Chuyện về nhà Đốc Phủ Hải - Công trình kiến trúc cổ Gò Công

Vùng đất Gò Công không lớn lắm nhưng lại có khá nhiều Di tích cấp Quốc gia đã được xếp hạng: Cụm di tích Đền thờ – Lăng mộ – Tượng dài Anh hùng dân tộc Trương Định, Đền thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng – Lăng Hoàng gia, nhà Đốc Phủ Hải…

Trong đó, nhà Đốc Phủ Hải tọa lạc ở phường 1, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang là một ngôi nhà cổ có lối kiến trúc kết hợp giữa hai nền văn hóa đông tây độc đáo. Về xứ Gò Công ghé thăm nhà cổ, tận mắt chứng kiến những cổ vật, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc bên trong, ta có thể cảm nhận cuộc sống vương giả của một gia đình Đốc phủ nơi đây. 

Bên ngoài nhà Phủ Đốc Hải mang phong cách Tây Âu

Đến thăm nhà Đốc Phủ Hải vào một trưa chói chang, tôi chợt thấy mát dịu khi vừa bước vào sân dinh thự để tránh cái nắng oi nồng của tháng giêng. Ông Trần Văn Năm, người hiện trông nom nhà Đốc Phủ Hải, niềm nở mời chúng tôi vào nhà như những người bạn cũ lâu ngày gặp lại.

Thoạt nhìn từ xa, bề ngoài ngôi nhà cổ có vẻ trầm mặc, rêu phong với kiến trúc Tây âu trong màu sơn vàng như cái nắng rực rỡ của đất phương nam. Mặt tiền sảnh với những vòm cửa hình vòng cung, chạm khắc hoa văn nổi các chủ đề khác nhau như tứ linh, chim muông, cây trái...

Nhưng khi vào bên trong sảnh chính thì kiến trúc, nội thất lại mang đậm chất truyền thống, có sự pha trộn hài hòa với phong cách Pháp.

Sảnh chính có thiết kế và nội thất đậm nét Á đông, kết hợp hài hòa với văn hóa Pháp

Nhà Đốc Phủ Hải thuộc loại kiến trúc dân dụng nhà ở của địa chủ phong kiến cuối thế kỷ 19 đầu 20. Sảnh chính được thiết kế theo kiểu gian nhà xưa: ba gian, hai chái, mái lợp ngói âm dương, được nâng đỡ bởi 36 cột gỗ quý.

Hai gian nhà vuông liền kề là nơi nghỉ ngơi của người làm cùng một lẫm lúa lớn chứa được 10 ngàn giạ lúa. Hiện ngôi nhà còn lưu giữ nhiều đồ dùng quý hiếm như tủ, ghế khảm xà cừ, bàn đá cẩm thạch, đồ sứ Trung Hoa và VN thế kỷ 18... Trong không gian Á Đông của ngôi nhà còn có khá nhiều vật dụng của phương Tây như những hộp đèn, chiếc tủ mang nhãn hiệu Pháp,...

Nhiều đồ gỗ trong nhà đều được sản xuất theo phong cách cổ điển Pháp được các nghệ nhân thời bấy giờ chạm nổi hoặc khảm xà cừ. Trình độ tay nghề của người thợ được thể hiện sống động qua mỗi sự vật, và không thể thiếu hình ảnh loài chim công đặc trưng của đất Gò Công.

Nét độc đáo của ngôi nhà còn ẩn sau những bức tranh khảm xà cừ sắc nét thể hiện 24 tích truyện về tấm gương hiếu thảo của người xưa. Có thể thấy, chủ nhân của ngôi nhà là người trọng nghĩa tình và luôn muốn nhắc nhở con cháu phải noi theo.

Ông Trần Văn Năm giải nghĩa cho du khách một số hoa văn trang trí trong nhà Đốc Phủ Hải

Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến chiếc giường Thất Bảo được lát hoàn toàn từ đá cẩm thạch. Phần chân giường được chạm họa tiết hoa lá nổi và khảm xà cừ. Các tủ, bàn, ghế được chạm trổ theo kiểu Louis tinh xảo. Vật liệu đều làm từ gỗ quý hay cẩm thạch. Nhờ đó mà trải qua hơn trăm năm, ngôi nhà vẫn giữ nguyên vẻ đẹp khiến không ít người trầm trồ khi có dịp ghé thăm.

