Cây phượng vỹ ven hồ

Hoa phượng và tuổi học trò là những điều đẹp đẽ mà ai cũng ít nhiều lưu luyến, níu giữ trong ký ức. Phượng cũng là loài cây dễ thích nghi, được trồng ở nhiều nơi, nhưng với cây phượng được trồng ở Bờ Hồ thì lại có một dấu ấn rất riêng đối với cảnh quan nơi này.

Có lẽ vì thế, bộ hành quanh Bờ Hồ, lắng nghe “phố kể chuyện cây”, những bước chân ai đó đều như muốn dừng lâu hơn một chút dưới gốc cây phượng vỹ ven hồ…  

Ở Bờ Hồ có nhiều cây xanh, nhiều cây hoa đẹp, độc đáo hay có hình dáng đẹp, gây sự chú ý. Nhưng với những cây phượng vỹ, chẳng cần đợi tới khi những chùm hoa đỏ rực làm điểm nhấn nhận diện, mà ngay cả lúc trời đông, trong muôn vàn cây cối trơ cành khẳng khiu, xù xì,mọi người vẫn dễ nhận ra sự tồn tại của loài cây này.

Đầu tiên, có lẽ bởi phượng là loài cây gắn liền với tuổi học trò khi một thời, phượng được trồng phổ biến tại sân trường, nên chỉ cần nhìn lá, thấy hoa là đã dễ nhận ra người bạn thân quen này:

"Em thấy nó cũng chill đấy ạ, cũng gọi là thơ mộng, thi thoảng thấy có mấy cái gọi là hoa, rồi bóc cái đấy ra chơi chơi mấy trò trẻ con, ngày xưa em hay chơi cái đấy".

"Nhìn lá là biết mà, đợt nó ra hoa nhìn đẹp lắm".

Ảnh: Vũ Loan

Theo khảo cứu của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, các trường học Pháp-Việt bắt đầu trồng phượng từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Thấy cây phượng nở hoa đúng vào thời gian năm học kết thúc và hoa màu đỏ rất đẹp nên chính quyền thành phố Hà Nội khuyến khích các trường trồng phượng.

Đến năm 1912,  24 trường  tư và tất cả các trường công ở Hà Nội đã  trồng phượng. Từ đó, cứ một ngôi trường mới mọc lên là chủ trường cho  trồng phượng, dần dà phượng trở thành biểu trưng của trường học.

Cây phượng có các đặc điểm thú vị, thích hợp trồng tại đô thị như lớn nhanh, có tán, lá nhỏ, không làm tắc cống vào mùa mưa và đặc biệt hoa nở thành chùm màu đỏ rất đẹp. Thậm chí, ngay cả khi quả phượng đã già, nó cũng không vội vàng lìa cành, cứ đeo trên cành lửng lơ trong không gian rất thích mắt.  

Ông Nguyễn Hoàng Hào, chuyên gia lâm nghiệp cũng khẳng định loài cây đẹp này không thể thiếu ở đô thị, chỉ cần chúng ta chú ý trồng cây phượng vỹ ở nơi thích hợp:

"Cây phượng nên trồng điểm thôi, trong vườn rộng hoặc ven bờ hồ, những khu vực cảnh quan công cộng không liên quan tới giao thông vì khả năng tỉa thưa cành và rụng lá không bị ảnh hưởng nhiều tới cống rãnh và gây nguy hiểm nhiều tới giao thông".

Ảnh: Vũ Loan

Ở Bờ Hồ, những cây phượng dù chỉ được trồng xen lẫn với nhiều loài cây khác nhưng lại có một đặc điểm riêng rất dễ nhận ra. Đó là hầu hết những cây phượng vỹ sẽ được trồng gần sát hồ nhất, nên cây nào cũng ngả cành, sà bóng sâu xuống lòng Hồ Gươm.

Càng nhiều năm tuổi, những cành phượng càng lớn và vươn dài về phía hồ để thâu nhựa sống từ nguồn nước và ánh sáng cho sự sinh trưởng của mình, như một lẽ rất tự nhiên.

Màu lá xanh rợp, màu hoa đỏ rực và dáng cây phượng vĩ thả bóng xuống hồ khắc họa cho không gian ven hồ một khung cảnh đẹp nên thơ, nghệ thuật mà bất kỳ một người săn ảnh nào ở Bờ Hồ cũng phải mê mẩn khắc họa:

"Mình thích những cây sà xuống mặt hồ, thoai thoải trên mặt hồ, nhất là mùa hoa phượng nó nở đẹp lắm, mình nhìn dưới mặt hồ có thể hình dung được cả 1 chùm phượng đỏ trên hồ, đẹp lắm".

"Hồi trước nhiều cây phượng, như cây này đẹp lắm này, nó ngả ngả xuống, đẹp lắm, hoa phượng màu đỏ đấy, có bài hát cơ mà…"

Ven Hồ Gươm, phía đường Đinh Tiên Hoàng, có điểm vài cây phượng vỹ gần cầu Thê Húc. Vào mùa hoa phượng nở rộ như trải ngợp không gian Hồ Gươm trong sắc đỏ rực rỡ. Đó là màu đỏ của những chùm hoa phượng vỹ trên cao, là màu đỏ soi chiếu rực rỡ qua làn nước Hồ Gươm lung linh, quyện vào màu đỏ trải dài, uốn lượn của dáng cầu Thê Húc gần kề…

Mấy ai có thể bỏ qua được khung cảnh rực rỡ này. Thậm chí đứng dưới tán lá xanh mát của cây phượng, của gió mát Hồ Gươm, thì chắc chắn, cái nắng chói chang của mùa hè hay mọi sự ngột ngạt của phố phường cũng như bị bỏ quên…

Mỗi dáng cây phượng vỹ cứ sà vào lòng  Hồ Gươm xanh, cành cây vươn rộng, ôm ấp sóng nước mặt hồ, vỗ về không gian trong sự bình yên giữa phố phường tấp nập…Mỗi cây phượng vỹ ven hồ như một điểm nhấn trìu mến trong mắt bộ hành khi dạo bước Hồ Gươm.