Chợ cóc góc phố

Gần như ở ngõ phố nào cũng có chợ cóc. Chúng được thành lập một cách tự phát. Ban đầu chỉ có một vài người quẩy gánh hàng dừng ở một góc phố vắng, bán vài mớ rau, con cá. Rồi người mua đông dần, những người bán hàng khác kéo đến. Thế rồi thành cái chợ.

Chợ cóc, không biết ai đã đặt tên cho nó, nhưng đúng như tên gọi, những chợ này gần như không họp cố định ở một địa điểm, nay góc phố này, mai góc phố khác. Đầu tiên là để tìm khách hàng, sau nữa là chạy trốn khỏi lực lượng chức năng quản lý trật tự ở khu phố đó. Vì chợ cóc, vốn không được phép hoạt động.

Mọi sự mua bán chỉ bằng niềm tin. Tất nhiên, các mặt hàng bày bán ở chợ cóc thường rẻ hơn so với bán trong chợ hoặc siêu thị. Điều quan trọng nhất, đó là sự tiện lợi, chợ có thể họp ngay sát cửa nhà, nên muốn mua gì, các bà nội trợ chỉ việc đi bộ ra ngõ.

Hoặc trên đường đi làm về nhà, tạt qua là có thể mua được mớ rau, con cá, lạng thịt về cho bữa cơm chiều.

Có những thời điểm, chính quyền địa phương đã dày công lên phương án loại bỏ chợ cóc, với nhiều lý do, như cản trở giao thông, không kiểm soát được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… Thế nhưng, cũng chỉ được một thời gian ngắn, đâu lại hoàn đó.

Có lẽ, chợ cóc sẽ biến mất đến khi nhu cầu của người mua không còn. Nhưng  chắc sẽ chẳng bao giờ có ngày đó. Bởi nó đã thành một thói quen.

Chợ cóc, hình thành từ nhu cầu và thói quen của người dân

Bây giờ, ở phố, thậm chí người ta cũng chẳng cần phải ra chợ. Cứ ngồi ở nhà, đến giờ sẽ có cô hàng cá gánh hàng đến tận cửa, cá tươi roi rói bơi trong chậu, thích khúc nào, cô hàng cá chặt khúc đó, làm sạch sẽ về chỉ việc cho vào nồi. Các món khác cũng vậy.

Và đặc biệt là rau cỏ, đã được nhặt sẵn, thích mua bao nhiêu người ta bán bấy nhiêu, chứ không còn bán mớ như ngày xưa.

Lâu dần, người bán, kẻ mua thành quen. Những món hàng được mang đến tận cửa nhà các bà nội trợ đều là thứ ngon nhất, tươi nhất, và người bán cũng phải luôn đảm bảo điều ấy. Dù hình thức có vẻ như bán hàng rong, nhưng hầu như chỉ bán cho khách quen mà thôi, nên chất lượng, có lẽ cũng chẳng thua kém hàng bán trong chợ.

Cỡ hai chục năm trở lại đây, thành phố phê duyệt một loạt các dự án xây mới lại các khu chợ truyền thống, như chợ Hàng Da, chợ Mơ, Cửa Nam, chợ Bưởi… Những chợ này xây xong, đúng như mong muốn của thành phố, đó là trở nên sạch sẽ hơn, khang trang hơn, các gian hàng quy hoạch đâu ra đấy. Và được gọi là trung tâm thương mại.

Thế nhưng, về mặt hoạt động đúng nghĩa của cái chợ thì gần như không còn. Giá cả thuê gian hàng cũng cao hơn trước. Nên nhiều người không thuê được. Những người trước đây chỉ bán vài mớ rau, củ, hay mấy thứ hoa quả lặt vặt góc chợ cũ đành phải chuyển nghề khác, hoặc mang ra những chợ cóc góc phố bày bán. Và chấp nhận chuyện thỉnh thoảng lại bị lực lượng chức năng tịch thu hàng hoá vì bày bán trái phép.

Còn người mua cũng chẳng mặn mà với chợ mới. Bởi chợ mới to quá, rộng quá, mỗi lần đi làm về ghé mua chỉ mớ rau chắc chẳng ai muốn vào những chợ mới ấy để mua. Thế là, dù chợ mới được xây đàng hoàng, to đẹp hơn. Nhưng lại được cho là thất bại trong quy hoạch.

Chẳng phải chính quyền làm sai khi bỏ chợ truyền thống mà xây trung tâm thương mại, mà vì thói quen đi chợ của người dân chưa thể thay đổi. Người ta vẫn chọn sự tiện lợi, và thế là chợ cóc vẫn luôn còn đất sống.

Cũng chẳng biết chợ nào hợp lý hơn. Nhưng, có thể nói rằng, người ta sẽ nhìn thấy chính xác cuộc sống của người dân, nhịp đập của thành phố khi đứng ở một khu chợ truyền thống, hay chợ cóc, chợ tạm nào đó.

Sẽ khó có sự thay thế nào cho cái cảm giác chen chúc giữa những người đi chợ, khéo léo luồn lách qua những mẹt hàng bày la liệt vỉa hè, dưới đất; Mũi ệng tràn ngập đủ các thứ mùi của chợ. Mua thứ gì cũng phải mặc cả, như một thói quen, một thứ cực kỳ hấp dẫn các bà nội trợ. Và trên đầu là bầu trời lúc nắng, lúc mưa, nhưng lúc nào cũng là một không gian thoáng đãng.

Hà Nội bây giờ, vẫn giống như một ngôi làng lớn, với những thói quen sinh hoạt truyền từ đời này sang đời khác. Và người ta vẫn thích sống trong những thứ bình dị, đơn giản. Có lẽ vậy mà ở con phố nào cũng thấy chợ cóc…