Chặn xe đỗ trước nhà: Dùng cái sai để đáp trả cái sai?

Chuyện ô tô đỗ chắn ngang cửa nhà mặt phố và hành xử một cách cực đoan của một số người dân ở nhà mặt phố như đặt vật cản, cào xước xe, xịt sơn,… đã không còn xa lạ. Ai cũng có một cái lý riêng của mình, vậy cách nào để hóa giải chuyện này?

Trong cuộc trò chuyện giữa PV VOV Giao thông với anh Phạm Văn Ca (Lái xe Taxi G7) và chị Phương Thúy (đang kinh doanh ở đường Hoàng Hoa Thám) sẽ phần nào nói lên suy nghĩ của 2 bên, để từ đó có giải pháp, cách xử trí trong chuyện này:

PV: Cảm ơn 2 anh, chị đã tham gia cuộc trò chuyện của chúng tôi! Như chủ đề tôi đã chia sẻ, 2 anh, chị có đánh giá, quan điểm như thế nào về câu chuyện ô tô đỗ chắn ngang cửa nhà mặt phố, rồi một số người ở nhà mặt phố lại có cách phản ứng trước việc này một cách tiêu cực? 

Anh Phạm Văn Ca (Lái xe Taxi G7): Rất là khó chịu. Bị mấy lần rồi ý, quyệt vào thùng sơn, cục bê tông họ cắm que ý, bên dưới là chân bê tông, bên trên là cột tre ý.

Không phải mình đỗ lâu đâu, nhiều khi đỗ vào một chút uống hụm nước ý, nhưng loay hoay mãi không có chỗ đỗ vì người ta để vật cản này này, rồi người ta chiếm lĩnh chỗ mà người ta bán hàng ý, nhiều lúc rất là bực mình.

Nhiều khi người ta để ý vào tay lái này này, không để ý vật cản mà nhiều khi che khuất tầm nhìn của người ta, mà va vào rất là tội nghiệp.

Chị Phương Thúy (đang kinh doanh ở đường Hoàng Hoa Thám): Thực ra thì với người làm kinh doanh trên mặt phố, khi mặt tiền cửa hàng mình bị chắn thì thực tế ai dù ít nhiều cũng khó chịu.

Thực tế điều đó luôn luôn diễn ra, tôi cũng có đi qua nhiều con phố và cũng chứng kiến cảnh đó, người ta có thể đặt chướng ngại vật để ngăn cản xe đỗ, hay là có thông báo về việc đỗ xe trước cửa hay là xây chặn gì đó trước cửa nhà họ, tránh tình trạng lái xe đỗ trên vỉa hè.

Không ít người dân đã từng chứng kiến cảnh có những chiếc xe "vô tình" đỗ trước cửa nhà, chắn lối đi gây không ít bức xúc. Ảnh nh hoạ

PV: Vậy là một người cũng có cửa hàng, kinh doanh mặt phố, chị Thúy có nhìn nhận thế nào về vỉa hè và phần đường trước cửa nhà mình, từ đó việc một số người đặt vật cản không cho ô tô đỗ theo chị là đúng hay sai?

Chị Phương Thúy: Nếu là một cá nhân có hành động như vậy thì tôi nghĩ đó là hành động sai, nó là khu vực phục vụ người dân nói chung, không..không thuộc vào bất kỳ hộ gia đình nào hay của hộ kinh doanh nào.

Nhưng chỉ có một cái vấn đề ở đây là tất cả những người kể cả người tham gia giao thông, hay là những người mà có vị trí kinh doanh hay vị trí trước của nhà mình ý thì cũng nên có ý thức đó là một khu vực công cộng và chúng ta nên có cách hành xử đúng đắn để mà không tạo nên bức xúc chung cho mọi người.

 

PV: Đúng như chị Thúy chia sẻ, đó là của chung và không của riêng ai. Vậy, để hóa giải mâu thuẫn giữa người đỗ xe tô tô và người ở hoặc kinh doanh trên mặt phố chúng ta có cách gì? Mời anh Ca!

Anh Phạm Văn Ca: Những người họ thuê mặt bằng ở mặt đường ấy thì hàng tháng họ cũng mất nhiều tiền thuê cửa hàng lắm đấy để tiện ích cho việc kinh doanh. Nhưng nhiều ông lái xe đỗ rồi để xe ở đấy luôn người ta đi thì người kinh doanh, người bán hàng ở trước đấy thì người ta cũng bức xúc thật.

