Đi sâu vào những con ngõ nhỏ, hẹp của phố Khâm Thiên, quận Đống Đa dễ dàng tìm thấy các tòa "chung cư ni" cao từ 6 đến 9 tầng. Như đường vào chung cư ni tại số 93 ngõ 241, ngõ Chợ Khâm Thiên là con ngõ sâu hun hút, chiều rộng đường chưa tới 2m với 3 lần rẽ mới tới nơi.
Chung cư này giống như nhiều ngôi nhà khác trong ngõ ngách, được xây dựng theo kiểu nhà “ống” ba mặt giáp nhà dân.
Tương tự, chung cư ni số 55 ngõ 165, ngõ Chợ Khâm Thiên với chiều cao 6 tầng cũng chỉ có một lối thoát duy nhất ra ngõ rộng chừng 2m. Bảo vệ chung cư này cho biết đã giật mình khi đọc tin về vụ cháy ở Khương Hạ, bởi ông từng nhiều lần nhắc nhở người thuê nhà tại đây phải chú ý phòng chống cháy nổ.
Còn ông N. V. H ở ngõ 241, ngõ Chợ Khâm Thiên, hàng xóm với tòa chung cư ni 9 tầng hết sức lo lắng: "Mỗi nhà sử dụng một kiểu khác nhau, bếp ga, bếp điện, đường điện,… nhưng không phải ai cũng có ý thức. Có nhà ở 1-2 người thì thoải mái, có nhà 5-6 người ở trong hơn bốn chục mét vuông người ta vẫn ở đây này. Nói tóm lại là không an toàn, nếu mà cháy thì chỉ có cách dẫn ống vào, chẳng làm gì được"
Với chung cư ni 7 tầng tại số 15, ngõ 165, phố Xã Đàn, tất cả ban công các tầng đều lắp chấn song inox, có cửa mở nhưng không có thang xuống. Bởi thế, ông Nguyễn Văn Hải, cư dân ở phường Nam Đồng hết sức lo ngại về nguy cơ cháy nổ khi tầng 1 chật ních hàng chục xe máy mà chỉ có một tủ chữa cháy và không có bảo vệ trông coi: "Nói chung là mất trật tự, đi về ban đêm, sớm hôm, bà còn dân phố thấy rất ồn ào. Thứ hai là làm sao phải có người trông coi, quản lý cho đảm bảo an toàn".
Từ nhiều năm nay, ở phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy cũng có thêm những tòa chung cư ni đan xen với các nhà cao tầng. Tại đây có những chung cư ni được đầu tư xây dựng để bán hoặc cho thuê, với đặc điểm chung là các căn hộ nhỏ vài chục mét nên nhìn rất chen chúc và chật chội. Thêm vào đó, có tòa nhà gần sông Tô Lịch khiến không khí càng thêm bí bách.
Sống trong tòa nhà 8 tầng với hơn 40 căn hộ, anh Nguyễn Minh Đức cho biết, căn hộ của anh có diện tích lớn nhất là 35m2, còn phổ biến là căn hộ 25m2. Anh Đức cũng biết có thể gặp nguy hiểm nhưng chưa có đủ khả năng để chuyển đến nơi ở khác: "Chung cư ni này nó như con dao hai lưỡi, vừa giải quyết được nhà ở nhưng rất nguy hiểm trong vấn đề PCCC vì trong ngõ ngách thì PCCC vào rất khó mà ở Hà Nội rất nhiều chung cư ni nên để kiếm soát vấn đề PCCC là rất khó".
Vấn đề PCCC cũng đang là nỗi lo chung của nhiều người dân sống trong các tòa chung cư ni. Chị Minh, cư dân tại một chung cư ni ở phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân bức xúc khi cả tòa nhà 10 tầng chỉ có 1 cửa ra vào sử dụng cửa cuốn điện: "Hệ thống cửa chính ra vào cứ đến tối đêm 11-12h là sập xuống mà cửa đó chạy bằng điện, lo lắng nhất là khi xảy cháy thì điện sẽ ngắt thì cửa đó có mở được không để mà thoát hiểm được bằng cửa đó".
Thêm vào đó, các chung cư ni khi xây dựng lên đều bị tận dụng tối đa quỹ đất nên ít làm lối thoát hiểm. Điều này khiến những cư dân tại đây cảm thấy bế tắc nếu không may sự cố xảy ra: "Diện tích của khu chung cư ni nó rất nhỏ, rất chật chội và lối đi lại nhỏ lắm, nếu có vấn đề gì muốn thoát rất là khó. Như gặp hỏa hoạn như đêm qua thì muốn thoát rất khó bởi lối thoát rất bé".
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, đặc điểm chung của chung cư ni tại Hà Nội là nằm trong ngõ, ngách nhỏ với diện tích căn hộ cũng rất nhỏ, nó đáp ứng nhu cầu về nhà đất cho một bộ phận người dân nhưng tiềm ẩn quá nhiều rủi ro: "Hiện nay chung cư ni ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM phát triển rất mạnh, với hàng chục phòng, mỗi phòng chỉ 15 - 30m2 lại nằm sâu trong ngõ ngách nên vấn đề PCCC rất khó. Đây là vấn đề thuộc chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn phải vào cuộc".
Không chỉ đến vụ việc cháy chung cư ni tại Khương Hạ mà trước đó, nhiều vụ cháy chung cư ni gây thiệt hại lớn đã xảy ra như vụ việc tại chung cư ni ở ngõ 132 Cầu Giấy hay số 315 Vũ Tông Phan. Điều này khiến không ít người đặt câu hỏi: tại sao hàng loạt vụ cháy chung cư ni liên tiếp xảy ra nhưng chung cư ni vẫn được cấp phép mọc lên trong ngõ nhỏ? Các quy định hiện hành về vấn đề này ra sao, liệu có khoảng trống pháp lý nào trong vấn đề này hay không?
VOV Giao thông sẽ tiếp tục đề cập vấn đề này trong bài viết tiếp theo.