Chuyện làm giàu của tỷ phú sầu riêng

Với quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp, lão nông Võ Văn Em (ông Chín Em), ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, biến những hecta đất ruộng thành vườn cây trĩu quả, mang lại doanh thu tiền tỷ và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

 

Mạnh dạn chuyển đổi từ lúa kém sang sầu riêng 

Ông Võ Văn Em vươn lên trở thành tỷ phú nhờ cây sầu riêng. Nguồn Báo Dân Việt

Chú Chín bắt đầu trồng sầu riêng từ khi nào và điều gì khiến chú quyết định chuyển sang loại cây này để phát triển kinh tế vậy chú?

Khoảng 10 năm. Lúc đó làm lúa bấp bênh quá nên sang qua cây. Trồng thì cũng bình thường thôi mà cần chịu khó chăm sóc nó một chút. Nặng công chăm sóc lắm. Ban đầu trồng có 500-600 cây.

Trước khi trồng sầu riêng thì mình có trồng cây gì không chú?

Mấy năm rồi trồng xen cây mít Thái vô. Bây giờ hạn hết rồi, đâu còn nữa đâu. Trồng đỡ chừng 3 năm, 3 năm là cắt hết.

Sầu riêng là loại cây khó trồng, cần kỹ thuật cao và chăm sóc kỹ lưỡng. Hơn nữa, giá cả thị trường cũng bấp bênh. Có khi nào chú nghĩ đến việc chuyển sang cây trồng khác để giảm rủi ro không?

Giá cả hiện tại đang rất bấp bênh, nhưng sau 5-7 năm trồng cây, không thể nào dễ dàng hủy bỏ chúng. Mọi thứ đều cần kiên trì; nếu phá bỏ và làm lại, khi thị trường có giá, tới lúc gần thu hoạch, liệu có thể chặt bỏ một lần nữa hay không?

Việc trồng sầu riêng có những khó khăn gì chú Chín, đặc biệt là trong khâu chăm sóc và đậu trái?

Việc chăm sóc cây thì dễ nhưng đòi hỏi nhiều công sức. Khâu ra trái khá phức tạp; để làm bông và đậu trái rất tốn sức và cũng mệt mỏi. Phân bón cần phải điều chỉnh theo thời tiết hàng tuần và từng năm. Để ra bông ra trái, cần đảm bảo thuốc men đầy đủ. Tuy vậy, việc đậu trái là rất khó khăn, vì cây thường hay rụng nụ. Điều này thường phụ thuộc vào thời tiết, và nếu trồng vào trái vụ thì năng suất không cao.

Thông thường, một cây có thể cho khoảng 100kg trái, nhưng trong mùa nghịch chỉ cho khoảng 50kg. Mặc dù giá có thể cao hơn, nhưng làm mùa nghịch cũng ảnh hưởng đến cây. Công sức nhiều và mình cũng tốn tiền che phủ.

Vườn mình hiện tại trồng mấy loại chú và mình phân biệt các loại này sao chú?

Hai loại Ri với Monthong. Trái nó dễ biết lắm mà. Cái múi nó chà bà, nó nhô ra, dễ biết lắm. Còn sầu riêng Ri6 thì trái nó tròn. Cái múi nó cũng thẳng băng vậy đó, còn cái thằng này nó u nần vậy đó.

Cảm ơn chú Chín đã dành thời gian chia sẻ với Mekong FM. Chúc chú và gia đình mạnh khỏe, vườn cây trúng mùa, được giá.

Theo ông Chín Em nông dân phải có kinh nghiệm mới xử lý sầu riêng nghịch vụ đạt hiệu quả cao. Nguồn Báo Dân Việt

Lão nông Hậu Giang sở hữu 46ha đất vườn với 10.000 gốc sầu riêng

Mạnh dạn chuyển đổi hàng chục hecta đất lúa kém hiệu quả sang trồng sầu riêng và mít Thái, chỉ sau vài năm, lão nông Võ Văn Em đã gặt hái thành công với doanh thu tiền tỷ. Hiện, gia đình ông Chín sở hữu 46ha đất vườn với 10.000 gốc sầu riêng, trong đó gần 2.000 gốc đang cho trái, ông Chín Em trở thành tấm gương tiêu biểu trong vùng nhờ tinh thần học hỏi, sáng tạo và sản xuất kinh doanh giỏi.

