Có nên xử lý học sinh đi xe máy từ bãi giữ xe trường học

CSGT TP.HCM mới đây phối hợp các lực lượng chức năng, kiểm tra nhiều bãi giữ xe của các trường THPT, phát hiện và xử lý nhiều học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện. Với Hà Nội, tình trạng học sinh THPT này diễn ra phổ biến, người dân thủ đô nghĩ sao về hiệu quả của biện pháp này? 

Xin chào anh, mời anh giới thiệu một chút về mình!

Tôi là Vương Xuân Đoàn, đang sinh sống ở Sóc Sơn.

Anh thấy thì trạng học sinh đi xe mô tô ở Hà Nội hiện nay thế nào?

Anh Vương Xuân Đoàn: Tôi thấy khá nhiều, học sinh cấp 3 đi xe máy: xe Wave, xe Dream… tương đối nhiều so với xe các cháu được phép đi là xe dưới 50cc.

Mà học sinh đi thì lạng lách, đánh võng, chở ba chở bốn cũng có. Tôi phải tránh các em, nhưng nhiều khi có những rủi ro không thể tránh kịp. Các em được đào tạo bài bản rồi mới tham gia giao thông thì sẽ tốt hơn là chưa được đào tạo qua trường lớp. 

Học sinh cấp 3 tại Hà Nội vẫn vô tư đi xe mô tô, thậm chí gửi xe trong trường. Hình ảnh được ghi nhận tại trường THPT Nguyễn Tất Thành, Thanh Xuân vào chiều 30/9/2024 (Ảnh - Minh Hiếu)

Vâng, trước vi phạm phổ biến hiện nay, CSGT TP.HCM đã vào bãi giữ xe trường học để phát hiện và xử lý học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện. Anh thấy sao về biện pháp này?

Anh Vương Xuân Đoàn: Theo tôi như thế là tốt, địa bàn Hà Nội cũng nên làm như thế. Cơ quan chức năng can thiệp thì nhà trường không thể “ý kiến” được. Như ở trên chỗ tôi, học sinh mà đi xe máy thì không được phép gửi xe trong trường, kiên quyết như thế thì tốt cho cả xã hội và cho các cháu.

Cơ quan chức năng là chính nhưng theo tôi, cha mẹ và nhà trường phải có biện pháp thì mới giảm hơn. Còn lực lượng chức năng, CSGT thì học sinh nhìn thấy lại lách đi đường khác, chẳng hạn thế. Chủ yếu là gia đình và nhà trường.

Vâng, xin cảm ơn anh!         

 

Việc các cơ quan chức năng thường xuyên nhắc nhở, giám sát sẽ tăng trách nhiệm của các nhà trường để không lơ là, dung túng cho những hành vi vi phạm (Ảnh - Minh Hiếu)

Như VOV Giao thông đã đề cập gần đây, học sinh THPT tại Hà Nội vẫn vô tư đi xe mô tô, thậm chí gửi xe trong trường. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc các cơ quan chức năng thường xuyên nhắc nhở, giám sát sẽ tăng trách nhiệm của các nhà trường trong việc đảm bảo trật tự, ATGT, không lơ là, dung túng cho những hành vi vi phạm của học sinh.

Tôi là Phùng Văn Tài, ở Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy. Thời gian gần đây, khi lực lượng chức năng vào cuộc thì cũng thấy giảm đi nhiều đấy. Các chú công an đứng ở các trường là chúng tôi đồng tình.

Tên tôi là Đỗ Xuân Hùng, ở Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội. Tôi thấy là như thế là rất tốt, toàn quốc nên áp dụng. Tôi thấy nhà trường mà triệt để thì 100% học sinh không thể mang xe đến được.

Vâng, biện pháp này có thể hạn chế học sinh đi xe mô tô đến trường, nhưng các em có thể đối phó bằng cách gửi xe bên ngoài trường. Các anh nghĩ nên có giải pháp gì?

Anh Phùng Văn Tài: Tôi thấy để triệt để thì thứ nhất là gia đình, thứ hai là nhà trường, địa phương không thể có nhân lực mà làm hết được, kể cả CSGT cũng thế. Nhà không giao xe là được rồi, và đến trường sẽ không cho các bạn đấy vào, triệt để như thế theo tôi là làm được.

Anh Đỗ Xuân Hùng: Nhà tôi cũng có 2 con đi học nhưng không dám cho các con đi xe đâu, kể cả xe đạp điện. Có lúc các con lại được các bạn khác chở đi, không may xảy ra vụ việc gì cha mẹ là người đau lòng nhất, mà cũng có biết các con như thế đâu. Nên cũng mong các chú công an đứng cạnh cổng trường để cho các em nghiêm túc.

Vâng, một khía cạnh khác là trách nhiệm của gia đình. Ngoài việc bị xử phạt hành chính thì người giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đi tù) nếu người điều khiển xe gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Anh Phùng Văn Tài: Cái này thật tình là tôi cũng chưa nghe, nhưng cha mẹ đã dám giao cho con thì cha mẹ phải nhận hậu quả.

Anh Đỗ Xuân Hùng: Cái này thì bên Sở GTVT  nên kết hợp nhà trường, địa phương. Chắc chắn là họ chủ quan thì mới giao xe cho con em mình đi như vậy. Khi mà xảy ra tai nạn thì khổ cho gia đình và cả những người liên đới hành vi vi phạm đấy. Cha mẹ cần triệt để không cho các con đi xe máy.

Cảm ơn các anh với những chia sẻ cùng VOV Giao thông!