Chuyện về "đội Lân Sư Rồng tóc dài" đất Tây Đô

Tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, có một đoàn Lân Sư Rồng với nhiều “kỳ lân nữ” trẻ trung, xinh đẹp, bao năm nay vẫn chăm chỉ luyện tập vì niềm đam mê. Họ nắm giữ nhiều kỷ lục của Việt Nam và Châu Á, góp phần xóa bỏ định kiến “múa lân không dành cho nữ giới”.

Theo quan niệm dân gian, lân- sư- rồng tượng trưng cho sự thịnh vượng, may mắn, hanh thông và phát đạt. Vậy nên bộ môn nghệ thuật này thường được lựa chọn biểu diễn trong các sự kiện quan trọng, đặc biệt là dịp Tết cổ truyền. Tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, có một đoàn Lân Sư Rồng với nhiều “kỳ lân nữ” trẻ trung, xinh đẹp, bao năm nay vẫn chăm chỉ luyện tập vì niềm đam mê. Họ nắm giữ nhiều kỷ lục của Việt Nam và Châu Á, góp phần xóa bỏ định kiến “múa lân không dành cho nữ giới”.

Cảm hứng Mekong mời các bạn cùng lắng nghe câu chuyện về Đội Lân Sư Rồng “tóc dài” đất Tây Đô qua cuộc trò chuyện cùng Võ sư Lương Ấn Đường – Trưởng đoàn Nghệ thuật Lân Sư Rồng Tú Anh Đường.

Võ sư Lương Ấn Đường – Trưởng đoàn Nghệ thuật Lân Sư Rồng Tú Anh Đường. Ảnh: Minh Lương

PV: Được biết, thầy Đường là một võ sư và cũng là người sáng lập nên Tú Anh Đường. Lý do vì sao trước đây thầy lại quyết định thành lập Đoàn lân dành riêng cho các bạn nữ?

Tôi thì đơn giản thôi. Tôi không phải xuất thân từ dân Lân Sư Rồng. Tôi xuất thân là dân võ thuật, tôi là võ sư Teakwondo. Trong quá trình luyện tập, tôi nhìn đi nhìn lại thì các bạn vận động viên trẻ đam mê nhưng không thể gắn bó lâu dài với mình được lý do là điều kiện kinh tế của các vận động viên chơi thể thao hầu hết là khó khăn, có những em có hoàn cảnh gia đình cũng nghèo nữa.

Tôi mới nảy sinh ra ý định trao đổi với huấn luyện viên, phụ huynh là thành lập đoàn Lân Sư Rồng để mình tận dụng nghệ thuật múa Lân Sư Rồng này, kiếm tiền để cho các cháu nó phụ giúp gia đình, trang trải cuộc sống, việc học tập.

Tôi mạnh dạn bắt tay thành lập Đoàn nghệ thuật Lân Sư Rồng Tú Anh Đường được vào tháng 3/2008. Bắt tay vào làm nhưng mà mình không có chuyên môn về nghệ thuật Lân Sư Rồng rồi làm sao đây? Tôi phải lăng lộn, bôn ba. Tôi học những bác, chú múa lân truyền thống ở địa phương. Khi mà tiếp cận được kiến thức chuyên môn đó rồi thì tôi bắt đầu mạnh dạn mời huấn luyện viên ở TP.HCM về Ô Môn rèn luyện cho các cháu thêm.

Khi mà tiếp cận được các huấn luyện viên như thế thì các cháu đã nâng cao về trình độ kỹ thuật, chứng thực lên rồi, thì bắt đầu là thầy trò mới đóng cửa chui, rèn luyện tập. Khi đạt những kiến thức nhất định, thầy trò mới khăn gói lên các trung tâm mạnh, gần gũi, tiếp xúc với đoàn nghệ thuật Lân Sư Rồng mạnh như Quốc Hào Đường, Hào Dũng Đường.

Qua quá trình trao đổi như thế đó, gần gũi như thế, các anh em cũng truyền đạt một số kiến thức chuyên môn coi như là nâng cao.

PV: Là người đã gắn bó với các vận động viên rất nhiều năm, dạy cho các bạn ngay từ những ngày đầu, Thầy đánh giá như thế nào về niềm đam mê của các bạn khi đến với bộ môn này?

Tôi đã tiếp cận rất nhiều thế hệ vận động viên ở Đoàn Nghệ thuật Lân Sư Rồng Tú Anh Đường. Từ năm 2008 đến nay trải qua hơn 15 năm xây dựng và phát triển phong trào, nhiều lứa vận động viên của chúng tôi đã trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống hiện nay, nhưng các cháu vẫn không từ bỏ niềm đam mê nghệ thuật Lân Sư Rồng.

