Chủ quán nhậu làm gì khi thực khách say xỉn muốn tự lái xe

Không ít người đến quán uống rượu bia rồi tự lái xe về nhà. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Vậy những chủ quán nhậu, họ suy nghĩ như thế nào khi thấy thực khách có dấu hiệu say xỉn nhưng vẫn tự lái xe về nhà.

PV có cuộc trò chuyện với vợ chồng chị Chi và anh Bằng chủ một quán bia trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tôi xin hỏi chị Chi trước đi, rất vui gặp chị trong chương trình Trò chuyện trên phố của Kênh VOV Giao thông. Hàng ngày lượng khách đến quán của chị đông nhất là thời điểm nào?

Thực ra lượng khách bên quán em, thường ngày buổi trưa thì em bán cho Văn phòng, bán bia và đồ nhậu cho anh em, tối nhậu nhiều hơn.

Làm ở quán chắc hẳn chị cũng từng chứng kiến có những vị khách uống bia rượu quá chén, chị có thể chia sẻ một vài trường hợp mà chị đã gặp không ạ?

Chị Thùy Chi: Em làm nghề này thì em nhìn thấy những người khách quá chén rất là nhiều. Ví dụ như 3 hôm trước đây, có một anh khách đến đây uống thì em thấy anh uống khá nhiều. Sau đó là anh nói hơi nhiều, ngôn từ anh không được chuẩn, với anh đi đứng không chuẩn như mới vào.

Em có khuyên anh để xe lại đây em cất xe cho anh. Anh cứ về đi. Em gọi xe cho anh về nhà, nhân viên của em sẽ đưa anh về.

Lúc đấy thì khách phản ứng như thế nào ạ?

Lúc đấy anh đưa luôn cho em chìa khóa xe của anh. Anh bảo, em tự xử lý xe của anh. Em có hỏi trong xe anh khó tài sản nào đáng giá không và nếu có thì em xin phép lấy ra và đưa về tận nhà cho anh còn không thì em xin phép giữ xe cho anh, một là anh đến lấy được, nếu không em sẽ chuyển về nhà bàn giao lại cho anh.

“Đã uống rượu bia thì không lái xe”, một thông điệp ngắn nhưng mang đầy đủ ý nghĩa, trước hết vì sự an toàn của chính bạn, sau đó là những người xung quanh

Chị đã gặp trường hợp nào khi khách uống say, mặc dù quán đã quan tâm đưa xe về, nhưng họ vẫn kiên quyết tự lái về chưa?

Thực ra là những khách như thế thì rất nhiều. Bởi vì khi người ta có chén rượu, người ta không chuẩn và người ta luôn khẳng định mình chưa say. Giống như mình đi nhậu nhiều rồi thì say rồi mình bảo là chưa say. Còn chưa say thì mình bảo là say rồi để đỡ phải uống.

Khách như thế thì mình phải có biện pháp làm sao, có lời giải thích làm sao cho hợp lý, để khách người ta hài lòng và giao trách nhiệm xe cho mình, để yên tâm về nhà.

Đối với những người đã sử dụng rượu bia nhưng vẫn cố tham gia giao thông thì chị suy nghĩ như thế nào ạ?

Những khách uống rượu bia quá chén em khuyên không nên lái xe, bởi vì em thấy độ nguy hiểm quá cao. Và nếu như nhậu ở bất kỳ một quán nào đó mà được sự quan tâm của chủ quán thì sẽ tốt hơn.

Giờ tôi xin hỏi anh Bằng đi. Tôi thấy nhiều người sau khi uống rượu bia say nhưng vẫn nghĩ là mình đủ sức khỏe, đủ tỉnh táo để đi xe về nhà. Anh thấy sao về điều này?

Vâng, nhiều người uống quá say, nhưng người ta không nghĩ mình say rồi. Người ta cứ nghĩ người ta có thể có thể đi xe về.

Chẳng may bị tai nạn thì đầu tiên đó là bọn em mất khách, thứ hai nữa là người ta bị tai nạn như thế thì thiệt cho khách và bọn em cũng cảm thấy mình chưa làm gì để tốt nhất cho khách

Có trường hợp nào sau khi nghe anh thuyết phục khách đồng ý để xe lại quán chưa ạ?

Anh Bằng: Cách đây 2 hôm có một anh khách uống rượu say rồi, bọn em ra nói chuyện, bảo bây giờ anh ở đâu chúng em đưa anh về. Lúc đầu anh kiên quyết tự đi xe về nhưng sau anh nghĩ lại và để xe lại quán. Như thế rất mừng vì, nếu ra đường nhỡ va chạm thì vừa thiệt cho khách vừa thiệt hại cho người khác.

Xin cảm ơn anh, chị.

“Đã uống rượu bia thì không lái xe”, một thông điệp ngắn nhưng mang đầy đủ ý nghĩa, trước hết vì sự an toàn của chính bạn, sau đó là những người xung quanh.