Chăm Mẹ

Từ ngày có mạng xã hội, thấy nhiều người cũng dễ bộc lộ tình cảm, sự hiếu thuận với cha mẹ ở trên mạng nhiều hơn. Có những người, ngày nào cũng chia sẻ những câu chuyện đầy cảm động với cha mẹ của mình.

Cứ đến cữ cuối giờ chiều là một đoàn gần chục chiếc xe đẩy được các cô giúp việc đẩy tới từ mấy con ngõ nhỏ gần Hồ Hoàn Kiếm. Ngày nào cũng vậy, trừ những hôm mưa gió, là họ lại tụ tập ở đây, bên một góc hồ. Rất đúng giờ, như có hẹn trước vậy.

Trên những chiếc xe đẩy ấy là những gương mặt im lìm, gần như bất động. Những gương mặt nhăn nheo, quấn chặt trong chiếc khăn nhung đội đầu, không có biểu cảm nào rõ rệt lộ ra ngoài.

Những ánh mắt phủ màu khói cũng bất động, không ra vui, cũng chẳng thấy buồn. Như thể, kệ người ta muốn đẩy mình đi đâu thì đẩy.

Hàng xe đẩy đến điểm tập kết, các cô giúp việc cẩn thận đưa những chiếc xe xếp thẳng hàng, quay lưng ra hồ. Gần chục chiếc xe ôm trọn bụi cây ven hồ.

Xong việc, các cô giúp việc kéo nhau sà xuống bên mép hồ ngồi buôn chuyện. Qua câu chuyện của các cô thì được biết, họ đều là những người giúp việc được thuê để chăm sóc những cụ già này. Những người mẹ của ai đó.

Có người mới làm một thời gian ngắn, có người đã vài năm. Họ sẽ thay những người con bận rộn công việc để chăm lo cho những bà mẹ này nốt những năm cuối đời bệnh tật.

Hằng ngày, sau khi cơm nước, tắm rửa các cụ sẽ được đưa ra hồ ngắm cảnh. Nhưng cứ như thế này thì rõ là nhu cầu ngắm cảnh, gặp gỡ bạn bè là của các cô giúp việc kia chứ chẳng phải dành cho các cụ.

Mặc các cụ ngồi đó, các cô giúp việc ngồi buôn chuyện với nhau cho đến hết giờ quy định ra ngoài dạo phố ngắm cảnh mà chủ nhà quy định. Rồi lại lục tục kéo nhau đứng dậy đẩy xe về, hẹn ngày mai gặp lại…

Trên xe, vẫn là những thân hình bất động.

Hai ngày cuối tuần, khi phố đi bộ hoạt động là lại có một cụ bà vác trên vai chiếc bao tải to tướng, trùm lên toàn bộ tấm lưng hơi còng vì tuổi tác của bà. Bà đi nhặt vỏ chai người ta đi chơi uống xong vứt đi…

Chỉ một vòng hồ là chiếc bao tải đã gần đầy chai lọ rỗng. Cụ bà lại dảo bước ngược về phía đường Hàng Bài, Phố Huế, xuôi xuống mãi tận hồ Thiền Quang. Nhà bà ở mạn đó.

Cả cái phố Nguyễn Du chả ai lạ gì bà. Nhà có mấy anh con giai, thấy bảo làm gì to lắm, nhưng bà chả ở với ai. Một mình bà ở trong ngôi nhà khá lớn. Thỉnh thoảng hàng xóm thấy mấy anh con đánh xe đưa vợ con về chơi, lát lại đi mất. Chẳng bao giờ thấy mấy đứa cháu ở lại chơi với bà.

Có lẽ không phải vì nhà bà không có chỗ cho lũ cháu ngủ lại, mà khắp nhà từ ngoài cửa đến phòng ngủ, chỗ nào cũng đẫy rác. Bà đi bới rác. Mỗi ngày cũng kiếm được vài chục lận lưng.

Hồi thấy bà đi bộ khắp phố bới rác, đám con tức giận phản đối, tìm mọi cách không cho mẹ đi.

Bà thủng thẳng: Tao có làm việc gì xấu xa đâu mà chúng mày xấu hổ? Không chịu được thì đừng về. Mãi rồi chả đứa nào buồn góp ý. Kệ. Bà muốn làm gì thì làm. Có lẽ bà làm cho đỡ buồn tuổi già cô độc.

Lần nào về mấy anh con đều cho bà tiền, bà chả lấy. Bà thiếu gì tiền! Chắc chúng nghĩ cho bà nhiều tiền thì bà không đi bới rác nữa.

Câu chuyện về những bà mẹ gặp trên phố ấy cứ ám ảnh tôi mãi, đến mức trong đầu luôn tự hỏi: Liệu những bà mẹ ấy, khi về già, họ cần điều gì? Sự chăm sóc của những cô giúp việc lạ lẫm được thuê về, sự quan tâm bằng vật chất hằng tháng của những đứa con dư dả?

Hay hằng ngày, được gặp, được trò chuyện, được gom góp những yêu thương của con, của cháu?...

Từ ngày có mạng xã hội, thấy nhiều người cũng dễ bộc lộ tình cảm, sự hiếu thuận với cha mẹ ở trên mạng nhiều hơn. Có những người, ngày nào cũng chia sẻ những câu chuyện đầy cảm động với cha mẹ của mình. Rồi những sự chăm sóc hào nhoáng, những bữa ăn ở nhà hàng sang trọng, qua những tấm ảnh selfie chi tiết đến từng cọng rau, ếng thịt. Sự hiếu lễ đến mức người khác phải ghen tị khi nhìn vào…

Thế nhưng, cứ thấy có gì đó sai sai. Yêu kính cha mẹ, chăm sóc người thân là bằng tình cảm, bằng tấm lòng ruột thịt, chứ sao lại phải phơi bày lên facebook?

Cha mẹ đã bỏ đi những năm tháng của tuổi thanh xuân để chăm sóc con cái, nhưng về già lại chỉ nhận được dịch vụ chăm sóc từ những cô giúp việc được thuê về để thay cái nghĩa vụ của con cái với cha mẹ.

Nấp dưới lý do bận bịu công việc, sự nghiệp của họ…