Chuyện về đội từ thiện miệt mài vá những con đường

15 năm qua đội vá đường từ thiện ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ không đếm hết đã vá lành bao nhiêu đoạn đường, sửa chữa bao nhiêu cây cầu, khoác cho giao thông quê hương diện mạo mới.

Theo lời bà Lê Kiều Hạnh – Chủ tịch MTTQ Việt Nam phường Thuận An, đội thiện nguyện vá đường của phường có đến 60 thành viên chủ yếu là nam giới từ 18 đến 89 tuổi, xuất thân từ nhiều ngành nghề. Tất cả tham gia vào đội với tinh thần tự nguyện đã góp phần làm đẹp quê hương và là niềm tự hào của quê hương Thốt Nốt.

Ngày ra mắt Đội từ thiện dặm, vá đường phường Thuận An

PV: Thưa bà, mới đây nhất, phường Thuận An vừa ra mắt “Ðội từ thiện dặm, vá đường” với 18 thành viên. Như vậy đội từ thiện của Phường mới hoạt động hay đã có những cá nhân đã thầm lặng vá đường trước đó và nay được tập hợp thành một nhóm lớn?

Bà Lê Kiều Hạnh: Trước đây các chú chung tay làm từ thiện không riêng gì ở phường Thuận An mà còn có cả phường lân cận như: Thốt Nốt, Thới Thuận, Trung Nhất. Các chú đi khảo sát thấy nơi nào có ổ gà, sụt lún… thì các chú vận động thành viên trong tổ, mỗi người hùn tiền tùy tâm để mua vật liệu vá đường.

Khoảng 1 năm, phường thấy việc ý nghĩa nên vận động thành lập Đội vá đường từ thiện thì các chú đồng lòng với Phường.

PV: Ðội hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện, các thành viên cùng nhau đóng góp ngày công lao động. Vậy kinh phí hoạt động có được hỗ trợ từ địa phương hay không, thưa bà?

Bà Lê Kiều Hạnh: Tổ thành lập mới là 18 người nhưng đi làm thực tế có đến 60 người. Thời gian vừa qua đến nay các chú tự vận động để làm, vận động khu vực, các cửa hàng vật liệu xây dựng ủng hộ. Nếu ngoài khả năng thì khu vực xin Đảng ủy- UBND phường ủng hộ tiếp.

Phường Thuận An khi phát động bất kỳ chương trình gì thì gần như toàn dân hưởng ứng, cho nên niềm tự hào quê hương Thốt Nốt là ở điểm này.

20 năm bền bỉ dặm vá, sửa chữa, thành viên của Đội không nhớ hết đã thay áo mới cho bao nhiêu con đường quê ở Thốt Nốt

PV: Hướng tới thì Phường sẽ phát triển thêm Đội từ thiện như thế nào?

Bà Lê Kiều Hạnh: Các chú đi lòng vòng hỗ trợ cả các địa phương lân cận, các chú có liên kết với tổ từ thiện phường Tân Lộc, cả 2 bên hỗ trợ, nếu bên kia thiếu người thì bên đây qua hỗ trợ. Sắp tới đây, Đội chiêu mộ thêm thành viên.

Trong Đội từ thiện vá đường phường Thuận An cũng có cả đội viên là chuyên cất nhà tình thương nữa, nên phối hợp với đơn vị khác, người ta hỗ trợ vật liệu, cây cối thì bên đây gia công ráp nhà.

PV: Cảm ơn bà Lê Kiều Hạnh đã chia sẻ. Chúc cho các thành viên của Đội từ thiện dặm, vá đường phường Thuận An sẽ phát triển thêm lớn rộng nhằm thay áo mới cho các con đường và tăng phần ý nghĩa.

Theo Đội dặm vá đường từ thiện phường Thuận An, việc thiện này được nhân rộng nhằm đóng góp ngày công để xây dựng đô thị văn nh

Tới phường Thuận An, quận Thốt Nốt, hỏi đội dặm vá đường thì ai cũng biết. Đường hư, sụp lún, hay ở đâu còn những cây cầu chật hẹp, nguy cơ xảy ra tai nạn, chỉ cần điện thoại là có Đội từ thiện xuất hiện.

