Nằm sâu trong con hẻm nhỏ 906 Nguyễn Trung trực, phường An Hoà, thành phố Rạch Giá có một Lăng mộ được cho là của ông Hội Đồng Suông tồn tại gần 100 năm tuổi.
Nếu là ai lần đầu đến nơi này sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì độ hùng vĩ của lăng mộ, cùng mái ngói ngã màu rêu đen cũ kĩ cùng kiến trúc điêu khắc độc đáo vào loại “có một không hai”.
Theo nhiều dân cố cựu của vùng đất Rạch Giá kể lại, Lăng mộ Hội Đồng Suông được xây dựng 1936 và hoàn thành 1938. Người xây dựng ngôi mộ này là ông Hà Mỹ Suông, người Việt gốc Hoa, quê gốc ở Phúc Kiến, Trung Quốc.
Ông Hà Mỹ Suông là một người rất giàu có và còn được gọi với cái tên khác là ông Hội Đồng Suông – chức danh Hội Đồng thể hiện sự quyền lực, bề thế vì thời xưa phải dùng rất nhiều tiền mới mua được.
Cuộc đời ông Hội Đồng Suông dù rất giàu có nhưng lại không có con. Thế nên, ông Suông đã nhận người con của chị thứ 2 làm con nuôi, đó là ông Thiềm Sơn (vai vế gọi ông Suông bằng cậu). Mục đích ông Suông xây dựng lăng mộ này không phải cho ông mà là để hương khói cho bậc song thân và dòng dõi gia tộc.
Lăng mộ bắt đầu xây dựng năm 1936, tuy nhiên, không bao lâu sau thì ông Hội Đồng Suông đột ngột qua đời. Để tiếp tục ý nguyện của ông Suông, ông Thiềm Sơn đã đứng ra xây dựng cho đến khi hoàn thành vào năm 1938.
Bà Nguyễn Kim Thu - cháu ngoại của ông Thiềm Sơn, hiện đang trông giữ khu lăng mộ cho biết, công trình lăng mộ Hội Đồng Suông có diện tích gần 1.000 m2 bao gồm các hạng mục chính: khu mộ, 2 hòn non bộ Thiên cung và Thuỷ cung, Long đình, Cung Ngọc Hoàng và Địa cung. Ở những khu vực như thế sẽ là nơi chôn cất hài cốt của những người dòng dõi trong gia tộc.
Công trình nằm trên quả đồi cao khoảng 5m, khi xưa được 60 người gánh đất ròng rã suốt 6 tháng để bồi đắp. Hiện nay, khu Lăng mộ Hội Đồng Suông được bao quanh bằng tường rào và trên mỗi cột tường rào như thế là tượng của 1 vị La Hán.
Từ cổng đi vào sẽ bắt gặp hòn non bộ Thiên Cung hay còn gọi là Tây Sơn Mộ, bởi được xây theo hướng tây. Hòn non bộ này được xây dựng theo ý tưởng Thiên Đình khi trên đỉnh núi là Phật Bà Quan Âm, xung quanh núi là 8 vị Bát Tiên và tượng rồng bay lượn; phần chân núi là tượng Hổ, Sư tử và các con vật khác tượng trưng ở vùng núi đồi. Hòn non bộ còn lại gọi là Đông Sơn Mộ được xây dựng theo mô phỏng Thuỷ Cung với tượng Long Vương trên đỉnh núi và các linh thú dưới biển như: Rùa, cá...
Nằm giữa hai hòn non bộ Thiên Cung và Thuỷ Cung là phần mộ chôn cất hài cốt của ông Hà Mỹ Đức và bà Trần Thị Nghĩa Hương, bậc sinh thành ông Hội Đồng Suông. Điều đặc biệt là 2 ngôi mộ và phần tường bao quanh được làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối có màu trắng, xám, hồng nhạt và hồng đậm.
Trên những bức tường được chạm khắc các bức phù điêu tinh xảo với hình Long, Lân, Quy, Phụng... Các cột đá cũng được trang trí họa tiết đặc sắc như đầu lân, búp sen, lá cúc, tượng phật...