Tốt nhất mình là lái xe, hiểu và thông cảm cho người kinh doanh ở mặt đường, mình đỗ thì mình đỗ chút ngắn thôi còn nếu khi mình dùng bữa trưa hay bữa tối thì mình cũng nên kiếm phố có điểm đỗ mình đỗ không ảnh hưởng tới người kinh doanh mặt đường hoặc nếu anh em đỗ nên có số điện thoại để kính trước hoặc kính sau để người ta còn biết liên hệ với mình.

Cửa hàng thì cũng mềm mỏng với anh em lái xe, tìm cách cho ổn thỏa với nhau. Tốt nhất là 2 bên thông cảm với nhau, mỗi người bớt chút cái tôi của mình để cuộc sống hài hòa thì tốt hơn.

PV: Anh Ca đưa ra hướng giải quyết công tâm cho cả 2 phía. Còn về phía chị Thúy, là một người kinh doanh có cửa hàng mặt phố, chị sẽ có cách giải quyết nào?

Chị Phương Thúy: Bản thân tôi với tư cách là chủ cửa hàng, cũng có kinh doanh và cũng gặp tình huống đấy thường xuyên, thì tôi nghĩ điều duy nhất mình có thể nên làm là nên chia sẻ với những người tài xế.

Tôi nghĩ bản chất chúng ta luôn có thể đối thoại với nhau một cách nhẹ nhàng nhất thì sẽ tốt hơn là việc có những thái độ bức xúc đặt vật cản ở đấy để ngăn cấm.

Bởi vì người tham gia giao thông như thế không phải nghiễm nghiên mà họ dừng đỗ như vậy, có thể là có công việc hoặc có một việc gì đó cần đứng lại, nếu đỗ trong thời gian dài tôi nghĩ người tài xế nên để lại số điện thoại.

PV: Về cơ bản cách chị Thúy và anh Ca đưa ra là cả 2 bên cùng hiểu cho nhau thì mọi thứ sẽ được giải quyết ổn thỏa. Người đỗ xe thì để lại số điện thoại, quan sát hơn một chút, còn người có cửa hàng thì chia sẻ, ứng xử nhẹ nhàng. Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện này 2 anh chị có mong muốn gì không?

Anh Phạm Văn Ca: Như mong muốn của bọn tôi lái xe cũng mong muốn nhà chức năng có điểm đỗ để chúng tôi nghỉ ngơi một chút rồi lại tiếp tục đi kinh doanh.

Chị Thúy: Việc đó là việc rất đáng nên làm! Kiến nghị của tôi thì theo tôi chúng ta nên tổ chức thêm bãi đỗ xe công cộng hỗ trợ cho người dân trong việc di chuyển hay là đỗ, dừng.

Còn giữa thành phố mà đất chật người đông, mức độ dân cư lớn và phương tiện nhiều như thế này quan trọng nhất là điều chỉnh ý thức, điều chỉnh hành vi của mình  để việc to thì hóa nhỏ, việc nhỏ trở thành không có gì.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của anh Ca và chị Thúy! Còn giờ VOV Giao thông xin tạm dừng cuộc trò chuyện tại đây để anh Ca tiếp tục công việc đón khách còn chị Thúy sẽ tiếp tục việc bán hàng! Xin chào và chúc 2 anh chị thật nhiều sức khỏe!

Anh Phạm Văn Ca: Xin gửi lời chào kết đến tất cả các anh em, các bác tài trên mọi nẻo đường! Chúc tất cả các bác luôn mạng khỏe, lái xe an toàn!

Chị Phương húy: Rất là cảm ơn VOV Giao thông đã cho chúng tôi cuộc trò chuyện như thế này, để những người kinh doanh, cũng như tài xế có thể hiểu được tâm tư của nhau! Xin cảm ơn!

---

Hy vọng rằng qua cuộc trò chuyện vừa rồi sẽ phần nào giải quyết được những mâu thuẫn giữa việc đỗ xe và những người kinh doanh trên mặt phố.

Như chúng ta vừa nghe, để giải quyết chuyện này, sự quyết định nằm ở việc ứng xử, chỉ cần nhẹ nhàng, chia sẻ với nhau và người đỗ xe có thêm số điện thoại trên xe là mọi thứ được giải quyết ổn thỏa!