Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác.

Không chỉ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của ĐBSCL, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học với nhiều hệ động, thực vật phong phú đặc trưng của vùng sông nước ền Tây.

Chưa dừng lại ở đó, vùng đất này còn chứa đựng trong nó bề dày lịch sử gắn với thời cha ông khai khẩn đất hoang.

Cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 50km về hướng Nam, cách chợ nổi Ngã Bảy, Phụng Hiệp khoảng 15km, đường bộ có một cánh đồng bao la, nhiều huyền thoại: Đồng Phương Ninh thuộc huyện Phụng Hiệp và một phần thị xã Long  Mỹ,  tỉnh Hậu Giang.

Trong cánh đồng này, có một vùng đất lung mênh mông, sâu thẳm gọi là Lung Ngọc Hoàng. Gọi là “lung” vì đồng trũng, sâu. Đây là cánh đồng chó ngáp, đầy muỗi mòng, đĩa, vắt ngập nước quanh năm. Mùa khô nơi cạn nhất là 30cm,  mùa nước nổi ngập tới đầu người. Có lẽ đây là một trong những vùng đồng trũng, sâu nhất đồng bằng sông Cửu Long.

Khu Bảo tồn Lung Ngọc Hoàng - nơi bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dạng độc đáo nhất cả nước hiện nay, được mệnh danh là "lá phổi xanh" của ĐBSCL (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Trên chiếc vỏ lãi từ sông Hậu Giang 3 rẽ sóng vào Lung Ngọc Hoàng, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác với những cánh rừng tràm bạt ngàn, rộn rã tiếng chim. Lung rừng ngập nước huyền ảo, mơ hồ trong màn sương la đà trên những đầm sen, tán dừa nước hoang dại.

Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác.

Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, cho biết: "Cách gọi của dân Nam Bộ mình, trường hợp vậy hay gọi là lung trời xanh, lung trời cho, từ trời đọc chạy riết nó ra vậy. Lung Ngọc Hoàng khá lớn, hoàn toàn nước ngọt suốt quanh năm".

Soạn giả Nhâm Hùng, nhà nghiên cứu lịch sử ền Tây Nam bộ cho biết, từ thời khẩn hoang ở triều Nguyễn đến trước khi người Pháp đào cụm kinh Ngã Bảy, TP.Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang ngày nay, kênh Lái Hiếu xuyên qua Lung Ngọc Hoàng tới Phương Bình rồi nối liền rạch Cái Nai, sông Cái Lớn đổ về Biển Tây.

Một vùng đất trũng giáp nước Biển Đông theo sông Hậu và Biển Tây theo sông Cái Lớn là những cánh đồng sậy hoang vu thuộc tổng Định Hòa (Cần Thơ) chạy dài đến phía tây, thuộc tổng Thanh Giang (Rạch Giá).

Sau này, người Pháp gọi là đồng Phương Ninh. Trong đồng Phương Ninh có vùng ngập nước sâu hơn, dân gian gọi là Lung Ngọc Hoàng.

Trong quyển “Tìm hiểu Đất và Người Hậu Giang”, do Soạn giả Nhâm Hùng biên soạn có đoạn viết: “Không biết từ khi nào và ai đã đặt tên cho vùng đất này là Lung Ngọc Hoàng nhưng nhiều bậc cao niên kể lại cho rằng: Vùng lung này do trời tạo nên, mà trời là Ngọc Hoàng nên kêu riết thành danh. Là vùng lung - rừng nên đâu có mấy người về đây lập nghiệp.

Vậy mà, các vị cao niên cho rằng, cách đây trên 120 năm đã có người sinh sống. Đến giữa thế kỷ trước, một người bám ở lâu đời nên người ta gọi là “ông ba Thần Tiên”. Người thần tiên ở Lung Ngọc Hoàng quả là lý thú. Con sông Cái Lớn xuyên qua tỉnh Kiên Giang – Hậu Giang ở sát mép lung này, đoạn thuộc xã Long Bình, thị xã Long Mỹ”.

Hàng trăm năm trước, nơi đây là khu rừng tràm bạt ngàn, nối liền cánh đồng sâu hoang vu thuộc phần đất giáp thị xã Tân Hiệp -  Ngã Bảy ngày nay. Đến thời Pháp thuộc, nhiều địa chủ vào phá rừng, trồng lúa và bị thất bại vì độ phèn mặn cao, canh tác sẽ bị thua lỗ.