Ông Trần Văn Bình, một hộ dân sống tại phường Thuận An cho biết, những cá nhân đầu tiên của Đội đã bắt đầu sửa đường, sửa nhà, nấu cháo cho bệnh viện…bằng tinh thần tự nguyện từ 20 năm trước. Khi mà địa phương còn con lộ đất sình lầy thì anh em kết nghĩa đã đốn cây dựng cầu. Đến khi địa phương “thay da đổi thịt” lên lộ bê tông, anh em lại đi vận động xi măng, gạch, cát… vá đường. Có những lúc người dân “góp tiền” chưa đủ thì mỗi anh em có bao nhiêu góp thêm vô bấy nhiêu:

“Hộ nào không có tiền đóng 100 ngàn thì mình móc tiền túi ra hùm vô để cho đủ, làm công trình hoàn thành”, ông Bình nói.

Ông Trương Văn Quý – thành viên Đội từ thiện dặm, vá đường phường Thuận An cho biết, “công trường” của đội dù lớn hay nhỏ tất thảy đều nhộn nhịp, hối hả với sự tham gia hàng chục thanh niên, trung niên và cả lão nông. Trong làn khói mù mịt của nhựa đường, đôi tay và chân của các anh, các chú cứ thoăn thoắt không ngừng. Người xúc đá, người nấu nhựa, được sắp xếp linh hoạt nên mất khoảng 3 đến 4 tiếng đã xong một “công trình”.

Những nơi nào kinh phí quá nhiều, Đội sẽ vận động địa phương hỗ trợ tiền

Hiện đội có hơn 50 thành viên chủ yếu là nam giới từ 18 đến 89 tuổi, xuất thân từ nhiều ngành nghề tất cả tham gia vào đội với tinh thần tự nguyện. Để có kinh phí duy trì hoạt động suốt bao năm qua, anh Đội đã tự dùng tiền cá nhân và tiền bà con địa phương đóng góp thêm. Mỗi công trình sẽ tốn khoảng 5 đến 7 triệu đồng tiền vật tư, nhiên liệu để tu sửa, riêng cất cầu sẽ tốn kém hơn lên đến chục triệu đồng.

“Mình thấy làm việc gì có ích cho xã hội thì làm, thấy bà con khổ là tự nhiên cảm thấy mình khổ nên cứ làm. Từ vá đường, cất nhà đến nấu cơm từ thiện cho bệnh viện… làm hết không từ việc gì cả”, anh Đội nói.

Dần dà, dân làng vẫn thấy những bóng dáng của những lão nông gầy gò vẫn nhẫn nại trên khắp các nẻo đường, âm thầm “làm chuyện bao đồng”, đem lại sự an toàn giao thông trên quê hương mà cảm phục, quý mến và nhiệt tình ủng hộ.

Bóng dáng các cụ, các anh... càng làm cho đường quê thêm đẹp

Ông Phan Văn Phước, Phó chủ tịch UBMTTQVN quận Thốt Nốt khẳng định, nhờ đội dặm vá mà các tuyến đường trên địa bàn không còn ổ gà, ổ voi. Đền đáp cho tấm lòng hào hiệp của đội vá đường, bà con xứ này thường chủ động nấu cơm trưa hoặc cho bánh, nước: “An ninh trật tự và an toàn giao thông đã góp phần rất lớn cho việc thực hiện thông tư 25 của TW MTTQVN về toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị mới văn nh và hoàn thành các tiêu chí hướng đến đô thị văn nh”.

Hiện Ðội hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện, các thành viên cùng nhau đóng góp ngày công lao động, vận động các nhà hảo tâm, người dân đóng góp chi phí để giặm vá các tuyến đường vào các ngày thứ 7 và chủ nhật hằng tuần. Ngoài hoạt động giặm, vá đường, Ðội còn tham gia chặt mé, phát quang bụi rậm dọc theo các tuyến đường nhằm góp phần tạo mỹ quan đô thị và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Hoạt động của Đội đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Và sâu xa đó là những tấm lòng cao cả, nhân văn hội tụ để xây dựng một xã hội nhân văn.