Ông Trần Văn Năm, người trông nom nhà Đốc Phủ Hải cho biết: "Nhà chưa tu sửa lần nào, có cái ngói là trùng tu lại thôi do ngói bị dột. Còn dàn cây trở xuống là còn y như hồi trước giờ. Gạch cũng chở từ Pháp về, bàn Louis cũng mua cây về thợ đóng, Bàn Louis được đóng theo kiểu của Pháp. Dưới này có cái giường Thất Bảo cẩn 6 ếng thạch vô, giàu hết cỡ luôn mà. Còn đây là bàn ăn của bà, bằng xà cừ, có trích đoạn nào hay thì cẩn vô, thợ làm tinh vi lắm, móc, đục cây rồi mới khảm vô. Công phu dữ lắm, bàn tay khéo léo dữ lắm, toàn là đồ vô giá" 

Các nội thất trong nhà đều được thiết kế bằng vật liệu quý như chiếc giường Thất Bảo hay bộ bàn ghế mang phong cách Louis

Theo nhiều tư liệu thì ngôi nhà gắn liền với cuộc đời của bà Trần Thị Sanh, vợ của anh hùng dân tộc Trương Định. Gia đình bà Sanh là một gia đình giàu có bậc nhất tại Gò Công đã có những cống hiến trong công cuộc mở cõi, giữ đất phương Nam. Đây là nơi mà vào năm 1860, bà Trần Thị Sanh đã xây dựng và sinh sống.

Với ngôi nhà chữ đinh ba gian lợp lá ban đầu, bà đã sống ở nơi này và gặp ông Trương Định buổi đầu vào nam, với tâm nguyện và chí hướng cùng lo cho dân, cho nước, tâm đầu ý hiệp nên hai người đã kết duyên cầm sắt.

Là một người giàu có, sở hữu đến 500ha đất trong tay, lại cũng có ý thức yêu nước thương dân, bà Sanh đã tích cực giúp ông Trương Định xây dựng căn cứ địa Tân Hòa và nhiều đồn lũy rải khắp khu vực, trở thành trung tâm chống giặc Pháp đầu tiên ở Nam kỳ.

Trong những ngày khởi nghĩa chống Pháp, Trương Định vẫn thường lui tới ngôi nhà của vợ mình bàn việc quân cơ. Năm 1864, trong một cuộc truy kích của quân Pháp, ông Trương Định thất thế phải tuẫn tiết tại Gia Thuận.

Các nội thất trong nhà đều được thiết kế bằng vật liệu quý như chiếc giường Thất Bảo hay bộ bàn ghế mang phong cách Louis

Ông Trần Văn Năm say sưa kể: "Trước là nhà của bà Trần Thị Sanh, sống trong căn nhà này là ba gian lợp lá chứ không phải được cất vầy. Năm 1864 ông Trương Định tuẫn tiết bà Sanh vào chùa quy y và giao cho con riêng của bà là Dương Thị Hương và con rể là tri huyện Trường Bình mới xin tu sửa lại nhà ba gian hai chái để dưỡng già. Sau khi ông bà (tri huyện) qua đời thì giao lại con là Huỳnh Thị Điệu và rể là Nguyễn Văn Hải làm chức đốc Phủ sứ nên gọi là Đốc Phủ Hải đó". 

Đến năm 1895-1990, Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải có chút tân học ở Pháp nên đã xây dựng thêm tiền sảnh theo kiểu “roman” và xây hai nhà vuông hai bên để người làm công ở. Đến năm 1909-1917, ngôi nhà được tu bổ thêm, xây tường rào sắt tây ba mặt và phần sau xây lẫm lúa to lớn. Trong đợt trùng tu này tốn hết 10 ngàn giạ lúa tương đương 250 tấn thóc lúc bấy giờ.

Sân sau nhà Đốc Phủ Hải

Khi được hỏi về con cháu nhà Đốc Phủ Hải, ông Trần Văn Năm chia hay: "Nhà này lúc trước bị bỏ hoang. Cháu nội của Đốc Phủ Hải ở Pháp. Năm 2000 có về một lần, tưởng là nhà này phá bỏ hết rồi. Về nhà thấy còn hiện trường mừng lắm nên giao nhà nước quản lý luôn".

Từ năm 1980 đến 1999, nhà cổ được trưng dụng làm khu nhà truyền thống của thị xã, đến năm 2000 mới được đổi tên thành Nhà Đốc Phú Hải như cũ. Năm 1994, Nhà Đốc Phú Hải vinh dự được cấp bằng Di tích Quốc gia “Lịch sử - Văn hóa” và thuộc quyền quản lý của Trung tâm Văn hóa – Thể thao Thị xã Gò Công.

Một số hình ảnh di tích Nhà Đốc Phủ Hải

Hiện ở Việt Nam, những ngôi nhà có lối kiến trúc Á Đông kết hợp hài hòa với phong cách Roman còn lại rất hiếm. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn và ngày càng được nhiều du khách đến tham quan chụp hình mỗi khi có dịp đến Tiền Giang. Đồng thời, ngôi nhà còn được dùng làm phim trường của các bộ phim đậm chất ền Tây sông nước như Nợ đời, Lòng dạ đàn bà, Khóc thầm hay Cay đắng mùi đời, v.v…   

Gìn giữ, bảo tồn hơn 100 năm, hiện ngôi nhà cổ này là niềm tự hào của người dân xứ Gò Công và là nơi dành cho những ai thích tìm hiểu về nét kiến trúc, văn hóa xa xưa.