Chuyện xưa, voi ở miền Tây

“Chiều chiều vịt lội cò bay/ Ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng”, điệu hát ru Nam Bộ man mát nhắc về một thời mà ĐBSCL từng là nhà của những con voi to lớn.

Những đàn voi đồng bằng đã ghi dấu một phần quan trọng trong công cuộc mở đất của các bậc tiền nhân mà đến nay vẫn còn nhiều câu chuyện được lưu truyền.

Nhiều tài liệu ghi lại rằng, khác với voi của vùng rừng núi, voi ở đồng bằng quen sống ở nơi ngập nước, nhất là nơi có các cánh đồng sậy, vì đây là thức ăn khoái khẩu của chúng. Voi ở đây được bà con gọi là Ông Tượng, Ông Voi và có những đặc tính riêng.

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng, vùng đất Ngã Bảy - Phụng Hiệp xưa được xem là vương quốc của loài voi, với những bầy lớn lên đến hàng trăm con. Trong cuốn “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca”, cuốn ký sự hành trình bằng thơ của Nguyễn Liên Phong ra mắt năm 1909 đã thuật lại sự việc, con người của xứ Nam Kỳ. Trong sách này, tác giả đã đề cập đến sự hiện diện của loài voi ở vùng đất đồng bằng.

Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng chia sẻ thêm: "Cái vùng Ngã Bảy, Phụng Hiệp từng là vương quốc của loài voi. Đến đầu thế kỷ XX thì vùng Phụng Hiệp, Ngã Bảy nằm trong làng Phụng Hiệp, tổng Định Hòa. Cuốn sách xưa nhất xuất bản năm 1909 tựa sách là Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca nói về vùng Phụng Hiệp xưa nhất. “Rừng sậy phần tổng Định Hòa, 13 thôn xã, xứ mà lắm voi”. Từ từ cái kết của bài đó là “Lâu lâu ăn ở đã an, giậm bờ đạp lúa, cả làng hàng trăm”. Tức là cái vùng này là hàng trăm con voi"

Coi voi ngày nay- Ảnh Báo Lao động

Lý giải về việc vùng đất Ngã Bảy từng được xem là “vương quốc voi”, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng cho rằng chính vì điều kiện tự nhiên phù hợp với loài vật này. Những con voi từ ền trên vào mùa nước nổi đi dọc sông Hậu ghé Ngã Bảy. Hồi ấy, nơi đây có một cánh đồng sậy, hoang vu, to lớn: "Một con voi nặng 1 tấn, một ngày ăn 200kg sậy, uống 200l nước. Vùng Ngã Bảy, Phụng Hiệp ngày xưa thỏa mãn nhu cầu của đàn voi cỡ vài ba trăm con cho nên voi ở đây sinh con đẻ cháu. Cho nên chúng ta mới nói tới loài voi là đất này là đất của con voi. Và do voi đi tới đi lui tập trung ăn, ở, uống nước cho nên hợp thành một cái vùng nước trũng, bây giờ gọi là cái bưng"

Trong nhiều tác phẩm của nhà văn Sơn Nam cũng từng nhắc tới sự có mặt của loài voi ở vùng đất Nam Bộ. Chúng gắn bó với các bậc tiền nhân thời mở cõi. Những địa danh như Bưng Tượng, Lung Tượng, Láng Tượng... còn tồn tại đến ngày nay càng nh chứng rõ hơn điều đó. Tại xã Ðại Thành, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang ngày nay vẫn còn địa danh Bưng Tượng. Những bậc cao niên tại đây cho biết, sở dĩ có tên gọi này là vì xưa kia, đây là nơi voi nằm vùng thành cái bưng lớn.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, kể: "Sau năm 1975 người ta làm thủy lợi ở vùng Ngã Bảy, Phụng Hiệp phát hiện rất nhiều răng voi, xương voi. Có nơi phát hiện cả bộ xương lớn. Dài tới vùng Phụng Hiệp, lúc Sở Văn hóa Cần Thơ làm căn cứ tỉnh ủy thì có phát hiện bộ xương voi. Ở chỗ lung Ngọc Hoàng có câu chuyện về ông voi một ngà.

Vì sao có Lung Ngọc Hoàng, mấy trăm con voi nó quậy riết, đất lún xuống, nước trũng sâu, ngập nước quanh năm từ 2 thước bình quân thì thành lung. Voi là sinh vật, biết đâu nhờ kế thừa di sản đàn voi mà các thế hệ người Ngã Bảy đã gầy dựng nên cơ đồ, sự nghiệp như ngày hôm nay. Voi là một linh vật cho nên chúng ta kế thừa. Voi đã nhường bước cho loài người trên cùng đất Ngã Bảy này cho nên mới tạo cơ hội để chúng ta phát triển kinh tế đến ngày hôm nay"

Chợ Nổi Ngã Bảy xưa - Ảnh thamhiemmekong.com

Năm 1901, xáng đào con kinh nối Phụng Hiệp tới Sóc Trăng; rồi sau đó, kinh Quan Lộ nối Cà Mau lên Phụng Hiệp gấp rút được xáng đào và hoàn thành; năm 1915, quận lỵ Rạch Gòi dời về Ngã Bảy - Phụng Hiệp, gọi là quận Phụng Hiệp, hình thành giữa đồng sậy hoang vu... Sự phát triển nhanh chóng của Ngã Bảy - Phụng Hiệp cũng khiến loài voi tuyệt tích một cách mau chóng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, kể: "Đến đầu thế kỷ 20 nó vẫn còn tồn tại. Cho nên khi Ngã Bảy hình thành, đào 7 ngã kinh, tức là lúc đó voi cũng nhường bước cho loài người, mới có Ngã Bảy hôm nay. Nhưng mà dù sao tôi nghĩ đó cũng là đặc trưng của lịch sử vùng đất của cội nguồn. Cái sinh vật voi mà nó sống là nó tìm đất sống của nó. Thí dụ như Ngã Bảy là cái rừng sậy mấy chục ngàn ha thì mới nuôi nổi bầy voi mấy trăm con. Còn ít đất quá, voi nó đâu có ở. Nhưng dù sao quá khứ đó nó trở thành một kỷ niệm mà chúng ta phải cảm ơn loài voi đã nhường bước cho con người để có thành phố Ngã Bảy hôm nay"

Theo dòng chảy của thời gian, dấu tích về voi ở vùng Ngã Bảy - Phụng Hiệp xưa không chỉ còn trong lời kể hay sách vở mà còn là những chiếc răng voi, đang được Bảo tàng TP Cần Thơ sưu tầm, bảo quản. Tất cả đã cho thấy sự hiện diện của loài vật to lớn này ở vùng đất Nam Bộ xưa. Tìm về chuyện chưa không chỉ là cách để chúng ta hiểu thêm về một thời khẩn hoang của các bậc tiền nhân mà còn hun đúc thêm tình yêu với quê hương sông nước ền Tây.