Chàng thanh niên trẻ góp sức làm hàng trăm cây cầu nông thôn

Chung tay xóa cầu xuống cấp, tạm bợ bằng những công trình kiên cố, đó là việc làm tử tế từ anh Nguyễn Hoài Thanh, chàng thanh niên trẻ ở Hậu Giang, luôn hết mình với công việc thiên nguyện và lan tỏa tình yêu thương đến cộng đồng.

 

Anh Nguyễn Hoài Thanh (Thứ 2 từ phải qua) tại lễ khởi công cầu. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cơ duyên nào đã đưa anh Thanh đến với công việc thiện nguyện xây cầu, xây nhà rồi làm đường nông thôn vậy?

Hồi xưa, Thanh đi học mà chú, bác bắc cầu khỉ mình mơ ước sau này mình được đi cây cầu bê tông. Công việc này xuất phát từ những việc làm đi học khó khăn, bức xúc của quê mình nghèo. Mình nung nấu bắc được 1-2 cây cầu để mình đi lại thuận tiện thay vì thấy bà con qua lại nguy hiểm.

Từ đường nhà của Thanh đi ra chợ Cầu Móng qua xã Hòa An có 5 cây cầu. Mỗi lần đi ngang thấy mấy chú, mấy bác bị ngã, mình kìm lòng không được. Từ đó, nổi lên lòng ham muốn tại sao chỗ khác làm cầu được mà mình làm không được, bắt đầu mình tìm giải pháp, cách để mình làm. Người này cho, người kia cho, phải xin ý kiến Đảng ủy xã, người ta cho phép, mình làm.

Tính đến nay, nhóm của anh đã xây được bao nhiêu cây cầu nông thôn rồi?

Nếu mà tính so tới bây giờ chắc cũng 110 cây rồi đó. Qua năm chắc riêng Hậu Giang là 15 cây. Hôm nay, xây cây cầu ở Đồng Tháp với Bạc Liêu. Bữa nay bàn giao nè. Của mấy anh, mấy chú, mấy bác mình gom lại mình làm. Nói chung là làm từ thiện, mình làm, những chỗ nào khó khăn, bức xúc là mình tới.

Chỗ mình cho là đúng giá trị, phát huy đúng giá trị, phát huy được tiềm năng cây cầu nên mình cứ cho. Mấy anh em nói “anh ơi, cây cầu này khó khăn quá”, mình thấy khó khăn thật sự, bắt đầu mình cùng xây cho bà con đi, mà cái tình cảm của bà con. Tại vì mình chỉ có tiền vật tư thôi.

Thứ hai, công cán bà con bỏ ra. Thứ ba mình phối hợp để bắc được cây cầu thì giá trị nó rất là thấp, chất lượng cây cầu lại tăng lên.

Thời gian đầu khi biết con mình có ý định đi làm việc từ thiện, gia đình của anh phản ứng như thế nào?

Ba mẹ ủng hộ lắm, tạo điều kiện ở gia đình làm. Tại vì mình làm theo hướng từ thiện, ba mẹ cũng đồng hành lắm. Cô bác người ta khen, ba mẹ cũng phấn khởi. Người đã lo ngoài xã hội thì trong nhà lúc nào cũng phải thiếu thốn.

Khi điều kiện hậu phương, gia đình người ta, ba mẹ mình lo cơm lo nước, hoàn thiện hết trơn, mình mới ra mình làm được. Giống như được ba mẹ thương, cáng đáng gia đình thì không làm được đâu, phải hiểu và thông cảm.

Đến nay, nhóm thiện nguyện của anh Thanh đã xây dựng khoảng 110 cây cầu nông thôn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Để hoàn thành một cây cầu, thời gian thi công tính bằng tháng mà những anh em trong nhóm của mình thì đa số hoàn cảnh khó khăn. Mình hỗ trợ chi phí cho anh em như thế nào anh?

Cô bác nói "thôi mày làm vậy ăn cơm, thôi bây giờ cho một ít tiền cũng được". Anh em ai cũng nghèo hết trơn, phải bỏ ít tiền ra lo cho gia đình người ta chứ, người ta đi cùng với mình người ta ăn cơm không hà. Nhà người ta khổ nữa, thôi ráng tiền công đi, lấy trong giá phạm vi cho phép thôi chứ không phải lấy đúng theo quy định của nhà nước mình.

PV: Nhóm của mình hiện tại có tất cả là bao nhiêu người vậy anh?

Có chú từ thiện tổ cơm, cháo nước sôi từ thiện huyện Phụng Hiệp hỗ trợ rồi bắt đầu bà con cho cây cối phụ vô mình làm. Rồi sau thời gian sau mình làm có tiền, dư dả cây cầu một ít vậy đó, bắt đầu mình gom mua đồ cho nó chuẩn chút. Mua sắt, mua ben, mua khối, … mình gom lại.

Mới đầu làm cây cầu giá thành rất là thấp. Tại vì 3 đội. Một đội xây nhà từ thiện, một đội làm đường với một làm cầu. Nói chung là khoảng 18 anh em đi cùng với mình. Có công trình là mấy chú đi cùng với mình, còn không có là mấy chú về làm gia đình hay chỗ nào thuê mướn thì mấy chú làm vậy đó, bắt đầu tới có việc thì gom lại.

Chỉ lấy phụ một phần tiền cơm thôi với giá thành ở ngoài người ta làm 300 còn ở trong này mấy chú lấy khoảng 220-250 trở lại thôi. Vừa làm vừa làm từ thiện vậy đó.

Với những cây cầu thì yếu tố tiên quyết là phải an toàn và bền. Vậy anh có giải pháp như thế nào để đáp ứng yêu cầu này?

