Chân sáo qua đường

Phố phường Hà Nội vốn chật hẹp và đông đúc nên các thói quen, giờ giấc sinh hoạt, làm việc ở Thủ đô cũng có nhiều nét khác biệt so với những thành thị khác.

Đơn cử như câu chuyện nhỏ về việc đón con sau giờ tan trường chẳng hạn, nhất là ở đoạn đường có các trường mầm non và tiểu học ở khu vực trung tâm, thường sẽ được rào chắn 2 đầu đường trong khoảng thời gian nhất định để hạn chế các phương tiện đi qua, nhằm đảm bảo an toàn cho con trẻ từ cổng trường đi ra nơi phụ huynh chờ đón.

Nếu có tình cờ bộ hành qua phố nào đó đúng giờ tan trường và trong lúc chờ nhường đường, ta sẽ nhận được một món quà vô cùng đáng yêu từ những bước chân sáo qua đường của các em nhỏ…

"Yên tâm hơn nhiều chứ, nhìn kia kìa.."

"Các con đáng yêu mà",

"Nó cũng như con cháu mình ở nhà thôi.." 

Yên tâm là Cảm giác của rất nhiều phụ huynh đứng chờ đợi đón con em mình trước khu vực được quy định trên phố, khi nhìn thấy các con có một không gian rộng rãi và an toàn để di chuyển, nhất là tại các trường học thực hiện theo mô hình cổng trường an toàn giao thông.

Khoảng thời gian chờ đợi vì thế cũng như ngắn lại. Mọi người cũng yên tâm trò chuyện với nhau về mọi chuyện xoay quanh việc học hành của con cái. Rồi khi tiếng trống trường vang lên, những ánh mắt đều cùng dồn về một hướng, dõi tìm bóng dáng và những gương mặt thân quen.

Ảnh: Vũ Loan/VOVGT

Kể cả với những người tham gia giao thông qua khu vực cổng trường giờ tan học, dù không phải chờ đón ai cũng vui vẻ đi chậm lại, dừng chờ cùng một lúc, đợi cho từng tốp học sinh xếp hàng nối đuôi nhau băng hết qua đường. Có người còn nhiệt tình, phụ giúp các thầy cô giáo để đảm bảo các con qua đường được nhanh chân và an toàn hơn nữa…

"Nó đi theo đoàn thì phải nhường chứ".

"Giờ tan trường của các cháu là phải chặn hai đầu không cho xe ô tô vào, như đoạn đường này là hợp lý cho trẻ con".

"Các con đi qua đây thì tất cả mọi người đều nhường đường cho các con mà, ưu tiên trẻ em".

"Các con nó đi thì phải nhường nó đi trước chứ, không có vấn đề gì". 

Tiếng trống trường vang lên, từng lớp, từng lớp học sinh xếp hàng trật tự, ngay ngắn bước ra khỏi cổng trường theo sự hướng dẫn của các thầy cô giáo để di chuyển ra gần điểm đón của phụ huynh nhất.

Những bước chân nhỏ ríu rít bước theo nhau trên đường như mang theo niềm vui sau một ngày đi học. Đó Là chút trêu đùa nghịch ngợm, là vài câu chuyện kể ríu ran, là chút thích thú rủ nhau mua một cuốn truyện mới, hay khoe nhau một món đồ chơi mới…

Khi nhìn thấy bóng dáng thân quen của phụ huynh đứng đợi, những đôi chân sáo như băng nhanh về tiếng gọi, vẫn không quên quay lại vẫy tay chào tạm biệt thầy cô, bạn bè. Tôi chợt nhớ đến một câu nói thật ý nghĩa, rằng: Hôm nay bạn đi làm về muộn và không kịp đón con, vài ngày, vài tháng sau chắc cũng chẳng ai còn nhớ tới, nhưng 10, 20 năm sau, sẽ chỉ có con cái của bạn là nhớ về những lần bạn tới đón con trễ như vậy mà thôi.

Và đúng là, tới đón con trẻ đúng giờ, được nhìn thấy những đôi chân sáo tung tăng, thênh thang, băng qua đường, hẳn ai cũng thấy như được vui lây. Là người lớn, mấy ai còn thấy mình có được niềm vui nhẹ bẫng trên đôi chân mà nhảy chân sáo được như con trẻ kia chứ.

Những bước chân sáo mang đến niềm vui, ùa vào lòng người thân, và mang cả sự ríu ran đó theo cha mẹ về nhà. Dẫu không gian phố phường chật chội, và thời gian nơi phố thị cũng eo hẹp vô cùng, nhưng vẫn đủ để những nhịp chân sáo đọng lại trong đôi mắt và trái tim bộ hành.