“Cô bé tí hon” vươn lên từ nghịch cảnh

Nhiều năm qua, bà con ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đã không còn xa lạ với hình ảnh cô bé tí hon Nguyễn Thị Kim Chi hàng ngày ngồi gọn trong chiếc sọt nhỏ gắn trên xe đạp của bà nội để đến trường.

Dù mang trong người căn bệnh xương thủy tinh, không đi lại được, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, nhưng Kim Chi chưa bao giờ có ý định nghỉ học và em học rất giỏi. Với cô học trò nhỏ này, được đến trường là niềm vui. 

Bà Huỳnh Thị Thu gắn chiếc rổ nhựa trên yên sau xe đạp để chở cháu.

PV: Chào Kim Chi, con bao nhiêu tuổi, học lớp mấy rồi?

Con 13, con học lớp 7A6, Trường THCS Vị Thanh.

PV: Mỗi ngày đi học thì bà nội cho con bao nhiêu tiền?

Con ăn ở nhà rồi, không có ăn ở trường. Nội không có tiền.

PV: Chi không đi lại được rồi khi đi học, mình muốn đi qua các phòng để học môn khác hay đi vệ sinh thì làm sao?

Nói với bạn, bạn ra nói với nội.

PV: À, vậy là con đi học, nội đưa đi rồi chờ tan học rồi rước về luôn. Mà nghe nói Chi học giỏi lắm. Con nhớ mình có bao nhiêu tờ giấy khen rồi?

Hai mẫu giáo, năm lớp 1, 2 lớp 6, 

PV: Buổi chiều, con không có đi học, ông bà nội đi hái rau. Chi ở nhà một mình, nếu mà lỡ có đói bụng hay khát nước thì mình làm sao?

Nội làm bình nước sẵn, trà xanh. Nội để bánh.

PV: Chi có thích đi học không?

PV: Cô Thu ơi, tại sao hồi đó, mình nghĩ ra cách để bé Chi ngồi vào cái sọt này để đưa đi học vậy cô? Mình đưa cháu đi học trên xe đạp có cái sọt như vậy, có ai nói ra nói vào gì không cô?

Cô Thu: Tại vì nó đi không được. Năm mẫu giáo cháu nó có cái xe nhỏ. Có cái xe đạp nhỏ xíu. Xe cũ người ta cho. Kêu nó lên dắt bộ đầu vàm này là có lớp mẫu giáo. Xe đó đưa nó tới lớp 3. Có nhiều người người ta nói vầy nè "Nó học để nó làm ông này bà kia, nó làm cái gì mà đưa nó đi học".

PV: Rồi khi nghe những lời như vậy, cô nghĩ sao?

Cô Thu: Ai ở trong cảnh này mới biết thôi. Cháu tôi nó đã như vầy, quá thiệt thòi, chỉ có đi học mới làm niềm an ủi lớn nhất của bé rồi tôi cố gắng. Ai nói gì nói kệ. Miễn cháu nó vui vẻ, vô tư nó sống với tôi là được.

Không sao hết trơn, có gì ăn nấy, ễn nó đừng đau ốm bệnh hoạn, tôi đưa nó đi học suốt luôn đó. 3 tháng hè có thể nó đi tới bác sĩ khoảng 10 lần, nhưng mà chín tháng học, không đi 1 lần nào luôn. Nó lên trường nó rất vui vẻ, phấn khởi lắm. Nó cũng có nhiều bạn bè hâm mộ lắm. Mấy chị lớp 8,9 sinh nhật cũng tặng quà, tặng gấu bông cho nó. Trung thu cũng cho bánh, nhiều khi quyên góp lại mua sữa cho bé nữa.

Mấy cô, thầy quan tâm dữ lắm luôn. Hoàn cảnh vậy không biết lo nổi không. Cháu nó không chịu nghỉ. Thầy cô ai thấy cũng lật đật qua coi rồi cũng quyên góp cho sữa, cho tiền, tập. Thầy hiệu trưởng quyên góp cho bé mỗi tháng được ít trăm để đỡ cho bà nội. Nhờ vậy mà lây lất tới năm nay là năm lớp 7.

PV: Động lực nào để gia đình vượt qua khó khăn, quyết tâm đưa Chi đến trường vậy cô?

