Chuyện về làng tủ thờ nức tiếng Nam Bộ

Từ ngàn xưa đến nay, thờ cúng tổ tiên, ông bà đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Không gian thờ cúng là nơi thiêng liêng, bàn thờ gia tộc cũng là nơi thể hiện sự trang trọng, lòng thành kính đối với nguồn cội của mình. Để làm ra một chiếc tủ thờ là cả một quá trình công phu, đòi hỏi tay nghề cao của những nghệ nhân theo nghề lâu năm.

Theo dòng chảy của thời gian, các nghệ nhân ở làng nghề đóng tủ thờ Gò Công (Tiền Giang) vẫn đang ngày ngày thổi lửa cho nghề truyền thống của địa phương, đồng thời tạo ra những sản phẩm chất lượng có giá trị văn hóa tinh thần trong phong tục thờ cúng tổ tiên của người dân đất Việt. 

Khách mua ấn tượng trước chiếc tủ thờ Gò Công độc đáo. (Ảnh: TTXVN)

Trái ngược với hình ảnh sôi động của một đô thị trẻ hiện đại, vùng ngoại ô thị xã Gò Công, Tiền Giang, vẫn còn lưu giữ một nét văn hóa đặc sắc, một góc cổ kính của làng nghề tồn tại hơn trăm năm. Nằm tại ấp Ông Non, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, cách thành phố Mỹ Tho 40km về hướng Đông, làng nghề đóng tủ thờ Gò Công là một làng nghề truyền thống hình thành hơn một thế kỷ khi dòng người từ phương Bắc lần bước vào phương Nam theo con đường khai hoang mở cõi.

Theo truyền tụng, vào khoảng giữa thế kỷ XIX, tại vùng đất Gò Công đã xuất hiện nhóm bốn anh em ông Vương Văn Non từ ền Bắc vào đây lập nghiệp. Trong hành trang mang theo của các ông, đáng chú ý nhất là chiếc tủ thờ gia tiên kiểu hai trụ và “vốn lận lưng” là nghề thợ mộc. Cả bốn anh em ông Non đã phát triển nghề đóng tủ thờ và dạy nghề cho bà con quanh vùng.

Một số tài liệu khác cho rằng, trong những năm đầu thế kỷ XVII, theo dòng người từ phương Bắc vào Nam khai hoang, lập ấp, các ông Nguyễn Văn Hải (ông Cứ), Trần Văn Thêm và Trần Văn Tường đến từ ền trung đã mang theo nghề đóng tủ thờ truyền thống về Gò Công lập nghiệp và truyền nghề cho người dân trong vùng. Có tài liệu ghi chép, người “khai sinh” những chiếc tủ thờ Gò Công là ông Nguyễn Ngọc Hải, sinh năm 1890, vốn xuất thân là dân thợ mộc.

Tủ thờ Gò Công từ lâu đã nổi tiếng với kiểu dáng trang nghiêm, các chi tiết kết nối được xử lý bằng mộng, ngàm và chốt gỗ chứ không dùng đến đinh hay ốc vít. Đặc biệt, nguyên liệu để đóng tủ thờ trải qua bao đời cũng chỉ là loại gỗ xà cừ rất dân dã, vậy mà qua bàn tay tài khéo của những người thợ Gò Công, những tấm gỗ xà cừ đã lên nước, kết hợp với những màu trai hay xà cừ tạo nên vẻ đẹp huyền bí, lung linh…

Nếu như trước đây tủ thờ Gò Công chủ yếu cẩn bông dâu ở cửa tiền, thì nay họa tiết đã rất phong phú với các đề tài hay điển tích được lấy từ văn học cổ Trung Hoa như “Bách tiên kỳ thú”, “Nhị thập tứ hiếu”, “Bát tiên quá hải”, “Long phụng quần hào”…; ở dàn trụ đứng giữa tủ cẩn ba ông Phước, Lộc, Thọ; ở mỗi bìa cẩn Mai - Lan - Cúc - Trúc và ở chân qùy cẩn mai hóa long hay “Song long tranh châu”…

Theo nhiều người làm nghề lâu năm cho biết, nghề này khá ổn định, số lượng sản phẩm làm ra cũng không biến động nhiều qua các tháng, duy chỉ có những tháng cuối năm như thế này thì sản lượng có phần nhỉnh hơn, giúp bà con làng nghề có thêm chút thu nhập trang trải dịp tết sắp tới.

