Chuyện về “túi cá đồng” U Minh Thượng

U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang xưa nay được biết đến là một trong những khu vực rừng đầm lầy than bùn quan trọng còn sót lại của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều loại động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ đang được nuôi dưỡng, bảo tồn. Chốn U Minh Thượng khi xưa vốn hoang hóa, trời phú cho vùng đất này nhiều sản vật tự nhiên, đặc biệt là cá. Tuy nhiên qua thời gian, để nhường chỗ cho sự phát triển kinh tế, cá đồng trong tự nhiên dần vơi đi và chỉ còn là kỷ niệm trong ký ức người dân xứ U Minh.

Đặt vó bắt cá ở xứ U Minh Thượng

Thời khẩn hoang lập ấp, cây cối um tùm chen nhau vươn cao che khuất cả nắng trời khiến vùng đất U Minh chìm trong vắng lặng, âm u. Cũng vì thế cái tên U Minh được người xưa đặt cho vùng đất này.

Đất rừng U Minh được chia làm hai vùng và ngăn cách nhau bằng dòng sông Trẹm, U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang và U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau. Cả 2 vùng đất này đều có hệ sinh thái tương đồng và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn sinh quyển.

Ngày còn hoang hóa, giữa chốn “rừng thiêng nước độc”, người dân vùng đất U Minh Thượng sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau, chủ yếu là đánh bắt và khai thác trong tự nhiên. Cho đến ngày nay những nghề mưu sinh ấy vẫn còn được lưu truyền như nghề gác kèo ong, nghề nghe cá thở…

Thời ấy, con cá đồng là sản vật thiên nhiên xuất hiện thường nhật trong bữa ăn của người dân xứ U Minh Thượng. Bà Lê Thị Ba, một bậc cao niên kể lại, cá đồng xưa kia nhiều vô kể, ít nơi nào sánh bằng. Khi ấy đất rộng người thưa và môi trường tự nhiên ít chịu tác động từ bên ngoài, cá đồng mặc sức sinh sôi, nảy nở trở thành một nguồn sống và thu nhập của người dân nơi đây. Cá đồng xứ U Minh Thượng thường có vào thời điểm tháng giêng, nắng hạn.

Lúc bấy giờ người dân đi rừng, đi rẫy chỉ cần vài bước là có rau, vài thao tác đơn giản là đầy cá cho một bữa cơm chiều: “Ở đây hồi đó cá nhiều lắm, tới hạn mà nằm trên bờ là nghe dưới sông cá quợn đục nước. Cá có nhiều là từ tháng 10 lúc nước rút. Ngày đó đặt cái lờ xong khi  lấy lên là phải lấy tay bợ bên dưới vì cái lờ mỏng mà cá thì quá nhiều.”

Người dân xứ U Minh Thượng khi xưa sống cùng cây lúa và con cá đồng. Sau mỗi vụ lúa, vào tháng giêng sẽ là mùa mà người dân thu hoạch cá đồng để kiếm thêm thu nhập và dành ăn trong dịp tết cổ truyền. Đây cũng là dịp làng xóm xôm tụ, thắt chặt tình nghĩa xóm giềng.

Người lớn, người già và thậm chí trẻ con trong xóm lúc bấy giờ ai cũng thạo cách giăng lưới, đặc biệt là tát đìa bằng gàu dây. Khi đó trong xóm nhà ai cũng có 1 đến 2 cái gàu dây để dành khi tát đìa. Gàu dây được người dân xứ U Minh Thượng đốn tre làm tỉ mỉ chắc chắn.

U Minh Thượng có hệ sinh thái đa dạng, phong phú

Bà Lê Thị Ba kể lại, vào mỗi vụ bắt cá đồng, tiếng cười, tiếng nói đan xen với tiếng tát nước vang trời tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp, báo hiệu cho một vụ bội thu cá của người dân ệt U Minh: “Tát gàu dây mỗi người một bên, dây mà đứt là té ngửa ra sau, cắm đầu, cắm cổ…Hai người phải ngồi 2 bên dựt dây nghĩ lại cũng nhàn. Lấy cái ghế ngồi rồi mình theo cái chiều muốn tát, rồi mình quăng cái gàu xuống chờ nước chảy vào rồi mình kéo qua bên kia. Tát một đìa vậy là mấy ngày luôn. Thấy ham lắm, tát đìa gần cạn là thấy cá nhiều quậy thấy ham.”

 Bà Ba cho biết thêm, ngày đó cá đồng nhiều đến mức ăn không hết phải đào hố để chôn. Bởi lúc bấy giờ, với cá đồng, người dân chỉ biết chế biến những món ăn đơn giản. Về sau, cá sau khi thu hoạch người dân xứ U Minh Thượng mới sáng tạo làm khô và ủ mắm để bán và ăn dần. Cũng vì thế các loại khô và mắm nổi tiếng xứ U Minh ra đời.