Thỉnh thoảng các buổi chiều, các cháu cũng tranh thủ về để tham gia hoạt động nghệ thuật Lân Sư Rồng. Đó là một điều ấn tượng của nhiều thế hệ Lân Sư Rồng Tú Anh Đường mà nó được tạo dựng tới ngày hôm nay. Tôi rất là tự hào và hãnh diện nhiều thế hệ vận động viên, đặc biệt là vận động viên nữ. Chúng tôi đã lập được nhiều thành tích cho đoàn Nghệ thuật Lân Sư Rồng Tú Anh Đường.

Qua quá trình xây dựng và phát triển phong trào, đọng lại trong tôi thì rất nhiều kỷ niệm với các cháu, nhưng mà tụ chung lại một điều là tôi rất vinh dự và tự hào, được tiếp xúc, được gần gũi, được đào tạo ra nhiều thế hệ vận động viên Tú Anh Đường.

PV: Khi nói về múa Lân Sư Rồng và đặc biệt là đối với các vận động viên nữ thì ít nhiều các bạn cũng chịu những định kiến của xã hội. Vậy về phía các gia đình, có vận động viên nào gặp sự ngăn cản của gia đình khi đến với bộ môn này?

Có chứ, chắc chắn 100% là tất cả các vận động viên đam mê nghệ thuật Lân Sư Rồng là nữ thì những ngày đầu tiên, những tháng năm đầu tiên rất vất vả, thậm chí có những cháu nó phải trốn gia đình, nó giấu gia đình để thể hiện đam mê Lân Sư Rồng của mình.

Tới khi cháu nó thành đạt, nó trở thành kỷ lục gia Guinness Việt Nam, nó thành đạt là vô địch giải Lân Sư Rồng Cần Thơ, vô địch ĐBSCL, thậm chí là vô địch toàn quốc thì gia đình lúc đó mới biết cháu đam mê Lân Sư Rồng.

Trong quá trình đó thì thầy trò chúng tôi rất là nhiều cái ưu tư, rồi động viên, khuyến khích làm sao cho việc đầu tiên là các cháu phải học tập văn hóa cho tốt rồi mới nói tới chuyện đam mê của mình. Vì vậy đó cũng là một điểm quan trọng để chinh phục gia đình.

Thứ hai, với những khó khăn như thế đó thì tôi mạnh dạn, nhỏ to trao đổi với phụ huynh của các cháu để tạo điều kiện cho các cháu nó thể hiện đam mê và trong quá trình trao đổi, động viên gia đình như thế thì tôi lấy cái tấm gương của tôi để thuyết phục gia đình “đó chị thấy không? Anh thấy không? Tôi là dân Lân Sư Rồng nhưng tôi cố gắng học hành, tôi sống ở trong cái tổ chức này, tôi học hành và thành đạt, tôi là một thạc sĩ, là một võ sư, một kỷ lục gia Guiness Việt Nam như thế đó thì con anh, anh suy nghĩ tôi để học trò tôi nó dốt làm sao mà được”.

Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố tác động, rồi xã hội, lãnh đạo quan tâm rồi cũng khuyến khích, dần dần gia đình dần thay đổi.

Đoàn Nghệ thuật Lân Sư Rồng Tú Anh Đường. Ảnh: Minh Lương

Ghé thăm đoàn Nghệ thuật Lân Sư Rồng Tú Anh Đường vào một buổi chiều tháng Chạp, khi không khí Tết đã bắt đầu len lỏi qua từng góc phố, chúng tôi được dịp hòa vào những thanh âm rộn ràng và không khí luyện tập sôi nổi của các vận động viên cùng người thầy nhiệt huyết của mình.

Võ sư Lương Ấn Đường- Trưởng đoàn Nghệ thuật Lân Sư Rồng Tú Anh Đường- đoàn lân có các “kỳ lân nữ” duy nhất tại Việt Nam, hiện cũng là Chủ tịch Hiệp hội Lân Sư Rồng ĐBSCL, chia sẻ về sự chuẩn bị kỳ công các tiết mục phục vụ dịp Tết cổ truyền năm nay:

"Cách đây 3 tháng, đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng rồi, chứ không phải tới giờ mình chuẩn bị thì không kịp. Tất cả những hạng mục mà mình đã lập kỷ lục Guinness Châu Á, kỷ lục Guinness Việt Nam rồi những tiết mục mà mình đạt huy chương vàng toàn quốc, chúng tôi chui rèn tập luyện cho hoàn thiện hơn nữa, tốt đẹp hơn nữa để mình đưa vào phục vụ công chúng dịp Tết.