Bà Nguyễn Kim Thu cho biết, ý nghĩa của công trình lăng mộ này được xây dựng không chỉ là nơi đề thờ tự mà còn muốn nhắc nhở đến con cháu đời sau phải biết và luôn nhớ về cội nguồn, sống lương thiện không làm điều sai trái. Đó cũng chính là những nội dung ý nghĩa của dòng chữ hoa viết trên tường ở Cung Ngọc Hoàng:
“Theo ý nghĩa của dòng liểng phía ngoài là “Tụ Nghĩa Anh Hùng”, phía trong gian chính điện ghi là “Hiếu Nghĩa Vi Tiên”. Mẹ tôi dặn tôi rằng ông ngoại tôi là chỉ muốn con cháu lấy chữ Hiếu, chữ Nghĩa làm đầu. Tức là mình sống không bất nhân, bất nghĩa. Còn phía tầng hầm, tức là khu Địa Cung được xây dựng có nghĩa là làm lành tránh dữ, dặn con cháu không được làm chuyện xấu. Tất cả nội dung của đền thờ lăng mộ này là như vậy”.
Khi chúng tôi hỏi về câu chuyện được người đời râm ran kể về 3000 lượng vàng định giá của khu lăng mộ này, bà Nguyễn Kim Thu cho biết, nhiều năm trước, lăng mộ này được đoàn khảo cổ học từ phía bắc đến để nghiên cứu và khám phá.
Sau đó các nhà khảo cổ này cho rằng, nguyên liệu đá cẩm thạch để xây dựng khu lăng mộ rất quý hiếm, một phần được lấy từ Ngũ Hành Sơn (tức là Đà Nẵng hiện nay), còn một phần có nguồn gốc từ nước Ý và từ khi ấy tin đồn khu lăng mộ có giá trị 3000 lượng vàng lan truyền cho đến tận nay:
“Trong thời điểm đó tượng lân nhỏ màu hồng trên cổng lăng mộ được một người đến đây trả giá 20.000 USD để mua lại. Mẹ tôi tất nhiên là sẽ không bán bất cứ thứ gì trong lăng mộ này. Rồi người trả giá đó mới giải thích rằng tượng đá đó là cẩm thạch hồng.
Lâu lâu tôi thường lau chùi thì thời điểm nắng sáng chiếu vào những bức tranh trên đá cẩm thạch lấp lánh như mạ vàng. Người ta không chỉ đánh giá về đá cẩm thạch mà còn đánh giá về điêu khắc, những bức tranh ở đây toàn là điển tích tượng trưng cho Long, Lân, Quy, Phụng. Sờ vào là sắc cạnh, quá quý, điêu khắc quá giỏi tất cả đều làm bằng thủ công”.
Công trình lăng mộ Hội Đồng Suông được xây dựng hoàn thành năm 1938 và trở thành một vị trí quan trọng của quân dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - Pháp. Bà Nguyễn Kim Thu cho biết, tầng hầm Địa Cung khi xưa là nơi diễn ra những cuộc họp quan trọng của nhiều cán bộ cấp cao và đặc biệt nơi này còn là điểm để hàng trăm người dân trú ẩn mỗi khi tiếng máy bay gầm rú thả bom:
“Năm 1941 hội họp bí thư cấp tỉnh, cấp chỉ huy để tách tỉnh Long-Châu-Hà. Sau này năm Mậu Thân thì hơn 300 người dân phía sông Tắc Ráng lên đây để trú bom, lúc đó chiến tranh thả bom dữ lắm thì người dân trú dưới tầng hầm tại đây”.
Nhìn về phía lăng mộ, bà Thu đượm buồn, bởi đến thời điểm này những thông tin chi tiết về ông Hội Đồng Suông là rất hạn chế. Bởi tất cả trong ký ức của bà Thu chỉ được nghe kể rằng, ông Hội Đồng Suông và ông Thiềm Sơn là những người có tính cương trực, được lòng người dân yêu mến.
Bà Thu và các con cháu sau này rất tự hào vì học được những đức tính tốt mà tổ tiên đã truyền đạt qua các hiện vật cho đến tận ngày nay: “Tự hào lắm, tại vì ông bà tôi để lại một nơi thiêng liêng như vậy để con cháu đời sau phải noi gương theo, làm việc thiện và tôi cũng mong rằng bất cứ ai đến đây đều hiểu và làm được như thế”.
Trải qua gần 1 thế kỷ, Lăng mộ Hội Đồng Suông ngày nay dù có thay đổi đôi chút sau mỗi lần tu sửa, nhưng những giá trị về tinh thần thì vẫn còn đó và được bảo tồn trọn vẹn với thời gian. Câu chuyện về đất, về người, về những giai thoại của Ông Hội đồng Suông vẫn còn là những điều bí ẩn đối cho những ai đang mải ết tìm lại dấu xưa của vùng đất Rạch Giá một thời.