Chém gió

Thế nào là “chém gió” nhỉ? Mà vấn đề là sao lại là “chém gió” chớ không phải chém cái gì khác?

“Bố có người yêu từ năm bao nhiêu tuổi?”

“Lớp 12 bố đã trải qua vài mối tình rồi”.

“Thôi đi, bố chỉ giỏi chém gió…”

Vừa rồi là đoạn trò chuyện tếu táo của 2 bố con với nhau, trong đó có xuất hiện từ “chém gió”. Không khó để nghe thấy hoặc bắt gặp từ khóa này trong các cuộc hội thoại giữa mọi người với nhau.

Thế nào là “chém gió” nhỉ? Mà vấn đề là sao lại là “chém gió” chớ không phải chém cái gì khác?

Hiểu một cách đơn giản nhất thì đây là từ lóng khi dùng để nói những chuyện phiếm cho vui, thường có xu hướng bịa đặt thêm một phần hay phóng đại, nói quá lên một chút sự thật nhằm gây ấn tượng về bản thân hoặc cung cấp sai thông tin cho ai đó.

Ví dụ: "Thằng đó chém gió đấy, nó làm gì có người yêu"; "Đừng có mà chém gió, cậu tính lừa ai". Trước khi từ “chém gió” được cộng đồng mạng phóng tác thì có nhiều từ đồng nghĩa khác hay được sử dụng để diễn đạt cùng một hành vi tương tự, ví dụ như bốc phét, ba hoa, tán láo, nói xạo, nói lố…

Mấy từ này nghe “hiền” và có vẻ cổ cổ, không có cái khẩu khí vừa tếu táo lại vừa ngông nghênh như từ “chém gió”. Nếu còn dùng mấy từ này thì chắc bạn cũng thuộc về thế hệ 7x, 8x rồi.

Ảnh nh họa: Ngọc Diệp

Không ai biết chính xác từ “chém gió” có từ bao giờ nhưng được sử dụng một cách phổ biến thì cũng phải cỡ chục năm nay. Có nhiều cách giải thích khác nhau về sự xuất hiện của từ này như nó bắt nguồn từ hành động trực quan vung tay mỗi khi nói việc gì đao to búa lớn hay lúc nói chuyện tếu táo, xạo vui với nhau.

Hoặc giải thích theo một cách dí dỏm bằng cách ghép chữ tên gọi dòng xe Air Blade của hãng Honda, thì nó là sự kết hợp của 2 từ: Air = không khí, gió; Blade = gươm/dao, chém. Gộp lại thì Air Blade có nghĩa chung là “chém gió”. 

Mỗi khi từ “chém gió” thoát ra khỏi ệng thì cứ như có mưa rơi khắp trời, gió bão vần vũ, hoa rụng lả tả, âm thanh, hình ảnh sống động… thế nên chả có gì đáng ngạc nhiên khi các bạn trẻ ưa chuộng từ “chém gió”, đến mức tần suất sử dụng dày đặc cả trong giao tiếp ngoài đời cũng như trên mạng xã hội khiến cho nhiều từ đồng nghĩa khác như bốc phét, nói xạo, tán láo… gần như ít được dùng đến.

Chém gió thú vị đấy chứ và bạn đã thấy từ nào thích hợp hơn để thay thế nó chưa??? Bạn có nghĩ là tôi đang “chém gió” với bạn không.