Bên cạnh đó, đối với các lễ hội ở mùa xuân thì người ta cần những bài biểu diễn phục vụ cho đặc thù ví dụ như khai trương, xông đất thì chúng tôi có những bài diễn phù hợp, đặc biệt khi năm nay là năm Giáp Thìn".

Dắt chúng tôi tham quan không gian luyện tập, sinh hoạt của Đoàn, Võ sư Lương Ấn Đường đầy tự hào khi kể về bề dày thành tích tập thể và cá nhân mà các vận động viên đã nỗ lực gặt hái được trong hơn 15 năm qua.

Trong gian phòng khách, chiếc tủ kính chứa đầy những chiếc cúp, huy chương được đặt tại vị trí trang trọng, cùng với đó là bức tường gần như được phủ kín bởi các bằng xác lập kỷ luật, trong đó có 2 kỷ lục Châu Á là “Nữ vận động viên duy nhất Châu Á múa lân trên cột cao nhất” và “Tứ lân nam nữ duy nhất Châu Á múa lân thả liễng trên mai hoa thung. Một trong những “bông hồng vàng” góp phần mang về những thành tích ấn tượng này là chị Lê Yến Quyên.

Nói về những thuận lợi và khó khăn của nữ khi tham gia nghệ thuật Lân Sư Rồng, chị Yên Quyên chia sẻ: "Khi mới bắt đầu vào tập 2 nội dung là mai hoa thung và leo cột, đối với nữ thì gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là thể lực, thể lực thì mình không có bằng các bạn nam, cho nên mình phải tập nhiều hơn nam. Nhưng mà đổi lại là những động tác mềm dẻo, khéo léo thì mình làm rất là tốt.

Khi mà tập 2 nội dung khó đó thì mình cũng có gặp chấn thương, nhưng mà từ những lần chấn thương đó mình cố gắng vượt qua và muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng thì trong thể thao thì những gì mà nam làm được thì nữ chúng ta cũng có thể làm được".

Là thế hệ tiếp nối và cũng đã từng âm thầm nỗ lực để chứng nh niềm đam mê, thuyết phục gia đình bằng thành tích đáng nể, cô nàng sinh viên đại học năm 3, Lưu Thị Kim Thương vừa bẽn lẽn, vừa tự hào khi kể về những ngày đầu theo đuổi nghệ thuật múa Lân Sư Rồng: "Lúc đầu thì gia đình em không có cho, em lén đi tập. Em nói là đi tập võ, xong vô đây tập võ xong thì em tập múa lân với các bạn. Về sau thì gia đình em biết và em cũng có một số thành tích nhất định nên là gia đình em ủng hộ em tham gia tiếp tục".

Được trực tiếp gặp gỡ và lắng nghe chia sẻ của các vận động viên đội lân nữ trẻ nhất Việt Nam trên Đất Tây Đô, chúng tôi vừa tự hào vừa cảm phục trước sự quyết tâm và tinh thần khổ luyện của họ. Trong những đôi mắt long lanh, bừng sáng khi chia sẻ về niềm đam mê, chúng tôi còn cảm nhận được cả lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ họ dành cho người thầy đã rèn luyện, dìu dắt mình. Và chúng tôi tin, tình thầy trò, sự công nhận của xã hội chính là động lực mạnh mẽ để các “cô gái vàng” luôn tự tin thể hiện khả năng và tiếp tục lan tỏa cảm hứng sống bằng chính sự kiên trì theo đuổi đam mê.

"Em nghĩ là điều mà em cảm thấy là động lực cho em để tham gia tiếp bộ môn này là sự quan tâm, giúp đỡ rất là tận tình của thầy. Nhiều lúc em muốn bỏ cuộc, tại vì lúc đầu em nhảy bị té rất là nhiều, bị chấn thương nữa nhưng mà sau đó thì thầy cô cũng động viên, cũng bạn bè, cũng động viên rồi giúp đỡ em".

"Em thấy thầy là một người tốt, chuyên tâm chỉ dạy cho tụi em những thứ nhỏ nhặt nhất, thầy khuyên tụi em thường xuyên học hỏi, tìm hiểu thêm để cố gắng phát triển bản thân mình hơn".

"Đối với thầy thì thầy rất tận tình. Đến giờ thì thầy lo lắng lại đến thế hệ con của mình luôn, thầy xem như là cháu ruột trong nhà".