Cô Thu: Nhà con cái cũng đông, thành thử ra tôi thất học. Tôi sanh ra cha nó, tôi nghèo nữa. Tôi không cho nó đi học được. Bây giờ nó học giỏi quá, cho nên tôi ráng cố gắng, đưa nó đi học coi nó tới đâu.

Hơn nữa, tuổi tôi cũng đã lớn rồi, tôi mà có cái gì trước nó thì nó sống sao. Cho nó học để chừng nữa thầy cô có giúp nó được ngành nghề gì dành cho nó, tôi cũng an tâm phần nào.

PV: Thấy Chi ham học như vậy, cô có mong ước gì cho em nó không cô?

Cô Thu: Thấy nó thiệt thòi quá đi. Tôi ráng. Nó chỉ ước nguyện được đi học. Tôi làm đúng theo cái nguyện vọng của nó rồi sao này nó có ra sao nó cũng không hận mình. Mình cũng mãn nguyện luôn.

Mấy thầy cô cũng nói gửi nó vô trường khuyết tật, chế độ cao lắm. Nhưng mà nó nói vầy nè, ai nói gì nói nghe nội, nội gửi con là con chết á. Lỡ rồi bà nội nuôi con tới già, không có gửi con ở đâu hết. Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo.

Cũng lo lắm, nhưng mà tôi nghĩ nếu mình lo quá thì mình sanh bệnh, thôi vô tư đi, khỏi lo khỏi rầu gì hết, yêu cầu cháu nó cười là mình cười đi.  

PV: Cảm ơn bà và Chi với những chia sẻ vừa rồi!

Ảnh: Người lao động

"Thấy nó học giỏi. Khuyết tật từ nhỏ tới lớn. Chịu học, ham học lắm. Bà nội đưa đi rồi rước về, ăn uống cũng bà nội lo. Ngồi trên cái rổ đó. Đâu có ngồi lên xe ấy được đâu, ngồi bà nội chở đi vậy đó".

"Thấy bà nội nó chở có khi đi lủi nhàu đầu luôn đó, có khi thì mắc mưa ướt hết trơn, ráng chở cho nó đi học, học giỏi. Thấy thương lắm, cho tiền hoài, cho lần 50.000 - 100.000, mình già không có tiền cho ít, bà nội nó không chịu lấy, bà nói lấy mua quần áo cho em đi".

Đó là những lời chia sẻ của bà con lối xóm và của những người biết đến câu chuyện của cô bé tí hon Nguyễn Thị Kim Chi. Theo bà nội của Kim Chi, lúc mới sinh, có bé cũng phát triển bình thường như các bạn cùng trang lứa khác nhưng khi lên 6 tuổi, em chậm lớn rồi từ từ cơ thể yếu dần và không thể đi lại được. Dù nỗ lực tập luyện, nhưng sau những lần như vậy, chân em đau nhức không ngủ được nên đành từ bỏ.

Ba mẹ em chia tay nhau khi em hơn 2 tháng tuổi. Thương cháu, ông bà nội dù khó khăn những cũng ráng cưu mang. Tuổi thơ của Chi lớn lên cùng tiếng rao hàng của nội. Nhà nội Chi không có đất sản xuất, hàng xóm thương tình cho mượn khoảng đất trống trồng rau. Ông bà vừa hái rau, bắt cá đắp đổi qua ngày với nguồn thu nhập ít ỏi.

Bà Thu kể: "Bữa nào có dưa leo thì 70,80. Bữa nào không có dưa leo thì 30, 40. Hết trơn đống đọt lan này có 20 ngàn nè. Rau muống đó chừng 20,25 ngàn hà. Có đám côn với thả lưới cá mè dinh đó."

Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng ông bà nội của Chi luôn dành những điều tốt nhất cho cháu gái của mình. Nhà cách trường hơn 2 cây số. Đến kịp giờ học, 2 bà cháu phải thức dậy từ sớm. Hành trang đến trường của 2 bà cháu không chỉ có cặp sách mà còn có cả mấy bó rau, mấy ký dưa leo, nguồn sống chính của gia đình.

Bà Thu tâm sự: "Cái rổ này tôi chở nó là 7 năm rồi, 3 cái. Dây này cột, mỗi một cọng là 1 bọc rau, tôi treo rau vòng vòng đây. Ở trước là cặp với nước của nó. Bắt đầu từ thứ 2 tới thứ 7 là treo vầy không. Lên trường rồi mấy cô, mấy dì ở gần đó bán bánh mình, dưa leo người ta lấy 1 bọc bọc hết trơn. Có người bán 2kg 15 ngàn, người ta lấy 1 bọc trả 10 ngàn luôn. Thối người ta không lấy".

