Chuyên mục Bộ hành qua phố xin được ngồi lại dưới bóng mát cây xà cừ đại thụ duy nhất còn lại trong sân Cung, để “nghe phố kể chuyện cây” với biết bao tâm tình từ những người kể chuyện…
"Trước trong này có 3 cây, 1 cây bị chết đốn đi cách đây mấy năm, còn 1 cây nữa ở góc này, khi người ta làm cái bể nước ngầm ở ngay sát gốc cây giữa sân, xén vào rễ nhiều quá nên nó bị ảnh hưởng, giờ còn mỗi cây này".
"Gốc cũ của cây xà cừ đây giờ thành cái bồn này. Khi lúc cắt gốc cây xà cừ này, như thợ người ta bảo xe tải bênh lên mới biết là dưới gốc cây xà cừ có 1 nhũ đá cao khoảng 20cm nó nhú lên, thợ mới bảo đưa lưỡi cưa lên là cùn, sau mới biết là cưa vào đá. Chính ở giữa luôn, cái nhũ đá ở giữa trong gốc cây này".
Cây xà cừ đại thụ duy nhất còn lại trong Sân Cung Thiếu Nhi như nhân chứng gợi nhớ về những người bạn đã không còn của mình. Đó là những cây xà cừ đại thụ khác, cũng được trồng từ trước khi Cung Thiếu Nhi ra đời năm 1955.
Nơi đây trở thành địa chỉ quen thuộc của tuổi thơ rất nhiều thế hệ người Hà Nội, mà mỗi khi nhớ đến, hay đưa các con, các cháu tới tham gia sinh hoạt tại Cung, ai cũng thấy như được sống lại với niềm vui và niềm tự hào của con trẻ ngày nào:
"Các em học hợp xướng ở Cung thiếu nhi, các ngày lễ lớn các em được đi biểu diễn, môi trường Cung thiếu nhi này rất thích, cây xanh là phải đảm bảo rồi, rất vui, các em đi biểu diễn suốt, các cô đều đi tham gia mà".
"Mùa hè vẫn cho các cháu vào học hành các bộ môn, thể thao thể dục…"
"Ở đây trung tâm lắm, Bờ hồ nó là trung tâm của cả nước mà Cung thiếu nhi ở đây mấy chục năm nay rồi, tất cả mọi người đều biết…"
Cây xà cừ đại thụ trong Cung Thiếu Nhi Hà Nội phía giao giữa đường Lý Thái Tổ và Trần Nguyên Hãn với gốc cây to, 2 người mới ôm xuể, cành lá xum xuê, xanh tốt. Đây là nơi vui chơi yêu thích của trẻ em đến tham gia sinh hoạt, cũng là nơi các phụ huynh ngồi hóng mát, chờ đón con mỗi ngày:
"Cây to bóng mát thôi, đa số rơi vào ngày hè là chỗ trẻ con tham gia sinh hoạt để các cháu nó chơi. Ngày trước ở đó có cái sân khu vui chơi, có các trò chơi cho các cháu, sau này bị covid thì các hoạt động đó dừng nên không có sân chơi cho các cháu thiếu nhi nữa, nên thường phụ huynh đưa các con đến là còn có chỗ chơi, nhưng bây giờ là không có chỗ chơi, là chỗ người ta kết hợp vừa cho cháu đi học, vừa chơi, giờ cuối cùng không có, thành ra hơi tiếc".
Dưới gốc cây xà cừ hôm nay dù đã bớt đi tiếng vui đùa rộn rã của trẻ nhỏ, nhưng ông Nguyễn Tùng, nhà ở Cầu Gỗ vẫn mừng vui xen lẫn thán phục mỗi khi nhìn thấy cây xà cừ đại thụ lá vẫn xanh tốt:
"Ví dụ tuổi mình năm nay 77 thì cái cây này đã có từ bao giờ rồi. Đây là cái nơi gần nhà ngày xưa. Những cây to như thế này còn tồn tại là rất hiếm, mình đứng sát lại hàng rào nhìn mới thấy nó ghê gớm. Được cái nó rất khỏe, tuy tuổi nhiều nhưng nó vẫn xanh tốt, nó có rụng lá đâu, ít nhất nó cũng phải gấp đôi tuổi mình, phải 130-140 năm…"
Đặc biệt, mùa đông tới, cây xà cừ đại thụ xum xuê trong sân Cung cũng là nơi ấm áp cho hàng đàn cò, đàn vạc bay về, tạm trốn rét trong những ngày đông giá nhất, như ông Phi Long, làm công việc bảo vệ tại Cung 35 năm qua kể lại:
"Cây xà cừ, thời điểm nếu vào mùa đông giá rét lạnh dưới 10 độ thì cò với vạc hay bay về đậu trên ngọn cây này. Có những đợt trời lạnh ơi là lạnh, nó ăn nhiều, và cũng bài tiết nhiều trắng hết cả chỗ này. Như trước cứ có những đợt lạnh kéo dài là kiểu gì quy luật nó cũng kéo về, lạ cái là trời lạnh như thế mà nó vẫn kéo về đậu tít trên cây, kêu váng hết cả đầu…"
Cung Thiếu Nhi Hà Nội đã có thêm địa điểm mới, to rộng, hiện đại hơn, song tuổi thơ của người Hà Nội vẫn còn lưu giữ thật nhiều kỷ niệm ở địa chỉ 36-38 Lý Thái Tổ, với từng gốc cây được gọi tên, từng câu chuyện được kể lại…Cây xà cừ qua hơn trăm năm tuổi vẫn lao xao cùng phố, và nghe phố thân thương, trìu mến kể những câu chuyện về mình…