Chàng trai 9X thổi hồn vào lá thốt nốt

Từ một loại cây trồng gắn liền với người dân vùng Bảy Núi, An Giang 9X Nguyễn Vũ Linh đã tận dụng lá thốt nốt để làm tranh, giúp bà con địa phương gia tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Hành trình truyền cảm hứng cho thanh niên trẻ trên con đường khởi nghiệp của Nguyễn Vũ Linh sẽ được giới thiệu trong chuyên mục Cảm hứng Mekong.

Nguyễn Vũ Linh đã tận dụng lá thốt nốt để làm tranh, giúp bà con địa phương gia tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ảnh: Nhân vật cung cấp

PV: Chào Vũ Linh! Lá thốt nốt em thu mua ở đâu và sau khi mua về thì em làm như thế nào để có được một bức tranh thành phẩm?

Lá thốt nốt em mua ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, em liên kết với các anh chị người dân tộc Khmer. Họ thường đi lấy nước thốt nốt với hái quả thốt nốt, trong chuyến đi đó người ta sẵn hái lá non luôn thì nó tăng thu nhập cho một lần đi.

Hái lá xong về em phơi nắng hoặc sấy, thường thì em phơi, xong rồi mình mới chọn những lá đủ độ dài, kích thước tùy theo bức tranh. Em ủi hoặc sắp lại để làm cho nó thẳng để lá giữ độ thẳng rồi em mới bôi keo cho nó dính lại mới tiến hành khắc.

Sau đó, mình cắt ra hình chữ nhật 20x30, 40x60 và bức tranh to hơn 60x90. Bức tranh to phải lựa ra nhiều lần, chọn các lá mà đủ kích thước để làm ra bức tranh.

PV: Lá thốt nốt ở An Giang rất nhiều, là nguồn nguyên liệu dồi dào, em đã làm cách nào để sản phẩm của mình nổi bật trên thị trường?

Thường sản phẩm bằng lá thốt nốt em lắp ghép lại rồi dùng công nghệ laze rem khắc nó phong phú, đa dạng hơn về kiểu dáng. Máy lazer thì em đặt ở xưởng bán sẵn còn cách sử dụng công nghệ thì em học từ internet và tham gia các group về ngành lazer để áp dụng khắc lên lá thốt nốt chứ chưa có ai khắc lên lá.

Khi mà khắc xong em lại đem lên sơn 3 lần bằng nước sơn PU để bảo quản bức tranh được lâu, tăng thêm độc sắc nét của bức tranh cao hơn.

PV: Thị trường đầu ra của tranh lá thốt nốt hiện nay như thế nào?

Tranh lá thốt nốt của em cũng thông dụng, thường các anh chị hay đặt để tặng trong những buổi giao lưu, gặp gỡ giữa đơn vị này với đơn vị kia, bên cơ quan, ban ngành là nhiều. Với các anh chị ở công ty, doanh nghiệp hay đặt.

PV: Cảm ơn Vũ Linh rất nhiều.

Nguyễn Vũ Linh đang làm tranh chân dung Bác Hồ bằng lá thốt nốt. Ảnh: Hòa Hội

Còn nhớ năm 2019, Nguyễn Vũ Linh, ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang được nhiều người biết đến với những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc từ các mảnh gỗ và tăm tre. Nắm bắt thị hiếu khách hàng, nhiều mô hình ra đời như: Văn Miếu, tháp Eiffel, khách sạn bằng tăm tre được thiết kế tỉ mỉ, tinh xảo. Nối tiếp thành công này, Vũ Linh lại chọn lá thốt nốt, một loại cây sinh kế của người dân vùng Bảy Núi chung, đồng bào Khmer hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn nói riêng làm sản phẩm phát triển trong thời gian tới.

Nguyễn Vũ Linh cho biết: "Lá thốt nốt này em đang nghiên cứu làm thêm những bức tranh 3D, ý tưởng này của em cũng lâu rồi, mỗi ngày em làm một chúc tương đối đã ổn nhưng chưa được tung ra thị trường".

Từ bao đời nay, cây thốt nốt được người dân dùng trái để sản xuất đường là chính, việc tận dụng lá thốt nốt kiếm thêm thu nhập là điều ít ai nghĩ đến. Vì lá thốt nốt không mang lại giá trị kinh tế như trái và nước thốt nốt. Chính vì thế, Vũ Linh ấp ủ ý định sẽ sản xuất các mặt hàng lưu niệm gắn liền với loại lá này. Muốn góp sức trẻ xây dựng quê hương và đồng thời Linh cũng mong được lan tỏa hình ảnh đẹp về thế hệ thanh niên An Giang chí thú làm ăn, không ngừng vươn lên.

Thế nhưng, những ngày đầu trên đà lập nghiệp, chàng trai 9x còn nhiều băn khoăn, không biết phải bắt đầu từ đâu. Kể từ khi được Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh giúp sức, thông qua các lớp tập huấn kỹ năng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ Vũ Linh đã tự tin hơn nhiều.

Những bức tranh lần lượt ra đời như tranh về Bác Hồ, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trống đồng Đông Sơn... được làm từ lá thốt nốt qua bàn tay khéo léo của 9X An Giang khiến nhiều người thán phục: "Theo dõi Vũ Linh qua facebook mấy năm thì mình biết bạn từ hồi làm tăm tre cho đến giờ là lá thốt nốt, sản phẩm nào Linh cũng làm rất công phu, tỉ mỉ".

Ảnh: Tiền Phong

Trước thềm năm mới, cơ sở làm tranh và các sản phẩm từ tăm tre của Nguyễn Vũ Linh lại tất bật, rộn ràng. Đang xếp từng lá thốt nốt ngay ngắn đặt trên bàn để chuẩn bị cho các đơn hàng sắp tới, Vũ Linh trải lòng: "Em dành thời gian làm nhiều hơn để trong Tết với sau Tết em bán cho khách du lịch. Tại vì em làm bán ở các điểm du lịch cho khách trải nghiệm luôn. Theo em thì khách hàng có nhu cầu mua tranh trang trí và khả năng phát triển của các sản phẩm thủ công nhanh chóng thì nó hơi khó, vì nó phụ thuộc vào nhân lực rất là nhiều".

Hành trình chinh phục những ước mơ bao giờ cũng đầy chông gai, thử thách nhưng bằng sự can đảm, bền chí Nguyễn Vũ Linh đã vượt qua mọi khó khăn và cho ra thêm nhiều sản phẩm độc đáo từ lá thốt nốt.

Hy vọng rằng, bước sang năm mới 2024, những dự định mà chàng trai này đang ấp ủ sẽ được thực hiện. Và lá thốt nốt của quê hương An Giang sẽ được “lên đời”, khoác “chiếc áo mới” với công nghệ mới do đôi bàn tay tài hoa của Nguyễn Vũ Linh sáng tạo nên.