Chuyện về xóm đũa gần nửa thế kỷ

Về huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hỏi thăm xóm đũa Tân Long hầu như ai cũng biết, bởi đây là xóm làm đũa tre có tuổi đời hơn 40 năm.

Trải qua bao thăng trằm, nghề làm đũa ở đây vẫn tồn tại và phát triển cho ra đời những đôi đũa thấm đẫm hồn quê phục vụ bữa con cho những gia đình khắp nơi. Mỗi dịp Xuân về, xóm nghề lại tất bật vào mùa sản xuất mới.

Về ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp những ngày cuối năm, theo chỉ dẫn của bà con địa phương, chúng tôi không khó để đến được xóm đũa Tân Long, nơi hơn 40 năm qua vẫn cần mẫn làm nên những chiếc đũa tre truyền thống cung cấp cho thị trường.

Đũa tre ở Tân Long được sản xuất hoàn toàn thủ công

Theo lời nhiều người thợ của xóm nghề, bà Mai Thị Ngân là người có công khởi xướng nghề làm đũa quy mô lớn ở Tân Long. Bà Ngân là dân gốc Cái Răng, thành phố Cần Thơ, học nghề làm đũa từ mẹ mình lúc còn con gái. Sau ngày đất nước thống nhất, bà theo chồng về Tân Long và mang theo nghề làm đũa gia truyền. Lúc trước, bà Ngân chuyên làm đũa cau, sau này thấy cây tre vừa rẻ, vừa nhiều nên chuyển sang vót đũa tre.

Thấy nghề vót đũa không khó, nhiều chị em trong xóm bắt chước học theo, chủ yếu để có đũa dùng trong gia đình khỏi phải mua tốn tiền. Nhưng rồi, có nhiều người tìm đến hỏi mua, tiền thu nhập mỗi ngày cũng không ít.

Từ đó, nghề vót đũa được lan truyền rộng rãi và trở thành nghề truyền thống xứ Tân Long cho đến tận bây giờ. Lúc cao điểm có đến 60 hộ cùng làm với hàng trăm lao động. Thương lái đến tận nơi đặt hàng, vận chuyển ngày đêm, đũa làm ra bao nhiêu, bạn hàng đếm hết bấy nhiêu.

Chia sẻ về xóm nghề, bà Liêu Thị Lài, một trong những người thợ đầu tiên của xóm nhớ lại: "Làm năm nay cỡ 40 năm rồi. Mần cực lúc đốn tre, mua tre cực chứ về nhà ngồi mần thì thoải mái, mần chừng nào đau lưng thì nghỉ. Đốn tre 1 lần mấy trăm cây vậy đó, kéo lên mần từ từ".

Những người thợ ở đây kể lại rằng, theo phong tục, một số nơi người dân cúng kiếng ông bà mâm cơm cuối năm nhất thiết phải toàn bằng đũa tre mới. Tuy nhiên, người ta kiêng kỵ không để tiền ra vào đầu năm nên trước 30 tết sẽ đi mua đũa tre. Chính vì vậy mà mấy chục năm qua, cứ đến thời điểm này là xóm nghề lại sáng đèn nhộn nhịp từ 4 giờ sáng đến tận hơn 10 đêm.

Ở xóm đũa Tân Long, nghề được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có người làm đũa khi chưa lập gia đình, đến nay đã trở thành ông, bà với mái tóc pha sương. Cũng có người ở vùng khác, lập gia đình về đây sinh sống rồi bắt đầu học nghề và làm theo. Chị Võ Thị Kiều Khoa là trường hợp như vậy. Theo chồng về xóm đũa Tân Long, thấy thích công việc này, nên chị quyết tâm học làm.

Chị Khoa bày tỏ: "Mình cưa rồi quay lại mình chẻ, bào đủ thứ hết trơn nên cái này nó nặng, cực nữa mà đỡ có cái là biết làm cái này mình khỏi đi làm mướn, khỏi ra mưa ra nắng, ở nhà mát nè. Em làm quanh năm luôn".

