Chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội

Ở Hà Nội, gần như ai cũng biết đến Bưu điện Hà Nội, hay còn gọi là Bưu điện Bờ Hồ và chiếc đồng hồ khổng lồ trên nóc tòa nhà ấy… Chiếc đồng hồ được hoàn thành vào đúng dịp Quốc khánh 2/9/1978. Và từ đó trở đi, là một phần trong cuộc sống và ký ức của nhiều người.

 

Chuyện về lịch sử ra đời và người phụ trách việc lắp chiếc đồng hồ ấy, đến ngày nay, chắc cũng không nhiều người biết rõ. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác và nên kể vào dịp khác.

Chỉ biết rằng, ngay từ khi chính thức đổ tiếng chuông đầu tiên, nó đã trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội, gắn bó và mang lại nhiều kỷ niệm, ký ức đẹp đẽ cho rất nhiều người.

Đặc biệt nhất, đó là vào khoảnh khắc giao thừa, khi tất cả mọi người đi đón năm mới đổ về tập trung quanh hồ Hoàn Kiếm để cùng nhau chứng kiến khoảnh khắc giao thời, và cùng nín lặng lắng nghe tiếng đồng hồ trên nóc tòa nhà Bưu điện Bờ Hồ điểm từng hồi chuông thiêng liêng, đón chào năm mới.

Bây giờ thì chiếc đồng hồ này vẫn chạy, nhưng tiếng chuông báo giờ đã bị bỏ. Cũng là một sự tiếc nuối của nhiều người:

"Thời kỳ còn bao cấp, đồng hồ còn ít, khi người ta ra tập thể dục thì người ta cứ chạy ra tập, nhưng khi về thì thường người ta thường ngó lên cái bưu điện để người ta xem mấy giờ rồi để chuẩn bị cho một bữa cơm, để chuẩn bị cho con cái người ta đến vườn trẻ hay đi học, hoặc là có thời kỳ người ta còn đủ thời gian sắp xếp tem phiếu mua những thứ khác".

"Rõ ràng cái đồng hồ đó nó gắn liền với những người lao động ở Hà Nội, cho nên với riêng tôi nó có một ý nghĩa rất quan trọng…"

Lắng nghe tiếng đồng hồ trên nóc tòa nhà Bưu điện Bờ Hồ điểm từng hồi chuông thiêng liêng, đón chào năm mới (Ảnh: Quang Hùng/VOVGT)

Như thế, từ người đi tập thể dục buổi sáng, tới các bà, các chị nội trợ, thậm chí cả người qua đường, đều dựa vào tiếng chuông báo và thời gian chính xác hiện trên các mặt đồng hồ, mà ở bất kỳ góc phố nào quanh đó cũng đều nhìn, đều nghe thấy mà tự sắp xếp cho mình thời gian để xử lý công việc.

Ấy là chuyện trước đây, khi mà cũng không mấy người có đồng hồ đeo tay, hay điện thoại nhét túi như bây giờ để mà xem giờ bất cứ lúc nào. Khi ra khỏi nhà, ở quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm, họ hoàn toàn nhìn lên chiếc đồng hồ trên nóc nhà mà xem giờ.

Chiếc đồng hồ Bưu điện Bờ Hồ có thiết kế 3 mặt hướng ra ngoài, để giúp ai đi qua khu vực Hồ Hoàn Kiếm cũng đều có thể nhìn thấy. Thực ra, nó có tới 4 mặt, quay bốn hướng, tuy nhiên, mặt sau quay vào trong khu nhà Bưu điện nên khuất, chẳng mấy ai nhìn thấy, nên cứ ngỡ đồng hồ chỉ có 3 mặt.

Trên thực tế, nếu xét về mặt cảm quan, chiếc đồng hồ kia không có gì đặc biệt Cũng giống như thiết kế của tòa nhà Bưu điện Hà Nội vậy.

Nếu so sánh với Bưu điện trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng, có tuổi đời cả trăm năm và là một trong những thiết kế nổi tiếng của ông kiến trúc sư lừng danh người Pháp Gustave Eiffel thì thật khập khiễng.

Thế nhưng, người Hà Nội vẫn coi nó như một người bạn gắn bó với cuộc sống của mình. Có lẽ, vì nó đã âm thầm, bền bỉ đi cùng họ qua quãng đường gian khó đến tận ngày nay!!!

Nếu một ngày chiếc đồng hồ Bưu điện ngừng chạy hay biến mất, có lẽ là một mất mát rất lớn với những người yêu Hà Nội, yêu Hồ Hoàn Kiếm, yêu hình ảnh chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội kia (Ảnh: Quang Hùng/VOVGT)

Nó đã trở thành một thói quen và nhu cầu trong vô thức. Còn nhớ, có một thời gian chiếc đồng hồ này ngừng hoạt động. Mỗi lần đi qua Bưu điện Bờ Hồ, ai cũng ngước lên nhìn như thể mong mỏi một điều gì đó, chứ không hẳn là muốn xem giờ.

Có lẽ, với họ, đúng là chiếc đồng hồ ấy đã quá gắn bó, gần gũi, và sự lo lắng khi nó ngừng chạy, cũng giống như khi chứng kiến một người bạn thân thiết, không may đổ bệnh. Chẳng thế mà nhiều năm về trước, khi chuông đồng hồ bị ngắt, đã khiến không ít người bâng khuâng, hụt hẫng…

45 năm, một nửa đời người, chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội vẫn chạy. Gần một nửa thế kỷ bền bỉ, như một chứng nhân, một chi tiết trong chiếc bản lề cánh cửa lịch sử, đứng lặng lẽ ở một góc Hồ Hoàn Kiếm, chứng kiến sự đổi thay của Thủ đô.

Giống như một thước phim tua nhanh thường thấy, sự biến mất của tàu điện leng keng, những hàng dài xe đạp kẽo kẹt lặng lẽ xoay quanh trục trung tâm là Hồ Hoàn Kiếm dần biến mất thay vào đó là những phương tiện cơ giới hiện đại vội vã, rất nhiều công trình mới đã được xây dựng thay thế những công trình cũ kỹ, khiến thành phố khang trang hơn, mới mẻ hơn…

Bây giờ, ai cũng có đồng hồ, nếu không thì cũng là chiếc điện thoại thông nh với chức năng báo thức, nhắc nhở công việc chi tiết tới từng phút, từng giây.

Ai ra đường cũng vội vã, gấp gáp, nhưng đôi khi lại chẳng thể đúng giờ bằng cái thời, mà tất cả mọi người cùng nhau sống, cùng làm việc theo tiếng vọng của chiếc chuông đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện kia.

Nhưng dù không còn chiếm vị trí quan trọng như xưa nữa, nhưng nếu một ngày chiếc đồng hồ Bưu điện ngừng chạy hay biến mất, có lẽ là một mất mát rất lớn với những người yêu Hà Nội, yêu Hồ Hoàn Kiếm, yêu hình ảnh chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội kia.