Chuyện về chiếc ti vi đen trắng

Có lẽ trong ký ức của nhiều người, hình ảnh chiếc tivi đen trắng cùng những lần rủ nhau đi "xem ké" nhà hàng xóm sẽ mãi không bao giờ quên. Hồi đó, hễ thấy nhà nào trong xóm dựng cây ăng-ten lên là tụi con nít lẫn người lớn đều mừng trong bụng, vì sắp có tivi để …coi ké.

 

Có lẽ trong ký ức của nhiều người, hình ảnh chiếc tivi đen trắng cùng những lần rủ nhau đi "xem ké" nhà hàng xóm sẽ mãi không bao giờ quên. Cách đây mấy chục năm, tivi đen trắng được xem là cả một gia tài, chỉ những gia đình khá giả mới mua được.

Hồi đó, hễ thấy nhà nào trong xóm dựng cây ăng-ten lên là tụi con nít lẫn người lớn đều mừng trong bụng, vì sắp có tivi để …coi ké. 

Cả xóm chỉ có một cái tivi, nên hầu hết bà con phải đi xem nhờ.

“Xoay qua phải chút nữa, hột không rồi, trả lại xíu, qua trái, nữa, nữa. Đúng rồi. Được rồi, vô coi được rồi”. Đó là những câu nói quen thuộc của người dân quê tôi thời tivi đen trắng. Lúc ấy, đời sống kinh tế còn khó khăn, các phương tiện giải trí cũng không phong phú như bây giờ, bà con chủ yếu nghe radio, nên khi nhà nào sắm được tivi, dù là trắng đen nhưng cả xóm ai cũng mừng dùm.

Giữa những căn nhà lá xung quanh vườn cây xanh lá, nhà của bà Năm xóm tôi nổi bật hơn cả, không phải vì nhà tường hoành tráng mà là vì có cái cột ăng-ten. Tivi đen trắng của bà năm hồi đó vỏ màu đỏ, màn hình lồi, 14 inch, có 1 cái nút chuyển kênh và 3 núm vặn bật, tắt, tăng giảm âm thanh, chỉnh sáng tối và tương phản chứ không có remote điều khiển như tivi bây giờ.

Những buổi tối có chiếu phim, cải lương hay thời sự là cả xóm tập trung lại để xem, đông đúc, và nhộn nhịp. Nhất là coi cải lương, bà nội tôi với mấy cô bác, lúc nào cũng khóc khi cô Nguyệt trao con cho ông Minh trong Tô Ánh Nguyệt, rồi khi cô Lựu trong Đời Cô lựu nhận lại con ruột của mình.

Chuyện cái tivi là cả gia tài, hiếm nhà có được không chỉ ở xóm tôi mà ở Long Xuyên, An Giang, quê của anh Trương Thành Đạt cũng y vậy, nhưng khác ở chỗ, nhà anh chính là hộ có điều kiện sắm tivi.

Anh Đạt kể: "Hồi xưa, nhà anh có TV trắng đen mà xài bằng điện bình. Nhớ hồi xưa trong cái xóm chỉ có nhà anh có TV thôi. Mỗi lần có xem phim hay là xem cải lương là nguyên một nhà luôn, đâu chừng mười mấy hai chục người. Xóm anh thì xung quanh là dòng họ không hà, mấy anh em xúm lại coi".

Nhà nào có tivi, nhà đó thành trung tâm xóm. Trời chập tối, mọi người tranh thủ ăn cơm nước, tắm rửa, lội đồng, bơi xuồng đi coi ké. Chủ nhà cũng hiếu khách, trải chiếu, xếp ghế cho mọi người ngồi. Có bữa không còn ghế, nhiều người phải đứng hoặc lót dép ngồi đỡ. Tôi hay đi coi cải lương cùng với bà nội, vì con nít nên được ưu tiên ngồi hàng đầu, gần tivi để coi cho rõ, nhưng hổng bữa nào coi hết tuồng, cứ sau phần giới thiệu, nghệ sĩ hát vài cảnh là tôi ngáp dài, ngáp vắng. Biết ý cháu, nội hay nói: “Ngủ đi con, lát hết tuồng, nội kêu dậy đi dìa".

Kể về chuyện đi coi ké tivi, ông Trần Ngọc Hưởng, ở Hậu Giang nhớ lại: "Toàn đi coi ké thôi, một xóm 9-10 cái nhà, có 1 cái vô tuyến, vô tuyến trắng đen, nhiều khi gió nó giặt nghe hù hù, không thấy đường thấy sá gì. Hồi đó toàn trắng đen, khoảng năm 96-97 thì TV màu mới phát triển ở nông thôn. Lúc đó cũng có màu mà màu ở dân thành thị chứ còn trong nông thôn mình không có. Khi mà có TV màu, 1 cái 14inch, số tiền tương đương 4 chỉ vàng, thời điểm khoảng năm 94-95 còn trắng đen thì có 7-800 ngàn".

