đọng lại nhiều nhất không chỉ là vẻ đẹp của những bộ trang phục truyền thống mà còn là nụ cười rạng rỡ trên gương mặt mỗi người trong cuộc diễu hành đông đúc và kéo dài ngoài đường phố…
Những bước chân khoan thai, trong tiếng trống hào hùng, trước bao ánh mắt dõi theo, với niềm tự hào được khoác trên mình một bộ trang phục mang đậm dấu ấn của lịch sử, văn hóa… đã tạo nên dư âm đầy cảm xúc trong lời kể của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.
"Cổ phục, thật sự là mình rất thích, rất thích những cái cổ phục Việt Nam. Mình rất thích là mặc những cái này vì nó rất là đẹp và nó là một cái truyền thống của nước ta và cái này mình nghĩ là nên được giữ gìn và bảo tồn và nó là một điều rất là tuyệt vời".
Ấn tượng, tò mò và thích thú là cảm xúc chung của bất kỳ du khách quốc tế nào được chứng kiến những bộ trang phục cổ xuống phố. Còn đối với những du khách trong nước, hẳn ai cũng tự hào trước một nét văn hóa lâu đời đang được chính các bạn trẻ yêu thích và giữ gìn:
"Lâu lắm rồi mình mới thấy những cái bộ trang phục đậm chất văn hóa được trình diễn một cách rộng rãi vào ở một quy mô lớn như thế này. Mình ấn tượng cái sự đầu tư của mọi người vào tất cả những công việc này, từ việc dàn xếp, tổ chức. Họ đầu tư một lượng thời gian lớn để thuê tất cả các bộ trang phục này để diễu hành một vòng quanh Hồ Gươm".
"Đây là lần đầu tiên mà mình được chứng kiến rất là nhiều những cái bộ cổ phục như là Nhật Bình này, Giao Lĩnh này. Mình cảm thấy các bạn trẻ bây giờ đang có xu hướng là giữ gìn những cái nét văn hóa của dân tộc thì mình cảm thấy rất là vui".
Có những bộ trang phục của các triều đại mà rất nhiều người trong chúng ta thậm chí còn không biết tới hoặc lần đầu được nhìn thấy.
Các phong trào cộng đồng để thúc đẩy việc nghiên cứu, phục dựng cổ phục Việt Nam đã được quan tâm trong khoảng 10 năm trở lại đây với mong muốn mang đến cho người dân, du khách, đặc biệt là những người trẻ có cái nhìn mới mẻ về Việt phục và tiếp tục mở ra những hành trình thú vị hơn nữa để khám phá văn hóa, bản sắc truyền thống dân tộc.