Chợ chính là Hà Nội

Hà Nội có rất nhiều khu chợ cũ lâu đời, ở đó thể hiện gần như trọn vẹn thói quen sinh hoạt, mua bán, ứng xử của người dân Hà Nội…

Có thời gian, người ta cứ nghe nói đến chợ Đồng Xuân là nghĩ ngay đến câu: Kẻ cắp chợ Đồng Xuân,  hay Chợ Giời (mà cái tên mỹ ều hơn là chợ Hoà Bình) thì toàn buôn bán đồ ăn cắp, ăn trộm nên tụ tập nhiều dân giang hồ, anh chị… Nên người lạ hay thậm chí những người sống ngay ở Hà Nội mà yếu bóng vía xưa nay chẳng dám vào.

Nhưng bây giờ, muốn hiểu người Hà Nội sống thế nào, theo tôi, cứ vào chợ khắc biết. Ở những chợ lâu đời như Đồng Xuân, Châu Long, chợ Hôm, chợ Mơ, Hàng Da… bây giờ chủ yếu người bán hàng đều là người Hà Nội, hoặc ít ra cũng sống đủ lâu ở mảnh đất này để mà học được phong thái người phố thị.

Vào chợ, không bao giờ thấy cảnh chèo kéo khách, cũng ít khi thấy sự to tiếng. Ai làm việc nấy. Tôi thích đi chơi ở chợ Đồng Xuân, cả khu chợ rộng lớn với đủ thứ mặt hàng và dễ có đến hàng ngàn người bán hàng ở đó, chưa kể đội quân bốc vác, vận chuyển hàng hoá…

Nhưng không khí trong chợ luôn cho cảm giác dễ chịu hiền hoà. Cái cụm từ ám ảnh kể trên, có lẽ cũng là thực, nhưng tại một thời điểm nào đó xa lắm rồi.

Có thể khi Hà Nội mở cửa thị trường, dân tứ chiếng đổ về gây cảnh lộn xộn. Nhưng cùng với thời gian, họ ở lại mảnh đất này, cùng sinh sống và buôn bán với người Hà Nội, có lẽ đã dần thay đổi và thích nghi với cuộc sống ở đây.


Ở Hà Nội, có khu chợ Giời cũng khá đặc biệt. Nếu ai thích thú với việc tự làm, tự sửa chữa đồ đạc của mình, đặc biệt là đồ điện tử, cơ khí, có thể ra đây tìm mua linh kiện, máy móc. Có đủ cho nhu cầu, từ hàng mới đến hàng cũ. Ở đây người ta bán từ con ốc vít đến những thứ máy móc hạng nặng.

Chợ cũng chia ra thành từng khu hàng riêng biệt để người đi chợ biết mà tìm. Có thời gian, thành phố quyết định di dời khu chợ này ra nơi khác, với nhiều lý do khác nhau, nhưng có lẽ, với người Hà Nội, chợ Giời là một điều gì đó khá gắn bó, và nếu không còn họp ở địa điểm hiện tại cũng sẽ là một sự nuối tiếc đối với những người hoài cổ…

Nhưng thích nhất là chợ đồ cổ cuối năm. Phiên chợ này, một năm chỉ họp một lần, sau ngày ông Công ông Táo chầu Giời. Chợ họp cùng địa điểm với chợ hoa Hàng Lược, tạo nên một không gian “chơi chợ” rất riêng của người Hà Nội. Cứ đến những ngày này, những người bán hàng ở khắp phố kéo đến đây bày hàng ra bán.

Mà thực ra, có vẻ như họ cũng chẳng có nhu cầu gì cần phải bán hết số hàng trong mấy ngày họp chợ. Thậm chí chẳng bán được món nào cũng không quan tâm. Miễn là được ra đây họp chợ, được giao lưu với bạn hàng, với người đi chơi chợ, đi xem đồ.

Khách hàng tha hồ xem, nâng lên đặt xuống, hỏi han, mặc cả đủ thứ, nhưng không mua cũng chẳng sao. Người bán không hề cáu giận, kiên nhẫn trả lời từng câu hỏi của khách hàng. Nhìn cách họ đối đáp, nó giống như một hình thức giao lưu chứ không phải là quan hệ của kẻ mua, người bán.

Khách đi xem có cả người trẻ tuổi, nhưng chủ yếu là những trung niên, người lớn tuổi. Có những cụ ông năm nào cũng đạp xe đi chơi chợ. Nếu năm nào đi chơi chợ, tìm mua được một món đồ ưng ý, dù lớn, dù nhỏ về chơi tết, thì cho là một sự may mắn, hanh thông cả năm.

Những đồ bày bán ở đây, có những món là đồ cổ, có món giả cổ, có nhiều đồ người ta lưu giữ từ thời bao cấp mang ra bày bán. Ai vừa mắt thứ gì cứ thoải mái xem, trả giá, được thì mua. Người bán cũng không bao giờ đứng trước cửa hàng chèo kéo khách. Họ chỉ ngồi im trong hàng, mặc cho khách xem đồ, chỉ khi nào khách hỏi mới đứng dậy trả lời.

Có lẽ, đó cũng là một nét thanh lịch, nho nhã qua bao năm lắng đọng mà thành tính cách của người Hà Nội.