Ở nông thôn, lúc bấy giờ chưa có điện, phải xem tivi bằng bình ắc quy. Hết điện thì đem ra chợ sạc. Thỉnh thoảng, đang khúc cao trào thì hết điện, phải chờ thay bình mới, ai cũng tiếc hùi hụi vì không coi được khúc hay. Muốn coi đài nào thì phải xoay ăng-ten chứ không điều khiển. Lệch hướng nhiều khi nhiễu xem không được.

Anh Đạt kể tiếp: "Vui nhất là đi vặn ăng-ten, đi suốt. Ngày nào coi TV cũng vặn ăng-ten. Người lớn thì coi cải lương còn tụi anh thì coi hoạt hình, thường tối tối sau thời sự có hoạt hình là đi vặn ăng-ten, vặn đã đời luôn để canh trúng đài. Con nít thì tụ theo giờ con nít, còn người lớn thì tụ theo khung giờ người lớn mà hồi xưa chạy bằng điện bình. Hồi xưa nói là bị rớt sóng. Kiểu như đang bắt đài này mà nói xen xen nội dung của đài kia vô. Tức dữ lắm".

Thời tivi đen trắng, thời gian đài truyền hình phát sóng ngắn, chương trình cũng không phong phú như bây giờ, nên mọi người hay để dành điện bình để coi thời sự, cải lương hoặc hoạt họa chứ hiếm khi coi mấy chương trình khác.

Ông Trần Ngọc Hưởng nói: "Chỉ có ngày thứ 7 với chủ nhật, còn ngày thường thì phim tài liệu, thời sự thành ra nó không bằng bây giờ. Chiều 5-6 giờ đi lại đó chơi, người lớn uống trà, nhỏ thì ngồi nói chuyện, chơi đồ chơi, 9 giờ có khi 10 giờ, 10 giờ mấy vì chương trình khoảng 45 phút, 1 tiếng trở lại".

Hết chương trình ra về, mọi người bàn tán sôi nổi tập phim, tuồng cải lương hôm nay, ai cũng ao ước, ráng mần để mai mốt nhà có cái tivi khỏi đi coi ké. Đi coi ké cũng có những chuyện vui, có người tận dụng đông người để kinh doanh. Vừa được xem tivi, vừa có bánh trái, nước uống nhâm nhi, ai cũng thích.

Ông Hưởng kể tiếp: "Người thì bán thuốc hút, người thì bán sinh tố, rồi bắt đầu chủ nhà nhiều khi bán cà phê đồ nữa. 8 giờ mấy 9 giờ gần tới chương trình mới bắt chứ đâu có bắt thời sự như bây giờ, tại vì xài bình thành ra sợ bắt sớm thì hết điện, Nếu ai khá khá thì mua được bình 100Am-pe, nghèo nghèo thì mua loại 12V, có 25Am-pe, hát thành ra được 1 đêm với 2 là hết".

Đến những năm 1990, điện về đến quê. Người ta không dùng ắc quy nữa mà chỉ để phòng hờ khi cúp điện. Nhiều gia đình bắt đầu sắm được tivi. Tụi con nít tụi tui không phải đi từ cuối xóm lên đầu xóm xem ké nữa.

Rồi tivi màu bắt đầu xuất hiện. Một gia đình có thể sở hữu nhiều tivi là chuyện rất bình thường. Chương trình truyền hình ngày cùng phong phú, hấp dẫn mọi người đa dạng sự lựa chọn xem trên điện thoại và trên internet nữa.

Ông Hưởng bộc bạch: "Người dân người ta đỡ hơn rồi, bị vì bây giờ có điện đài, có TV màu, TV thông nh rồi cảm ứng nữa. Từ đó, thấy cuộc sống của dân bây giờ thấy nó phát triển vượt trội quá xa".

Với sự phát triển của cuộc sống, chiếc tivi đen trắng dần lùi vào dĩ vãng, chúng bị gia chủ đem bán cho ve chai, chỉ còn vài hộ mua lại xem đỡ ghiền hoặc muốn lưu giữ làm kỷ niệm như nhân chứng cho một thời đổi mới.

Giờ đây, không còn cảnh xem ké tivi nữa nhưng ký ức về những chiếc tivi đen trắng một thời vẫn như một thước phim sống động, nh chứng cho một ký ức thật đẹp, tuy còn vất vả nhưng đầy niềm vui.