Anh Ngô Tấn Lộc – chủ cơ sở đóng tủ thờ Ba Đức -  người con thứ bảy của ông Ba Đức, một trong những “truyền nhân” của ông tổ nghề nơi đây cho biết: Cái để phân biệt tủ thờ Gò Công với các nơi khác là “sắc mộc”: "Ở đây bà con cũng đang làm tích cực lắm để tranh thủ tết nè. Nói chung là mấy năm trước cỡ năm chín mươi mấy, năm 92 93 làm nghề rất là khổ còn từ năm 95 97 trở lên thì ngày càng đi lên đi lên không hà phát triển mạnh lắm. Thanh niên ở đây có việc làm nghề nghiệp hết phụ nữ cũng vậy luôn, phụ nữ cũng làm nghề. Hồi đó ông bà mình làm toàn bằng tay không à, giờ kết hợp với máy là 70%".

Việc chạm khắc đòi hỏi sự tỉ mỉ và lành nghề. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2004, xóm đóng tủ thờ Ông Non đã được UBND tỉnh Tiền Giang cho chuyển đổi thành “Làng nghề truyền thống Tủ thờ Gò Công”, có thương hiệu hẳn hoi và là một trong những làng nghề đầu tiên được tỉnh Tiền Giang công nhận. Toàn xã Tân Trung có khoảng 80% hộ có người theo nghề đóng tủ thờ với hơn 150 cơ sở vừa sản xuất vừa gia công, quy tụ hàng ngàn lao động có chuyên môn.

Nếu trước đây, chiếc tủ thờ Gò Công truyền thống mẫu mã khá đơn giản, ít trụ trang trí mặt trước thì ngày nay người thợ thủ công đã tạo thêm nhiều mẫu mã mới theo hướng cách tân, hiện đại, tăng lên nhiều trụ, hoa văn đa dạng nhưng vẫn giữ những nét đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, mang tính thẩm mỹ cao.

Nhiều lão niên cho biết, chiếc tủ thờ Gò Công đương đại có nhiều trụ, mẫu mã càng đẹp, tinh xảo, cầu kỳ hơn hồi đó. Nếu trước đây, tủ thờ Gò Công truyền thống chỉ có 4 – 6 trụ thì hiện nay, có chiếc tủ thờ được đóng đến 21 trụ và giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng người dân ở làng nghề này vẫn gắn bó với nghề cha truyền con nối này cho đến hôm nay.

Trong số đó, ông Phạm Văn Nam là người có nhiều tâm huyết đóng góp cho nghề đóng tủ thờ phát triển bền vững như hiện nay. Chia sẻ về điều này, ông Phạm Văn Nam cho biết: "So với các ngành nghề khác, thì hợp tác xã mộc phải nói là rất có hiệu quả đời sống của bà con xóa đói giảm nghèo hết ở địa phương. Hiện nay ở Xã Tân Trung thì không còn hộ nghèo, chỉ khoảng 2% thôi. Hồi xưa thì nó cực khổ lắm. Hồi xưa làm 2-3 tháng mới được cái tủ, còn bây giờ làm tốc độ nhanh. Bây giờ là ở trên tỉnh hỗ trợ cho xã viên. Ví dụ như ai mua máy móc công nghệ thì Sở Công thương hỗ trợ cho 30% và con cũng đồng lòng đồng sức hiến đất cho xã để mở đường. Các con đường cho làng nghề làm, phải nói đường xá bây giờ phải nói là thông thoáng ngon lành lắm".

Để làm ra được chiếc tủ thờ được người tiêu dùng ưa chuộng, cơ sở của ông Nam luôn tìm cách cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm trước sự canh tranh ngày càng gay gắt của các sản phẩm cùng loại. Ngoài đóng tủ thờ, cơ sở của ông còn mở rộng sản xuất thêm các sản phẩm bàn, ghế salon gỗ. Gần đây, cơ sở đã đầu tư lắp đặt thiết bị lò sấy gỗ dùng để sấy khô gỗ thay cho cách phơi gỗ thủ công trước đây. Và đó cũng chính là những điều mà các cơ sở ở đây đã làm được trong những năm qua:

"Hồi trước đây ví dụ như ở đây 1-2 tỉnh cũng vòng vòng đây thôi à. Nhưng sau này thì nó phát triển ra nhiều tỉnh".

 "Thị trường bây giờ phải nói là ưa chuộng tủ thờ lắm, tụi tôi sản xuất khoảng hàng ngàn cái tủ thì cũng giao hết ở ĐBSCL, thành phố Hồ Chí Minh…"

"Hồi làm học nghề rất là khổ, đúng ra, ra nghề rồi thành thợ rồi thì cuộc sống vợ con sống cũng được thoải mái"

Hiện nay, làng nghề đóng tủ thờ ở ấp Ông Non làm ăn ngày càng phát đạt. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ mạnh trong nước; mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Với đà phát triển này, tin rằng những người con đất Gò Công sẽ tiếp bước ông cha viết mãi hành trình bảo tồn truyền thống dân tộc, để sản phẩm tủ thờ Gò Công như một hình ảnh ngày một gần gũi thân quen, trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh của cư dân Nam Bộ.