Chàng khiếm thị làm đẹp cuộc đời bằng sản phẩm thủ công

Sinh ra với cơ thể khỏe mạnh nhưng biến cố lúc 4 tháng tuổi đã vĩnh viễn cướp đi ánh sáng của anh Trần Ngọc Vũ, ngụ TX. Tân Châu, tỉnh An Giang. Thế nhưng, anh không đầu hàng số phận mà phấn đấu vươn lên trở thành những con người có ích cho xã hội, tạo ra những sản phẩm làm đẹp cho đời.

  

Anh Vũ tỉ mẩn làm những sản phẩm thủ công. Ảnh: Cổng TTĐT TX. Tân Châu

Để có thể làm thành thạo xe ôtô mô hình, động vật, giá đỡ điện thoại như thế này với người bình thường đã không đơn giản, còn với anh Vũ thì phải nỗ lực ra sao anh?

Trại mộc kế bên mình luẩn quẩn tối ngày chạy qua chạy lại lụm củi rồi về đóng những chiếc xe y chang như cái ghế ngồi rồi mỗi lần muốn cưa chạy qua bên đó mượn, đem về ráp vô có khi cũng không chính xác nữa, đâu có mực mộng gì, tự làm hết mọi thứ. Từ A đến Z luôn.

Ra sản phẩm thì ở nhà sơn tiếp rồi rảnh rỗi không có đồ sơn, mình tự mày mò làm sản phẩm, mà thời đó chưa biết cái lưỡi cưa cắt sắt này, phải biết lưỡi cưa cắt sắt này làm cũng không kém gì bây giờ.

Những mẫu mã sản phẩm này là mình tự nghĩ ra hay là khách hàng đặt rồi mình làm theo yêu cầu anh Vũ?

Khách hàng đặt gì làm nấy. Có khi mình làm đồ hàng ra sẵn, coi theo ếng cây, ếng ván. Cái này mình làm ra một lô thùng tiền nè rồi nó ra ba cái ván nho nhỏ vậy là ván này mình phải làm cho cái gì đặng tiêu thụ hết thì thải qua làm mấy chiếc xe. Mấy chiếc xe cũng có ván lớn vậy nhưng mấy cái nhỏ nhỏ vậy là vô mấy cái ghế ngồi.

Khi những sản phẩm của mình được nhiều người biết đến và yêu thích thì anh Vũ thấy sao?

Rất là vui mừng. Mình bệnh không bằng ai nhưng mà cũng làm ra được sản phẩm vậy tự kiếm tiền nuôi sống bản thân được.

Điều mà anh Vũ mong nhất lúc này là gì?

Cũng trông nhiều người biết tới, mua ủng hộ. Mong muốn bán cho có tiền thiệt nhiều. Không phải mong có tiền nhiều để mà ăn xài lãng phí, còn giúp cha mẹ nữa. 

Cám ơn anh Vũ đã chia sẻ câu chuyện của mình.

Giá đỡ điện thoại được anh Vũ làm từ gỗ vụn. Ảnh: Cổng TTĐT TX. Tân Châu

Là con út trong gia đình có 8 anh chị em nên anh Trần Ngọc Vũ luôn được các thành viên trong nhà yêu quý. Khi anh được hơn 4 tháng tuổi, gia đình vô cùng bàng hoàng khi bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm não và bong võng mạc mắt trái. Gia đình anh chạy vạy khắp nơi tìm cách chạy chữa cho con nhưng bất thành. Vậy là từ đó, mọi người đành ngậm ngùi nhìn anh Vũ mất dần ánh sáng.

Dù khiếm khuyết về cơ thể nhưng không bi quan, mất niềm tin, anh chọn cho mình suy nghĩ tích cực, luôn tiến về phía trước bởi với anh khiếm khuyết không phải là khó khăn, mà là động lực sống.

"Ở anh Vũ có tinh thần rất lạc quan, vui vẻ. Anh luôn cố gắng từng ngày để có thêm thu nhập giúp đỡ cho ba mẹ của mình. Tôi cảm thấy điều đó rất là đáng trân trọng". 

"Gia đình sống nghề sơn trang trí nội thất. Từ đó cũng như có cái căn bản về gỗ đó, cho nên em nó nhìn đồ cái nó làm theo thì cũng bán được chút đỉnh chút đỉnh thu nhập nó cũng có".

Do từ nhỏ anh đã quen với công việc sơn trang trí nội thất của gia đình nên anh Vũ mày mò thêm để làm những món đồ mỹ nghệ. Từ những ếng gỗ vụn to nhỏ khác nhau, qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, anh đã tạo nên giá đỡ điện thoại, những bộ bàn ghế sofa, hộp nữ trang, mô hình nhà bằng gỗ, ... Chỉ tay về những chiếc xe hơi mô hình của mình, anh Vũ kể, đó là sản phẩm do anh tự vẽ, tự thiết kế bằng giấy rồi bắt đầu cắt ghép những ếng gỗ để tạo ra thành phẩm.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, anh Vũ không nhớ rõ mình đã tạo ra bao nhiêu sản phẩm làm đẹp cho đời. Và cứ như thế, con hẻm nhỏ ở phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang mỗi ngày vẫn vang lên âm thanh kẽo kẹt của cưa rồi của chiếc máy bào và hình ảnh anh Vũ đang đưa mắt mình vào thật sát tấm gỗ cầm trên tay để làm việc.

Nhớ lại lúc bắt tay thực hiện những sản phẩm đầu tiên, anh Vũ không tránh khỏi những thất bại nhưng anh quyết không bỏ cuộc mà coi đó như bài học kinh nghiệm để ngày càng thành thạo hơn: "Đôi khi cũng có nhưng cũng như bài học thử thách mình, không được nóng nảy. Nhằm khi để xa không thấy bắt buộc để gần mới chính xác hơn, chấm kèo để đó, lát đóng đinh lại".

Kỳ công là vậy nhưng giá bán cũng hợp túi tiền nhiều người. Như giá đỡ điện thoại, làm hoàn thành phải mất 2 ngày có giá bán 30.000đ, hoặc khi có khách hàng đặt làm mô hình phải mất thời gian hơn và giá bán lên đến cả triệu đồng.

Thấy con mình mày mò sáng tạo và có được thành quả, ông Trần Ngọc Khện, cha của anh Vũ không giấu được xúc động: "Mừng cho con mình có công ăn việc làm không phải đi long bong như những đứa trẻ mà bị não khác cho nên mình cũng an ủi được cái đó nhiều lắm".

Tận mắt chứng kiến quy trình làm ra sản phẩm của anh Vũ, nhiều người không khỏi bất ngờ, thán phục sự kỳ công, vất vả của chàng trai khiếm thị. Việc sử dụng các loại máy móc khá nguy hiểm nên hầu hết công việc đều được anh thực hiện bằng tay. Những mũi đinh đôi khi phải đóng đi, đóng lại 2-3 lần nhưng không vì thế mà mất đi tính thẩm mỹ của sản phẩm.

Vượt qua nỗi đau, mặc cảm, anh Trần Ngọc Vũ đã tìm thấy niềm vui với nghề mộc. Công việc dù không mang lại thu nhập cao nhưng đã giúp gia đình anh đỡ vất vả hơn, và cũng giúp anh tìm lại niềm tin trong cuộc sống. Người dân địa phương ai cũng yêu mến, cảm phục ý chí, nghị lực của anh. Một chàng trai khiếm khuyết nhưng nghị lực sống luôn tròn đầy, góp phần lan tỏa những giá trị sống tích cực đến với mọi người.