Thương cho hoàn cảnh gia đình, khâm phục nghị lực của cô bé tí hon, những bó rau, trái dưa leo luôn được bà con xóm giềng và thầy cô trong trường Chi theo học ủng hộ. Có người thấy thương hoàn cảnh mà còn cho thêm tiền mua sữa, mua bánh cho bé Chi. Cứ như vậy, suốt 13 năm qua, có bé Kim Chi lớn lên trong tình thương của ông bà nội và bà con xóm giềng cùng những nhà hảo tâm.

Bà Thu chia sẻ: "6 giờ sáng, thức dậy, chuẩn bị cho bé nó ăn một chén cháo rồi 6 giờ 20 bắt đầu mình đi. Đi lên trển bắt đầu ngồi đợi, coi cháu có qua phòng không để  ẵm. Mọi sinh hoạt của cháu mình đều đưa cháu đi. Buổi chiều cháu không có học thì mình đi hái rau. Treo mấy cái sọt đó, nó ngồi đó kiếm ít chục ngàn cho cháu ngày đó. Đất trồng thì người ta cho mượn rồi, gạo thì nhà từ thiện, hảo tâm, ai phát cũng cho tôi hết trơn".

Chi vào lớp, bà Thu cũng không dám nghỉ ngơi, bà dắt xe đạp vòng vòng đi bán rau, rồi nhặt ve chai kiếm thêm chút đỉnh. Tuy vất vả là vậy, nhưng ông bà nội Chi chưa bao giờ nghĩ sẽ cho cháu nghỉ học.

Chia sẻ về quyết định của mình, bà Thu trải lòng: "Đưa nó đi học là niềm vui của nó, tôi cũng ráng cố gắng. Vái trời cho nó có sức khỏe để tôi đưa hoài cho nó đi học. Thấy cháu nó vui vẻ là mình hạnh phúc. Cháu nó học giỏi nữa, cuối năm lãnh giấy khen là tôi quên hết công cực khổ đưa nó đi học".

Thương ông bà nội vất vả, chắt chiu để mình được đến trường, dù sức khỏe yếu nhưng Chi luôn cố gắng học thật giỏi để ông bà vui. Trong căn nhà nhỏ, không còn lạnh lặn, những tấm giấy khen, tiếng đọc bài của Chi luôn là niềm tự hào của bà Thu và chồng.

Chi kể với chúng tôi, em ham học lắm. Em mơ ước có một ngôi nhà để ông bà nội không bị ướt vì mưa dột, em cũng mong ông bà nội khỏe mạnh, mong mình sẽ được học tiếp để lớn lên thành cô giáo hay bác sĩ để trả hiếu cho ông bà. Với nhiều bạn nhỏ, những ước mơ đó rất bình thường, còn riêng với Kim Chi, để làm được những điều đó, em phải nỗ lực rất nhiều. Mong rằng với nghị lực vượt khó và tình thương của ông bà nội và mọi người, nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với cô học trò nhỏ Kim Chi.

---

Theo thông tin mới nhất mà VOV Giao thông nhận được, Kim Chi, cô học trò nhỏ của chúng ta giờ đây không còn phải lo nhà dột khi mưa lớn nữa vì khi biết hoàn cảnh và muốn động viên tinh thần học tập của em, một mạnh thường quân đã hỗ trợ chi phí để ông bà nội Kim Chi có được ngôi nhà lành lặn che mưa, che nắng. Kim Chi cũng an toàn hơn khi ở nhà một mình. Cuộc sống gia đình đã bắt đầu bước sang trang mới.

Anh Bùi Văn Hồ và anh Một Đồng tính toán chi phí sau khi hoàn tất căn nhà và vật dụng cho gia đình để bàn giao nhà.
Căn nhà mới do mạnh thường quân tài trợ cho gia đình Kim Chi đã hoàn thành.

Hy vọng rằng khi câu chuyện về nghị lực của Kim Chi được lan tỏa, sẽ là nguồn cảm hứng, niềm khích lệ cho tất cả mọi người. Dẫu cuộc sống phía trước còn nhiều những gian nan, nhưng nếu nỗ lực hết mình và nhìn về phía trước, chúng ta sẽ gặp những điều tốt đẹp./.