Mắm ở xứ U Minh có nhiều loại như mắm cá rô, cá sặc, cá lóc, cá lưỡi trâu…Từ những loại mắm như thế sẽ chế biến thành nhiều món ăn đa dạng như lẩu mắm, mắm chưng trứng thịt, mắm chiên, mắm trộn đu đủ…Các món chế biến từ mắm được ăn kèm với các loại rau và ớt hiểm tạo nên hương vị đậm đà khó quên. Dần dà, mắm cá đồng trở thành văn hóa ẩm thực của người dân xứ U Minh cho đến tận ngày nay: “Ngày xưa cá nhiều là làm mắm. Cá đem đi làm sạch vảy, sau đó đem đi rửa rồi đem cắt bỏ phần đầu, rồi rửa lại thật sạch để đem đi muối làm mắm. Phần đầu sẽ không bỏ mà tận dụng đem đi thắng lấy mỡ ăn dần.”

Trong truyện ngắn “Hào hoa phong nhã” của nhà văn Sơn Nam có ví nghề cá là một nghề hào hoa, ông viết “Đìa có lắm cá tha hồ mà bắt. Ở xứ nhiều cá người ta tặng cá làm quà với nhau…”. Có thể thấy, ngày đó, ền quê U Minh chẳng có gì nhiều và quý bằng cá đồng.

Chốn U Minh Thượng khi xưa vốn hoang hóa, trời phú cho vùng đất này nhiều sản vật tự nhiên, đặc biệt là cá

Ông Nguyễn Văn Quỳ, người dân sống tại U Minh Thượng cho biết cá đồng có quanh năm, trong ký ức của ông thời thơ bé là những ngày nước ngập trong rừng, cá rô theo đàn hàng trăm con xuôi dòng nước bơi nhung nhúc ra ngoài.

Người lớn, trẻ nhỏ lấy thúng, thao ra bắt. Khi ấy cá đồng trở thành nguồn thu nhập ngoài dự tính của người dân xứ U Minh Thương sau cây lúa, giúp đời sống của người dân vùng ệt thứ ổn định hơn: “Hôm mà rừng ngập, cá rô non đi theo bầy ra ngoài nhìn thấy ham. Người người kéo nhau ra chặn bắt, có người đem thau lớn mà bắt được đầy thau, chứ không như bây giờ. Nhớ lúc nhỏ khoảng tháng 6-7 là đi câu cá rô non, con bằng ngón tay cái, có con 2 ngón tay. Lúc đó cá rô mập lắm bởi vì cá sống trong lúa. Ngày đó phần đầu cá mỡ nhiều lắm. Mỗi lần làm cá mà mẹ tôi bỏ phần đầu là tôi giận, vì nó phần đó ngon và mềm.”

Được trời phú thiên nhiên thuận lợi và sức sống mãnh liệt, cá đồng mặc sức sản sinh. Cũng vì thế nghề nghe cá thở hay còn gọi là thầy đìa ra đời. Đối với nghề này có nghĩa là người chuyên đi tìm kiếm thu mua ao, hồ của người khác với giá hợp lí và sau đó tát đìa lấy cá để bán kiếm lời.

Bà Lê Thị Hai sống tại U Minh Thượng cho biết, thầy đìa sau khi xác định được ao, hồ muốn mua sẽ tiếp cận và theo dõi nhiều đêm tại khu vực đó. Để không lỗ vốn trong thu mua, các công đoạn được thầy đìa thực hiện hết sức cẩn trọng. Muốn biết cá nhiều hay ít trong ao hồ, thầy đìa sẽ lặn xuống nước ở độ sâu nửa sải tay rồi lắng nghe tiếng cá kêu, hơi luồng cá đi, có đụng cá hay không. Sau khi xác định lượng cá, thầy đìa sẽ ra giá với chủ nhà và dùng lưới vây bắt: “Đìa mà muốn mua người ta phải ngồi đó canh xem cá có táp hay quợn ở đâu, nhìn biết cá gì, bự hay không. Người ta rình xem có nhiều hay không, chủ yếu vào ban đêm.”

Đất rừng U Minh được chia làm hai vùng và ngăn cách nhau bằng dòng sông Trẹm, U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang và U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau

Qua thời gian, cá đồng dần vơi đi trước tác động của con người đến thiên nhiên. Ngoài ra, việc chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang nuôi tôm để chạy theo kinh tế khiến con cá đồng đành phải di cư nơi khác và cứ thế diện tích sinh sống hẹp dần. Mặt khác là do cách đánh bắt tận diệt của con người làm cá đồng không thể sinh sôi, nảy nở…Rất nhiều yếu tố tác động khiến con cá đồng xứ U Minh Thượng giờ đây chỉ còn là ký ức, để lại sự nuối tiếc trong biết bao người.

“Ước lại được như ngày xưa nhưng mà ước thì ước vậy thôi chứ mọi chuyện cũng đã vậy rồi.”

“Mình tiếc, phải chi được như ngày trước thì mình bắt cá để bán thì cuộc sống sẽ khỏe hơn.”

Dù ngày nay con cá đồng có phần khan hiếm nhưng giá trị về kinh tế và tinh thần thì vẫn còn đó theo gian. Qua biết bao thăng trầm, con cá đồng ngày nay sánh vai cùng với những sản vật quý giá khác trong vùng, từ đó làm giàu cho con người và làm đẹp cho quê hương.