Chuyện mũ bảo hiểm

Cách đây 15 năm, một quy định mới ra đời, có tác động tới toàn bộ người dân Việt Nam, đó là việc băt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy khi tham gia giao thông… Những ngày mới áp dụng, quy định này đã gây ra những tranh cãi rất lớn trong xã hội...

Còn nhớ những ngày đầu tiên nghị định của Chính phủ ra đời, bắt buộc toàn dân tham gia giao thông bằng phương tiện moto, xe máy phải đội mũ bảo hiểm đã khiến nhiều người tỏ ra khó chịu, thậm chí viện đủ lý do để không tuân thủ.

Có chị lý do rằng vừa làm tóc nên đội mũ sẽ hỏng, mất hết cả mấy tiếng đồng hồ ngồi cho thợ tạo kiểu, uốn tóc, có anh thì nói mới gội đầu, rồi có bệnh ở da đầu, hay nóng quá không chịu nổi…

Dân ta có cái kỳ lạ, đó là đã không muốn làm gì, thì kiểu gì cũng phải nghĩ ra một lý do để từ chối thực hiện. Nhưng mà nhìn lại, với thời tiết nắng nóng như ở ta, không bắt đội mũ bảo hiểm khi ra đường thì bình thường, ai chẳng phải đội mũ, đội nón khi ra đường mà tránh nắng?

Đúng là đội mũ bảo hiểm, nó lạ lẫm quá, có chăng chỉ thấy trên phim ảnh mấy anh Tây đi moto hay đội. Thế nên người ta cứ rủ nhau phản đối. Nhưng luật là luật, tất cả phải tuân theo.

Rồi cuối cùng, ai ra đường bằng xe máy cũng phải tự trang bị cho mình một cái mũ bảo hiểm. Chẳng phải thành thói quen thì cũng là do sợ bị phạt.

Sau 15 năm thực hiện, giờ ra đường gần như ai cũng đội mũ bảo hiểm, như một điều hiển nhiên. Ấy cũng là thành công của một chính sách, xét về một khía cạnh nào đó. Nhưng còn cái việc bắt đội mũ bảo hiểm sao cho đạt chuẩn thì mãi vẫn cứ loay hoay.

Nam thanh nữ tú lái xe máy ra đường bây giờ tuân thủ rất nghiêm việc đội mũ, nhưng cái mũ ở trên đầu có phải mũ bảo hiểm và bảo vệ được cái đầu không thì còn phải xét.

Người ta thường gọi đấy là “mũ bảo hiểm thời trang”. Kỳ lạ. Trước nay chỉ thấy có quần áo thời trang, mũ thời trang. Như cánh đàn ông ở phố, đi chơi, đi cà phê hay đội mũ berret, mũ lưỡi trai, mũ nồi… chị em thì mũ rộng vành, nón lá… 

Nhưng đấy là đi bộ, đi ô tô, đi chơi… Còn cái mũ mà đội khi đi xe máy, người ta đã phải định nghĩa hẳn hoi, là mũ bảo hiểm.

Ấy thế nhưng, chẳng biết ai nhanh nhạy lại nghĩ ra cái mũ bảo hiểm thời trang để giúp những người đội mũ theo kiểu đối phó. Hình thức thì rõ là không phải mũ bảo hiểm, mà giống cái mũ lưỡi trai người ta trước nay vẫn đội, có khác là nó làm bằng nhựa. Chẳng có lớp xốp, lớp mút đệm bên trong để tránh va đập khi gặp tai nạn.

Thế là, mỗi năm, có hàng trăm, hàng ngàn vụ tai nạn giao thông trên cả nước, trong đó có vô khối người chỉ vì đội mấy cái mũ bảo hiểm thời trang mà mất đi cơ hội được sống.

Có một chuyện thế này, chẳng biết có đúng hay không nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy người ta kháo nhau: Ai mà cứ đi xe máy, đội mũ bảo hiểm kiểu “nồi cơm điện” – tức là cái mũ bảo hiểm trùm hết cả đầu cả mặt, là rất hay bị các anh công an giao thông dừng xe kiểm tra.

Bởi dân thành phố, chả mấy anh chịu đội cái mũ to tổ bố nóng toát mồ hôi đấy cả. Mà các anh ở quê ra thì hay vi phạm luật giao thông, nên hay bị công an giao thông hỏi thăm là vậy…

Chuyện vui vậy thôi, chứ điều đáng mừng bây giờ, rất nhiều bạn trẻ còn lập ra hẳn những hội nhóm yêu thích đội mũ bảo hiểm. Họ thậm chí bỏ ra rất nhiều tiền để sắm cho mình một chiếc mũ bảo hiểm với đầy đủ tính năng an toàn cao nhất, với suy nghĩ, đã mất công đội mũ bảo hiểm thì phải đội cho đẹp, và hơn hết là an toàn.

Giờ thì chẳng ai còn cười người nào đội “nồi cơm điện” ra đường nữa mà nó đã thành một phần của thời trang đường phố rồi. Tất nhiên, cái mũ bảo hiểm thời trang thì chúng ta nên bỏ, và không nên coi nó là thời trang khi ra đường.