Có một Hà Nội kỳ lạ!

Hà Nội có rất nhiều điều kỳ lạ, cũ kỹ thì là chuyện cuộc sống thị dân ở trong những con ngõ sâu hun hút trong lòng phố cổ, mới hơn thì là những căn nhà siêu méo, siêu mỏng, ma trận số nhà… và thậm chí là cả những dãy phố không có lối vào nhà, muốn vào phải bắc thang trèo qua cửa…

Cứ vài năm, Hà Nội lại có những con đường mới mở và thế là lại ồn ào những vụ việc xưa như sự hình thành của mảnh đất Thăng Long ngàn năm này.

Đó là sự xuất hiện của những căn nhà siêu mỏng, siêu méo ngay mặt phố mới mở, cùng với đó là sự hỗn loạn của số nhà, giữa cũ và mới. Khiến những người muốn tìm đúng địa chỉ cần đến gần như là bất khả thi.

Câu chuyện này quen đến mức, gần đây người dân, thậm chí là báo chí cũng chẳng buồn đề cập đến nữa. Cho dù câu hỏi đặt ra vẫn lơ lửng trên đầu tất cả mọi người, rằng liệu bao giờ Hà Nội mới hết cảnh sau mở đường là lại nhìn thấy những ngôi nhà mới mọc lên với diện tích chỉ đủ vừa nhét bàn chân vào nhà như thế?

Câu chuyện kỳ lạ trong quy hoạch kiến trúc đô thị ở Thủ đô có lẽ còn lâu mới tới hồi kết, nếu không muốn nói là rất khó để nhìn thấy điều gì tốt đẹp khi chứng kiến sự lộn xộn, không giống ở bất kỳ thủ đô nào trên thế giới.

Thỉnh thoảng, tôi cứ mong rằng, vào một ngày đẹp trời nào đó, tỉnh dậy, đi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm và bỗng dưng thấy quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trở nên thoáng đãng, đẹp đẽ như ngày xưa khi toà nhà “Hàm Cá Mập” bỗng dưng biến mất. Một công trình kỳ dị mà người ta đã cho dựng ở nơi đáng ra phải là không gian đẹp nhất của Thủ đô.

Người Hà Nội, ngoài những tiếng tốt đồn xa và đã đi vào thơ ca, hò vè như thanh lịch, nhẹ nhàng, tinh tế… thì có lẽ còn phải đề cao thêm sức chịu đựng và lòng kiên trì. Chả thế mà qua đến hàng thế kỷ, người ta vẫn phải sống và sống được ở trong những con ngõ nhỏ sâu hun hút, quanh năm thiếu ánh sáng mặt trời.

Nhà cửa thì chật chội, lắm nơi còn chẳng kê nổi một cái giường, thậm chí phòng ngủ còn không thể đứng thẳng người. Rồi bao nhiêu thế hệ cùng chung sống trong một căn hộ bé tẻo teo.

Thiếu điện, thiếu nước, thiếu không gian sinh hoạt… thiếu tất cả những thứ tối thiểu cho một cuộc sống gia đình bình thường.

Ấy thế nhưng họ vẫn ở đấy, năm này qua năm khác, hết thế hệ này đến thế hệ khác. Vậy chẳng phải là có lòng kiên trì và tính chịu đựng đó sao?

Con phố không có mặt tiền, muốn vào nhà phải bắc thang

Ở một góc Hà Nội, nơi có cây cầu Long Biên nổi tiếng, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người qua lại nhưng có lẽ ít ai để ý tới. Đó là đoạn dốc xuống cầu bắt đầu từ mặt ga tàu hoả Long Biên. Nơi có khoảng hơn chục hộ gia đình sinh sống hàng chục năm nay ở 2 bên lối dẫn từ cầu Long Biên xuống đường Trần Nhật Duật.

Những căn nhà kỳ lạ khi không có mặt tiền và cư dân ở đây phải vào nhà bằng cách cũng rất kỳ lạ. Mỗi gia đình tự trang bị cho mình 1 cái thang và khi cần thì phải leo vào nhà, chứ không thể đi thẳng từ ngoài đường vào như những nhà bình thường khác.

Bởi, tất cả những ngôi nhà này đều nằm sát hành lang lối dẫn xuống cầu Long Biên và bị phần hành lang này chắn toàn bộ phần cửa ra vào. Khiến những cư dân ở đây muốn ra vào nhà sẽ phải dùng cách kỳ lạ như vừa nói.

Một sự kỳ lạ nữa, đó là việc người Hà Nội luôn thiếu chỗ vui chơi giải trí mỗi dịp cuối tuần hay lễ tết. Vài năm trở lại đây, người Hà Nội có mấy con phố cấm đường vào cuối tuần để cho người ta lên đi bộ. Mỗi dịp cuối tuần như thế, mới thấy người Hà Nội khổ sở như thế nào khi thiếu thốn không gian hít thở. Họ phải chen chúc nhau đi chơi quanh Hồ Gươm, mà cũng chỉ vài chục phút là hết một vòng hồ, không có gì thêm.

Trong khi đó, Hà Nội có rất nhiều công viên với cây xanh, thoáng mát, hồ nước tuyệt đẹp, nhưng chẳng mấy ai vào. Không phải người ta không muốn vào công viên chơi, mà vì sự bất tiện, cũng như có nhiều vấn đề về an ninh…

Thời gian gần đây, có tin rằng thành phố sẽ dỡ bỏ hàng rào công viên cho người dân vào thoải mái mà không phải mất tiền mua vé. Dù vẫn chưa thành hiện thực, nhưng cũng khiến người Hà Nội thêm phần hy vọng có thêm không gian vui chơi giải trí…

Sự kỳ lạ ở chỗ, sao bao nhiêu năm như thế, mà bây giờ chính quyền mới nghĩ ra việc ấy? Và không biết cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu đến bao giờ, để dân Thủ đô được nhờ?

Hà Nội, có nhiều thứ lạ lùng, nhưng nếu sống ở đây đủ lâu, người ta sẽ vẫn phải yêu mảnh đất này, yêu cả những thứ tốt đẹp, tất nhiên, và cả những điều xấu xí…