Ngay sau giải phóng, diện tích chung của cánh đồng Phương Ninh khoảng 6.000ha, riêng vùng Lung Ngọc Hoàng đến 300ha. Tại đây, trước ngày giải phóng có người đến khai thác cá đào 3 cái đìa lớn nên người ta quen gọi là Lung Ba Đìa. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Trong thời chống Mỹ cứu nước, do địa hình hiểm trở, lầy lội - Đồng Phương Ninh, Lung Ngọc Hoàng trở thành khu căn cứ cách mạng của huyện ủy Phụng Hiệp,  huyện ủy Long Mỹ và một số đơn vị của Tỉnh ủy Cần Thơ, tiểu đoàn Tây Đô, Khu ủy Khu 9.

Đối với Mỹ-ngụy thì đây là vùng oanh kích tự do, điểm tập bắn pháo binh, máy bay trực thăng. Ngoài ra, để phá trụi địa hình chúng  dùng bom Napal đốt đồng, dùng máy bay B52 trải thảm. Thế nhưng, quân dân nơi đây vẫn dũng cảm “một tấc không đi, một ly không rời’, vẫn bám trụ sản xuất, chiến đấu, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng.

Sau ngày giải phóng, cánh đồng Phương Ninh được khai hoang trồng lúa, năm  1977 nhà nước thành lập Nông trường Phương Ninh với 5.100ha bao quanh Lung Ngọc Hoàng. Do cây lúa sống không nổi trên đất lung, nên năm 1984, nông trường được chuyển thành lâm trường, diện tích thu hẹp lại.

Đến nay, đã trồng được 1.500ha rừng tràm, kết hợp nuôi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái. Rõ ràng, từ khi trở về với quy luật tự nhiên, vùng lung - rừng tràm Phương Ninh xanh tốt lên, hệ sinh thái thực vật, động vật phong phú, phát triển trở lại.

“Năm 1999, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đi thị sát bằng trực thăng bay ngang lâm trường đã rất bất ngờ trước khu rừng xanh tốt vốn là vùng căn cứ cách mạng xưa. Năm sau, ông về thăm lâm trường rồi căn dặn trên tỉnh cần làm khu bảo tồn, làm lá phổi xanh cho vùng tây sông Hậu. Không lâu sau, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng.

Ông Trần Bé Em, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, cho biết: "Khu bảo tồn này được thành lập trên nền tảng lâm trường Phương Ninh ngày xưa. Năm 1999, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có về đây và thấy cánh rừng này đẹp thì Cố Thủ tướng mới chỉ đạo cho Tỉnh ủy Cần Thơ lúc đó phải thành lập được khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Theo các tuyến bờ, trục lộ giao thông ở trong rừng này thì tụi tui có bổ sung một số cây bản địa".

Với diện tích khoảng 2.800 ha, Lung Ngọc Hoàng là nơi bảo tồn hơn 500 loài thực vật, động vật, trong đó có một số động vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam và nhiều dược liệu quý hiếm. Lung Ngọc Hoàng được mệnh danh là "lá phổi xanh" của ĐBSCL.

Ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Đây là khu vực rất là độc đáo về hệ sinh thái đất ngập nước ngọt của vùng chuyển tiếp bán đảo Cà Mau, do đó hệ sinh thái nhất là động vật, thực vật nơi đây rất là đa dạng và thứ 2 nữa là Lung Ngọc Hoàng là rốn của ĐBSCL là nơi thấp nhất, xưa kia nơi đây có rất nhiều lung và lung rất là lớn và sâu trong đó có những cái lung thì người ta gọi là Lung Ngọc Hoàng, lsy do quá rộng.

Xưa kia về đây người ta có câu là “Công danh chi nữa mà chờ, về kinh Long Phụng đặt lờ nuôi em”, thể hiện sự phong phú, đa dạng sản vật nơi đây từ những tiền tích như vậy người dân cũng di cư lập nghiệp về đây, hiện nay dân khu vực này cũng ở khá đông".

Với những lợi thế mà hiếm có nơi nào có được, Hậu Giang đang tập trung khai thác tiềm năng du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng gắn với bảo tồn bền vững thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh một cách lâu dài, bền vững với tiêu chí không làm thay đổi hiện trạng, bảo đảm sự hài hòa, thân thiện với môi trường tự nhiên.