Phải căn cứ theo bản vẽ luôn đó. Bản vẽ mà vẽ không tốn phí. Và nếu mà tốn phí thì phí thấp. Đúng bản vẽ thiết kế của nhà nước luôn, cũng do kỹ sư vẽ luôn. Kỹ sư đồng hành với mình, thiết kế cây cầu của mình cũng căn cứ nhà nước thôi.  

Cảm ơn anh Thanh với những chia sẻ vừa rồi.

Anh Nguyễn Hoài Thanh (Thứ 3 từ trái qua) luôn hết lòng với công tác thiện nguyện. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cầu kênh Bờ Tràm dài 30m, rộng 3,5m, tổng kinh phí thực hiện 340 triệu đồng được khánh thành đưa vào sử dụng vào tháng 7 vừa qua đã giúp nối liền 2 ấp Mỹ Quới B và Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Đây là một trong những công trình thiện nguyện mà anh Nguyễn Hoài Thanh cùng anh em trong đội góp sức tạo nên. Có được cầu mới đi lại thuận tiện, bà con địa phương ai nấy đều phấn khởi.

Để tiết kiệm tối đa chi phí xây cầu nhưng chất lượng vẫn phải đảm bảo thì trước khi bắt tay vào khởi công, anh Thanh phải tính toán, lên bản vẽ chi tiết và phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên. Theo anh, điều quan trọng là phải làm bằng cái tâm, đảm bảo chất lượng cầu để người dân qua lại an toàn.

"Đâu đó người ta bỏ tiền ra, người ta dòm con người mình như thế nào, quan trọng là uy tín thôi, mình làm được, người ta ủng hộ mình. Làm được cây cầu này thì người ta cho thêm cây cầu khác. Mong muốn bà con hưởng lợi từ nhiều cây cầu khác nữa. Bản vẽ, thiết kế, giám sát mình không có, chỉ có tiền vật tư thôi, tiền công thợ, bà con phụ lại làm".

Bất kể nắng, mưa hễ nghe thông tin ở đâu có cầu xuống cấp là anh Thanh cùng các thành viên khác sẵn sàng đến tận nơi khảo sát, vận động mọi người cùng thực hiện. Cứ thế, suốt hàng chục năm qua, anh Thanh đã giúp sức để hoàn thành khoảng 110 cây cầu nông thôn ở các tỉnh ền Tây. Mỗi cây cầu trung bình khoảng 250 triệu đồng.

Là người trẻ luôn sát cánh cùng anh Thanh trong công tác thiện nguyện hơn 7 năm qua, anh Lê Văn Bé ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: "Mình làm được thì vui vẻ, thấy bà con xóm giềng mình góp công vô làm cho bà con đi được thì mình cũng vui. Nhằm người không có đường đi thấy cũng khó khăn".

Dù làm thiện nguyện nhưng mọi người đều nhiệt huyết, tận tâm.

Thấy việc làm của Đội xây cầu từ thiện có ý nghĩa thiết thực, một số nhà hảo tâm đã đến để chia sẻ, đồng hành bằng cách hỗ trợ tiền, vật liệu, phương tiện, ngày công lao động với mong muốn cùng đội của anh Thanh xóa cầu xuống cấp. Chính sự uy tín, sức trẻ và tinh thần tránh nhiệm nên ai cũng quý mến, đồng hành, nối dài thêm nhiều cây cầu bê tông kiên cố ở khắp các tỉnh ền Tây.

"Mần rất vui vì Thanh được lắm, mần xưa nay không bao giờ la, cằn nhằn hết, mần rất vui vẻ, mần lúc nào người ta cũng khen hết".

"Đi cả tháng, còn anh Thanh nhiều khi còn trên nữa, còn em nhiều khi có công việc cả tháng, nữa tháng, tuần em mới về".

Chưa bao giờ trên công trường của anh Thanh vắng tiếng cười vui, bởi sự thân tình và nhiệt huyết của những người thợ tận tâm. Họ là những người làm nông, buôn bán, chạy xe ôm, … nhưng gặp nhau ở tấm lòng thiện nguyện. Cứ thế, người có công góp công, người có của góp của.

Anh Thanh cho biết, hồi đầu, sau mỗi lần khảo sát, nỗi trăn trở lớn nhất của anh là làm sao để nắm được kiến thức sâu về cầu, đường thì mới có thể chỉ huy công trình đảm bảo chất lượng, không làm mất niềm tin và không lãng phí tiền, vật liệu đóng góp của nhân dân.

"Nói thật sự mới khởi công là mất khoảng 3 ký lô, mà sau khi mình làm hoàn thiện cây cầu, ăn ngon, ngủ ngon. Sướng lắm, cảm giác sau, không diễn tả nỗi hạnh phúc, vui mừng. Mình cảm nhận được khó khăn của bà con giúp đỡ bà con, từ thiện là tất cả các nơi, cần là mình đến thôi".

Ngoài việc chung tay thay thế những chiếc cầu ván tạm bợ bằng những chiếc cầu bê tông vững chắc, anh Thanh cùng các thành viên trong đội của mình còn lặng lẽ, tận tâm và cần mẫn lặn lội đi cất nhà, làm đường cho bà con khó khăn ở những vùng sâu vùng xa.

Với người thanh niên trẻ này, sự động viên, chia sẻ của gia đình, sự sát cánh cùng anh em trong đội, niềm vui của bà con khó khăn chính là nguồn động lực quý báu để anh có thêm niềm tin, động lực nối dài hành trình thiện nguyện của mình vì lợi ích của cộng đồng, vì sự phát triển quê hương.