Cây đa bờ hồ - Ông thần của tuổi thơ

Quanh Bờ Hồ có vài gốc đa trên trăm tuổi, vốn không có định danh cụ thể mà thường được gọi chung chung với cái tên thân thuộc là Cây đa Bờ Hồ.

Tiếng cười trong trẻo của tuổi thơ vang lên quanh mỗi gốc đa cổ thụ ở Bờ Hồ là một hành trình ký ức vô cùng đẹp đẽ trong chuyến Bộ hành qua phố hôm nay.

Những cây đa ở Bờ Hồ có một sự gần gũi đặc biệt đối với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Hà Nội. Dù gọi chung là cây đa Bờ Hồ, nhưng đó có thể là Cây đa đền Bà Kiệu, cây đa ở Đền Ngọc Sơn, có thể là cây đa ở góc Hàng Khay, hay cũng có thể là cây đa cổ thụ trong khuôn viên Tòa soạn báo Nhân Dân…

Đó đều là những cây đa dù đang còn hay không còn nữa nhưng vẫn gắn chặt với hình ảnh của Hồ Gươm và  được định vị trong ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người Hà Nội với những trò chơi, nhiều tiếng cười trong trẻo nhất:

"Ngày xưa bọn tớ bé ấy, toàn lấy búp đa để thổi, rồi nó già ấy,bọn tớ học ở trường Trần Phú ngay gần đấy, xong toàn ra ngồi ở dưới gốc đa này chơi, ngày xưa làm gì có gì chơi, làm gì có tiền mua bóng, thì cứ lấy búp đa đó thổi".

"Ấn tượng nhất của cô và tuổi thơ của cô đều gắn liền với cây đa. Tuổi học trò hơn 10 tuổi là cứ đi học rồi ra đây với các bạn, có cây đa rất to, xum xuê, cứ rụng cái búp đa xuống thì bọn cô mới nhặt thổi bóng, ngoài ra nhặt những cái lá đa nữa rồi cắt đi thành tai trâu, buôc dây vào giật làm nghé ọ, trời nóng thì lấy lá đa to làm quạt".

Ảnh: Quang Hùng/VOVGT

Ở góc độ tâm linh, những cây đa cổ thụ vẫn được người xưa coi là nơi trú ngụ cho thần linh, nên trẻ con chơi đùa dưới gốc đa cũng thấy an toàn hơn hẳn so với những gốc cây khác. Gốc đa to lớn trở thành nơi lý tưởng cho mọi trò chơi con trẻ như trốn tìm, trận giả, đuổi bắt, chơi ô ăn quan, nhảy lò cò.

Mùa hè, dưới gốc đa là cả một không gian mát rượi cho những đôi chân nhỏ chạy nhảy, chơi đùa không biết mệt mỏi. Mùa đông tới, thân cây to lớn còn là chỗ che chắn gió lạnh, là nơi cốc nước trà nóng của bà bán nước nghi ngút khói càng làm không gian nơi này trở nên ấm cúng hơn bao giờ hết.

Gốc đa cổ thụ nơi đền đình, làng quê uy nghi bao nhiêu, thì gốc đa ở Bờ Hồ lại thân thiết, gần gũi với người Hà Nội bấy nhiêu. Người xưa thường  trồng đa ở ếu, đền, đình, chùa hay đầu làng vì khi thân chính bị mục sẽ còn rất nhiều thân phụ giúp cây sống sót, do đó tuổi thọ của cây có thể kéo dài tới hàng nghìn năm.

Những gốc đa quanh Bờ Hồ cũng hiện diện tại đây có cây lên tới hơn 200 năm tuổi. Theo thời gian và những tác động của thiên nhiên, đặc biệt là những cơn bão, một số cây đa không còn, trong đó, nhiều người nhớ nhất chính là cây đa ở góc phố Hàng Khay.

Ảnh: Quang Hùng/VOVGT

Dù cây đa này đã bị sâu bệnh và chết cách đây hơn chục năm, nhưng góc công viên Bờ Hồ, chỗ gốc đa đã từng hiện diện vẫn là một khoảng trống nhắc nhớ về sự tồn tại ý nghĩa trong ký ức tuổi thơ nhiều người.

Bà Thanh, nhà ngay phố Hàng Bài, đã ở cái tuổi gần 80 nhưng vẫn nhớ rõ tuổi thơ và những ngày cắp sách tới trường được gắn bó với cây đa Bờ Hồ góc Hàng Khay, dù hiện giờ vị trí ấy đã được thay thế bằng một cây xanh khác:

"Nhưng cây đa ấy bây giờ ở đây bật gốc chết, không còn nữa, cũng mười mấy năm rồi, lâu rồi. Nó ở góc chỗ cái cây kia kìa….Cây đa còn lại bây giờ chỗ đối diện Tràng Tiền Plaza to ấy ngày xưa cũng bằng cái cây đa chỗ đầu Hàng Khay đã chết này…"

Ảnh: Quang Hùng/VOVGT

Cơn bão lớn Yagi quét qua Hà Nội tháng 9 vừa qua cũng làm cây đa cổ thụ đền Bà Kiệu bị bật gốc, gãy đổ, khiến rất nhiều người quan tâm, tiếc nuối. Thành phố Hà Nội đã nhanh chóng dựng lại gốc đa và tích cực chăm sóc để cây đa tiếp tục phát triển.

Dõi theo sự còn- mất của những gốc đa Bờ Hồ, nhiều người đã ở cái tuổi 70-80 đều thấu rõ quy luật của thời gian, nhưng điều đọng lại nhiều nhất trong họ là những ký ức vui vẻ của tuổi thơ. Giờ đây, họ vẫn có thể ngồi chơi quanh Bờ Hồ, dưới gốc đa, bàn tay chậm rãi xé chiếc lá đa, buộc dây làm nghé ọ cho cháu nhỏ thích thú cười vui.

Đó cũng là tiếng cười của chính họ khi xưa được chạy nhảy, vui đùa, được đắm mình trong những trò chơi đơn giản và ý nghĩa như thế. Chỉ là một chiếc lá đa, những búp đa, hay quả đa, rễ đa, cho tới những mảng gốc đa xù xì, ngoằn ngoèo…, tất cả đều là quá đủ cho một tuổi thơ thật nhiều ký ức đẹp đẽ.