"Chú trồng theo hướng hữu cơ, nuôi dê và ủ phân để bón cho cây. Đến nay đã được hơn 100 cây. Mình cũng xử lý phân trong chuồng, sau đó xúc ra phơi cho ráo nước. Tất cả đều do mình tự tìm tòi, học hỏi chứ không qua trường lớp nào cả."

Vụ sầu riêng 2024, ông Chín Em thu hoạch 160 tấn và theo dự kiến, vụ 2025 sản lượng sẽ tăng lên khoảng 200 tấn. Trước đây, nhận thấy trồng lúa cho thu nhập thấp, gia đình ông phải bươn chải để chăm lo cho cuộc sống. Năm 2014, sau thời gian học hỏi từ các nhà vườn giàu kinh nghiệm ở Tiền Giang, ông Chín quyết định chuyển đổi 3ha đất lúa sang trồng sầu riêng Ri6.

Vụ thu hoạch đầu tiên hắng lớn, lợi nhuận vượt xa so với trồng lúa. Nhận thấy cơ hội lớn, ông mạnh dạn chuyển toàn bộ số đất ruộng còn lại sang trồng sầu riêng Ri6 và Monthong.

"Cái này tự động mình làm chứ không có ai động viên hết. Cũng không có gì khó khăn đâu".

"Đợt này thì em mới cắt mấy ngày nay. Thái hàng đẹp thì 113.000 đồng xô. Ri 6 xô là 70.000 đồng. Nói chung là trồng sầu riêng, năng suất mình đạt thì giá thành ổn định là ngon rồi so với mấy loại cây khác".

Theo ông Chín Em, trồng sầu riêng đã khó, trồng sầu riêng trái vụ còn khó hơn nhiều. Năng suất trái vụ thường thấp hơn chính vụ từ 10-15%, chi phí đầu tư cũng cao hơn nhưng bù lại, giá bán cao gấp 2-3 lần. Tuy nhiên, để làm được điều này, người trồng phải có kinh nghiệm dày dặn.

"Nó cũng khó lắm à, thời tiết rồi dịch vụ này nọ cũng khó lắm. Tìm tòi chứ lúc đầu đâu có biết đâu. Làm ở đây nhờ có công ty tài trợ cho mình làm, tới vụ đó, người ta đưa thuốc, phân. Kỹ sư vô hướng dẫn".

Ngoài việc canh tác sầu riêng hiệu quả, ông Chín còn trồng mít. Phụ phẩm mít làm thức ăn cho cá, ủ phân hữu cơ bón cây ăn trái và nuôi dê. Hiện trang trại dê của ông Chín có trên 100 con dê. Không chỉ ông Võ Văn Em mà các con của ông cũng dần gắn bó với nghề nông, cùng nhau mở rộng mô hình sản xuất.

Anh Võ Trung Tình, con trai ông Em, chia sẻ về định hướng phát triển của gia đình và những trăn trở khi gắn bó với nông nghiệp: "Gia đình cố gắng càng mở rộng diện tích hơn và năng suất sẽ tốt hơn và chất lượng sẽ cao hơn từng năm. Ngày xưa nhỏ cũng chưa suy nghĩ tới, chủ yếu là đi làm kiếm tiền thôi chứ không phải làm nông. Giống như cơ duyên là mấy anh em xúm lại làm nông hết. Thấy tiềm năng của nông nghiệp sau này nó sẽ ổn hơn xíu".

Với nỗ lực của mình, ông Võ Văn Em 3 lần được bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được UBND tỉnh Hậu Giang Tặng Bằng khen. Năm 2023, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Đã có thành tích trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Với sự kiên trì, nỗ lực không ngừng, lão nông Võ Văn Em đã chứng nh việc chuyển đổi mô hình sản xuất đúng hướng không chỉ giúp nâng cao thu nhập mà còn góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp địa phương phát triển bền vững.