Đũa tre Tân Long được làm thủ công từ tre xiêm. Loại tre có lóng dài, đặc ruột nên ít mối mọt, sử dụng bền. Để có được chiếc đũa tròn đều, suôn phụ thuộc rất lớn vào đôi tay khéo léo của người bào. Đũa bào xong đem phơi khoảng 7 nắng là có thể đem đi tiêu thụ. Nghề làm đũa vì thế giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều người dân địa phương. Nhờ nghề làm đũa, bà con ở đây có đồng ra đồng vào, nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn.

Đũa tre Tân long không dùng hóa chất mà có màu tự nhiên của tre

Bà Nguyễn Thị Liễu, người thợ có thăm niên trong nghề, chia sẻ: "Tôi làm chắc cỡ 30 năm rồi, 30 năm có trên, tại giờ tôi 65 tuổi rồi. Tôi mần. Tôi mần từ hồi 20 mấy tuổi tới giờ mà điều không có mần sòng nha. Cấp lúa mùa là tôi đi ruộng làm mía. Hết mùa ruộng thì về làm cái này. Nhiều người làm lắm".

Nghề làm đũa không kén lao động từ người già cho đến trẻ nhỏ đều có thể làm được. Một người thợ giỏi mỗi ngày có thể làm được từ 700-1 thiên đũa là chuyện bình thường. Chị Võ Thị Kiều Khoa kể tiếp: "Có người rọc á he là một ngày tôi bào được 1 thiên á, là 1.000 đôi. 5 công đoạn, đó là: cưa, chẻ, rọc, bào, mứt đầu, mình đem ra phơi nắng thành chiếc đũa mới bán được. Bào này là nhiều người không biết bào luôn á. Vòng vòng đây người ta không biết bào nhiều lắm luôn. Không biết đường bào, cho ăn, nó nặng, nó nhẹ. Thấy vậy chứ khó lắm chứ không giỡn đâu".

Vì được làm hoàn toàn thủ công, không sử dụng bất cứ loại hóa chất hay phẩm màu nào nên đũa Tân Long là ra đến đâu được người ta đặt hàng đến đó. Từng đôi đũa làm ra người thợ đều dùng cả tâm huyết. Chiếc đũa đặc, tròn đều, phơi đủ nắng, xài càng  lâu càng lên nước bóng đẹp. Để bảo quản đũa được bền, chắc, chị Khoa chia sẻ bí quyết: "Mua về không cần làm gì trơn, yêu cầu quan trọng là tre xiêm nó già là không có bị gì hết trơn. Không xài, giả tỉ số nhà ăn 10 đôi, mình lấy ra 10 đôi, còn bao nhiêu bỏ trong tủ lạnh, lấy ra vàng hực luôn chứ nó không bị gì hết trơn".

Từng có quãng thời gian dài, đặc biệt vào năm 1999 và 2000, xóm đũa này phải lao đao, điêu đứng vì sự cạnh tranh của các loại đũa có nguồn gốc ngoại nhập. Nhiều hộ phải ngưng sản xuất để chuyển nghề. Chưa dừng lại ở đó, một số cơ sở sản xuất đũa tre áp dụng kỹ thuật phun màu, phun sơn, ướp màu để tăng độ bóng láng nhưng rất độc hại lại một phen đẩy làng đũa Tân Long đứng trước nguy cơ mai một.

Điều đáng mừng, sau đó xóm đũa đã có sự đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ, giữ gìn thương hiệu đã gắn bó hơn 40 năm qua. Tất cả nỗ lực ấy đã được đền đáp thỏa đáng khi đũa Phụng Sơn B lại có mặt nhiều hơn trên thương trường và được người tiêu dùng quay lại sử dụng.

Trải qua thăng trầm gần nửa thế kỉ, về xóm nghề giờ đây, không khí lao động hối hả vẫn còn đó nhưng sự nhộn nhịp đã ít dần. Những người thợ xưa đã số thì lớn tuổi, số nghỉ hưu, còn những người trẻ cũng có nhiều lựa chọn riêng. Dẫu vậy, với những ai mê nghề, mọi người vẫn luôn động viên nhau giữ nghề đũa truyền thống, để mỗi dịp Xuân về, xóm đũa Tân Long lại nhộn nhịp tiếng bào tre, chẻ tre mang đến cái Tết no ấm, hạnh phúc cho các gia đình.